Trao 28 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua thiết bị giám sát hành trình tàu cá
- Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bám biển
- Ngư dân vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa
- Ngư dân miền Trung vươn khơi bám biển những ngày cuối năm
Số tiền trên do các đơn vị: Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần Đại Nam, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Nhơn Hội, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh và Công ty cổ phần Becamex Bình Định tài trợ.
Số tiền này sẽ được dùng để mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá của ngư dân hoạt động vùng biển xa. Đây cũng là điều kiện để ngư dân hoạt động đúng Luật Thủy sản và góp phần khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao tặng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Việc hỗ trợ thiết bị giám sát hành trình là điều kiện để ngư dân Bình Định và cả nước hoạt động đánh bắt hải sản đúng luật, hải sản đánh bắt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là vấn đề chính yếu để Ủy ban châu Âu – EC rút thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam vào cuối năm nay.
“Khi hoạt động đúng luật, đúng quy định, ngư dân sẽ nâng cao giá trị sản phẩm của mình và mình cũng ràng buộc các nước khác tuân thủ đúng quy định chung. Do vậy, việc trang bị thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ tàu cá là việc cần làm ngay, đầy đủ và toàn diện. Hy vọng, Việt Nam sẽ gia tăng giá trị xuất khẩu thủy sản vào năm sau” – nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: Toàn tỉnh hiện có hơn 8.100 tàu cá (hơn 43.000 lao động) hoạt động trên hầu khắp các vùng biển xa từ Trường Sa, Hoàng Sa đến vùng thềm lục địa phía Nam…; trong đó có hơn 3.100 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Mỗi năm, ngư dân Bình Định đánh bắt được hơn 223.000 tấn thủy sản, trong đó có hơn 10.000 tấn cá ngừ đại dương; kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt trên 77 triệu USD/năm.