Tìm “liều thuốc đặc trị” bạo lực học đường
Theo ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện bạo lực học đường đang diễn ra khá phức tạp với nhiều nguyên nhân, tính chất, quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện khác nhau. “Nếu như trước đây, nói đến bạo lực trường học là các hành vi nóng nảy, sai trái, thiếu kiềm chế của các học sinh nam với nhau thì nay nữ sinh hành hung, đánh đập nhau ngày càng phổ biến, nhất là các vụ nữ sinh đánh hội đồng. Đặc biệt, nhiều học sinh có thái độ hờ hững, vô tâm khi chỉ đứng xem rồi dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) quay clip, cổ súy, thay vì can ngăn bạn”, ông Tân cho biết.
Theo số liệu nêu ra tại hội thảo, bình quân mỗi năm học toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, hơn 11.000 học sinh thì có một em bị đuổi học vì đánh nhau và Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường gây xôn xao dư luận. Cụ thể, hơn 1 năm trước tại Trường THCS Trần Phú, TP Huế, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, sau buổi thi môn Toán học kì 1, em Nguyễn T.H.H. (lớp 7/1) bị 4 nữ sinh, gồm: Nguyễn T.M.D. (lớp 7/1); Nguyễn T.X.N. (lớp 7/4); Phạm T.H.L (lớp 7/1) và Nguyễn N.N.Q. (lớp 7/2) đánh hội đồng như tát tai, đạp chân, giật tóc và chửi bới trước sự chứng kiến của nhiều bạn học. Clip đánh hội đồng nữ sinh này sau đó được phát tán trên mạng xã hội Facebook thu hút sự chú ý của dư luận.
Một nữ sinh Trường THCS Trần Phú (TP Huế) bị đánh hội đồng (Ảnh cắt từ clip). |
Không dừng lại ở đó, nhóm nữ sinh trên tiếp tục đánh hội đồng em Trần T.T.N. (lớp 7/4) bị thương ở vùng đầu, chảy máu. Lo sợ con mình bị bạn học tiếp tục đánh nên phụ huynh em N. quyết định xin nhà trường cho học sinh này chuyển ra học ở TP Đồng Hới (Quảng Bình).
Tiếp theo, nữ sinh N.T.T.N. (học lớp 10B4, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Huế) sau buổi học vừa bước ra khỏi cổng trường đã bị nhóm 5 bạn nữ chặn đánh. Nhóm nữ sinh này lao vào giật tóc, đấm đá và xô ngã nữ sinh N. xuống nền đường nhưng sau đó vẫn tiếp tục đánh. Thời điểm này, có rất đông học sinh có mặt chứng kiến vụ việc nhưng chỉ dám đứng nhìn...
PGS.TS Trần Thị Tú Anh, Trường Đại học Sư phạm Huế cho biết, nghiên cứu mới đây của bà dựa trên khảo sát 200 học sinh khối THCS ở TP Huế cho thấy, có đến 85% học sinh cho rằng hành vi bạo lực học đường xảy ra ở mức thỉnh thoảng đến rất thường xuyên. “Các vụ bạo lực xảy ra trong thời gian qua ở Huế được báo chí đưa tin, xã hội quan tâm là những vụ bạo lực tập thể, gây tổn thương nghiêm trọng về mặt thể chất đối với các học sinh. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” về tình trạng bạo lực học đường hiện nay”, bà Anh khẳng định.
Theo các nhà giáo, nhà nghiên cứu xã hội tham dự hội thảo, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường là do học sinh thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội và ảnh hưởng từ phương tiện đại chúng, các trang mạng xã hội... Nhằm hạn chế vấn nạn bạo lực học đường, các đại biểu đề nghị cần có sự quan tâm tích cực từ phía gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường cần xây dựng các mô hình, như môi trường nói không với bạo lực, hình thành và phát triển kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.
Trước vấn nạn bạo lực học đường đã và đang xảy ra, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Bi, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) đề nghị: “Mỗi trường học nên có giáo viên tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm hỗ trợ và can thiệp đối với các em đang gặp khó khăn trong cuộc sống tâm lý.
Ngoài ra, các trường nên có bộ phận công tác học sinh để theo dõi, đánh giá kết quả rèn luyện của các em; đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn xung đột giữa học sinh. Có như thế mới hy vọng giảm được các vụ việc bạo lực học đường như hiện nay”.