Thưởng Tết 2021 dự kiến thấp
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, thế nhưng theo con số của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ - TBXH) mới chỉ có hơn 30 địa phương báo cáo về tình hình thưởng Tết. Số lượng báo cáo này chưa đại diện bức tranh toàn cảnh về mức lương, thưởng cho người lao động của cả nước.
Tuy vậy, với không ít thông tin về thưởng Tết của các doanh nghiệp những ngày qua, bên cạnh số ít những cá nhân được thưởng vài trăm triệu đồng/người, thì không ít các doanh nghiệp chỉ thưởng Tết vài trăm nghìn đồng cho người lao động. Qua đó có thể thấy, đời sống và thu nhập của không ít người lao động vẫn đang rất khó khăn.
Mức thưởng bình quân thấp
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2021 cao nhất là 400 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh, trong khi mức thưởng thấp nhất chỉ đạt 550.000 đồng/người thuộc loại hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mức thưởng Tết Âm lịch bình quân thấp nhất đạt 3,5 triệu đồng cũng thuộc về công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong khi mức thưởng bình quân cao nhất thuộc về doanh nghiệp FDI với 4,45 triệu đồng.
Dự kiến cuối tháng 1/2021 sẽ có báo cáo đầy đủ về tình hình thưởng Tết cho người lao động. |
Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH Hà Nội, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp khó khăn. Nhìn vào số liệu tổng hợp của các doanh nghiệp báo cáo, tiền thưởng Tết của người lao động giảm nhẹ so với năm 2020.
Tại Hải Phòng, báo cáo của hơn 4.200 doanh nghiệp trên địa bàn về tình hình thưởng Tết, mức cao nhất thuộc về một doanh nghiệp nhựa (hơn 130 triệu đồng), thấp nhất là một doanh nghiệp sản xuất bảo hộ lao động (100 nghìn đồng). Trong khi đó, Sở LĐ - TBXH Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 230 doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương năm 2020 và kế hoạch thưởng Tết.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2020, đã có 18 doanh nghiệp (hơn 2.700 công nhân) phải chấm dứt lao động, 42 doanh nghiệp cho 27 nghìn lượt lao động nghỉ luân phiên, gần 21.400 lao động của 48 doanh nghiệp ngừng việc và 1.599 lượt lao động của 7 doanh nghiệp nghỉ không hưởng lương. Kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán, trong tổng số hơn 230 doanh nghiệp có báo cáo, gần 200 doanh nghiệp dự kiến thưởng Tết bình quân 5,8 triệu đồng/người. Ðây có thể coi là mức thưởng thấp trong vài năm trở lại đây ở Vĩnh Phúc, nguyên nhân do dịch bệnh khiến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết, đang tổng hợp số liệu cố gắng cuối tháng 1 có báo cáo đầy đủ. Qua tổng hợp sơ bộ từ hơn 30 báo cáo của các địa phương, mức tiền lương bình quân hằng tháng của người lao động trong năm 2020 giảm 7-8% so với mức lương bình quân một năm trước đó. Hầu hết các báo cáo đều ghi nhận các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu bằng 1 tháng lương
Cố gắng để có thưởng Tết
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định, doanh nghiệp đều sẽ có thưởng Tết nhưng có lẽ chỉ ở mức độ vừa phải, chắc chắn không được như mong muốn của người lao động. Tuy nhiên với những doanh nghiệp kinh doanh tốt thì họ vẫn thưởng tiền tỷ, có nơi vài trăm triệu đến vài chục triệu, nhưng cũng sẽ có những nơi chỉ thưởng vài triệu thậm chí vài trăm nghìn.
Theo ông Phòng, bên cạnh tác động khích lệ, hiện tiền thưởng Tết cũng là một yếu tố để giữ chân lao động, do đó các chủ doanh nghiệp sẽ phải tính toán để cân đối khoản thưởng cho người lao động. Những ngành tăng trưởng ổn định, ít hoặc thậm chí không ảnh hưởng như lĩnh vực công nghệ, số hóa có thể vẫn duy trì mức thưởng tốt, song số này cũng chiếm tỷ lệ rất ít.
"Chúng ta chủ yếu là lao động phổ thông tay nghề chưa thực sự cao, nhất là ở một số ngành thâm dụng lao động như: dệt may, da giày, thủy hải sản… Khi thị trường sụt giảm sẽ kéo theo suy giảm doanh thu, và lao động ở những ngành này sẽ khó khăn hơn là tất yếu. Qua khảo sát tại các nhóm doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy họ đều cố gắng tìm mọi cách khác nhau để duy trì mức thưởng Tết cho người lao động, nếu có giảm thì cũng giảm ở mức thấp nhất", ông Phòng cho biết.
Theo ông Phòng, các doanh nghiệp dù khó khăn cũng cố gắng lo thưởng cho người lao động vì duy trì thưởng Tết vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm mà doanh nghiệp phải làm, bởi vì có chăm lo cho người lao động thì mới có thể giữ chân họ ở lại làm việc với doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo con số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và 70% người lao động bị giảm thu nhập. Do vậy, nhiều khả năng, lương, thưởng Tết 2021 sẽ thấp hơn năm 2020. Trong đó khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%. Dự kiến, giữa tháng 12 âm lịch mới có thể công bố lương, thưởng Tết 2021 chính thức.
Theo thống kê ban đầu, mức thưởng Tết 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với các năm trước đây, thậm chí cao hơn năm ngoái là rất khó. Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, cho biết hầu hết các doanh nghiệp đảm bảo được việc làm thì vẫn duy trì tiền thưởng Tết 2021 theo mức trung bình. Dù không tăng nhưng doanh nghiệp sẽ cố gắng ít nhất là một tháng tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản.
"Một số doanh nghiệp khó khăn thực sự do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 khiến người lao động phải nghỉ việc hoặc việc làm không đầy đủ, tiền lương sụt giảm (như ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch, vận tải…) vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương và có một khoản nhất định để động viên người lao động", bà Ngân cho hay.