Thông tin mới nhất về bộ “cổ vật” hàng chục ngàn năm tuổi
- Sự thật về bộ “cổ vật” hàng chục ngàn năm ở Phú Yên
- Công an trao trả nhiều cổ vật quý cho các đình làng, phủ thờ
- Đình làng xứ Huế và nỗi lo mất trộm cổ vật
- Bảo vệ cổ vật giữa biển khơi
Liên quan đến “Sự thật về bộ “cổ vật” hàng chục ngàn năm ở Phú Yên” đã được CAND online đề cập, trao đổi với phóng viên chiều 12/3 ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, một tổ công tác phối hợp giữa Bảo tàng tỉnh Phú Yên và Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tây Hòa đã đến nhà riêng ông Lê Văn Bay (SN1960, trú ở khu phố Mỹ Lệ Đông, huyện Tây Hòa) để kiểm tra, thu thập số liệu về chiều cao, trọng lượng, ghi nhận hình ảnh, thông tin chạm khắc trên bộ “cổ vật”.
Bộ "cổ vật" đang được ông Lê Văn Bay lưu giữ tại nhà riêng. Ảnh : Hữu Toàn |
Tiếp xúc tổ công tác, ông Lê Văn Bay đã đưa ra bộ “cổ vật” bằng kim loại có màu đồng thau, bao gồm một bình hồ lô có nắp đậy, trên thân bình có hình tượng nổi 8 người với các tư thế khác nhau và 2 con cóc 3 chân ngậm đồng tiền vàng; trên bộ “cổ vật” có khắc 4 chữ Hán. Đề cập đến nguồn gốc bộ “cổ vật”, ông Bay vẫn khẳng định đã tình cờ nhặt được khi lên Tây Nguyên khai thác lâm đặc sản ở vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.
“Tôi không biết đó là cổ vật hay đồ vật người xưa trang trí, thờ cúng nhưng không biết ai đó đã tung tin đồn thổi bộ “cổ vật” này có tuổi đời hàng chục ngàn năm, giá trị hàng triệu đô la... gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt gia đình tôi khi nhiều người hiếu kỳ điện thoại dò hỏi, trực tiếp đến nhà xin được ngắm bộ “cổ vật”, nguy hại hơn nữa là người này dèm pha đủ điều, người kia tung tin tôi sắp trở thành tỷ phú triệu đô…” – ông Bay bày tỏ.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên - ông Nguyễn Văn An đang kiểm tra "cổ vật" tại nhà ông Lê Văn Bay. Ảnh: Hữu Toàn |
Theo Công an huyện Tây Hòa, bình hồ lô có chiều cao 30cm, đường kính rộng nhất 15cm; chiều dài con cóc ngậm đồng tiền vàng 17cm, chiều cao nhất 5cm, đường kính rộng nhất 9cm. Khi tham khảo một số người có chuyên môn về Hán ngữ, họ nhận định bình hồ lô và 2 con cóc ngậm đồng tiền vàng nêu trên có khoảng 600 năm tuổi, 4 chữ chạm khắc trên hồ lô được tạm dịch là “Tuyên Đức Niên Chế” và 4 chữ Hán trên 2 con cóc 3 chân ngậm tiền vàng được tạm dịch là “Đại Minh Tuyên Đức”. Tuy nhiên ông Bay thừa nhận ngày 9/2/2020 có hai người khách đi xe ô tô du lịch đến xem bộ “cổ vật”, nhưng họ không đề cập đến giá trị, tuổi đời và cũng không hỏi mua.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên kiểm tra những chi tiết chạm khắc trên bình hồ lô tại nhà ông Lê Văn Bay. Ảnh: Hữu Toàn |
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, ông Phạm Văn Bảy cho biết : “Chỉ khi nào chuyên viên bảo tàng tỉnh không có đủ căn cứ khoa học, trình độ nghiệp để thẩm định thì mới trưng cầu chuyên gia khảo cổ và sẽ có văn bản kết luận. Ngược lại nếu đó là đồ vật thông thường, không có giá trị vẫn có văn bản phản hồi thông tin cho UBND huyện Tây Hòa, UBND thị trấn Phú Thứ biết để định hướng dư luận”.
Rất mong Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên sớm có kết luận thẩm định bộ “cổ vật” nhằm tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng, gây mất ANTT ở địa phương.