Uống sừng tê giác chữa “bách bệnh”: Không có bằng chứng khoa học

08:01 01/08/2019
Được đánh giá là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác mạnh nhất thế giới cũng bởi một bộ phận người Việt Nam “chuộng” sử dụng sừng tê giác để chữa bách bệnh. Nhiều người tin vào đồn thổi và coi sừng tê giác như một loại “thần dược”, bỏ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để mua về chữa ung thư.


Mới đây nhất, cháu bé 22 tháng tuổi bị sốt cao, bố mẹ đã mài sừng tê giác cho bé uống, sau đó phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh vì ngộ độc Methemoglobin cao gấp chục lần cho phép.

Cấp cứu vì uống sừng tê giác chữa bệnh

Vì đồn thổi nên sừng tê giác từ lâu được coi là “thần dược” chữa bách bệnh, dù đắt đỏ và cấm săn bắt, buôn bán, nhưng nhiều người vẫn săn lùng tìm mua. Thậm chí, trên bàn nhậu, một số người còn mài sừng tê giác uống để “ngàn chén không say” khi nó được quảng cáo “giải độc cực tốt”. Đặc biệt, thông tin truyền tai nhau còn cho rằng, sừng tê giác chữa khỏi ung thư nên càng được nhiều người lùng mua dù bỏ ra tiền tỷ. 

Qua tìm hiểu, tôi biết có một số trường hợp khi phát hiện mắc ung thư đã không tới bệnh viện chuyên khoa điều trị, mà uống sừng tê giác vì tin vào công hiệu của nó. 

Điển hình là một bệnh nhân ở Hà Nội, phát hiện ung thư phổi giai đoạn 2, sau khi đắn đo, đã không điều trị tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu, mà nhờ người tìm mua được 1 lạng sừng tê giác, kiên trì mài ra uống. Gần 1 năm sau, bệnh tình không thuyên giảm, các cơn ho nhiều lên và đau lan diện rộng, gia đình đưa vào viện khám thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn 4, di căn. 

Hoặc có trường hợp, khi phát hiện bị ung thư, dù đã điều trị theo phác đồ của bệnh viện, nhưng vẫn tốn hàng trăm triệu đồng mua sừng tê giác về uống với hy vọng hỗ trợ chữa khỏi bệnh.

Vì quảng cáo là “thần dược” nên sừng tê giác càng được đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn tinh vi tuồn vào trong nước. (Ảnh Báo Lao động)

Dù đã được cảnh báo, nhưng ngày càng nhiều người tin vào sự “kỳ diệu” chữa bách bệnh của sừng tê giác mà suýt đánh đổi tính mạng. Điển hình là trường hợp cháu bé 22 tháng tuổi ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 18-7 vì uống sừng tê giác do cha mẹ cháu tin rằng đây là thần dược chữa sốt. 

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ Methemoglobin trong máu của cháu bé là 30%, cao hơn 10 lần cho phép. 

Theo gia đình bệnh nhi, trước đó bé sốt cao co giật, gia đình cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác để hạ sốt. Kết quả bé bị ngộ độc nặng, phải thở máy, thay máu… Sau 5 ngày cấp cứu tích cực, bé mới cai được thở máy, tình trạng ngộ độc thuyên giảm, hoạt động chức năng cơ quan mới trở lại bình thường. Bé vẫn đang được theo dõi và điều trị tiếp.

Ngộ độc Methemoglobin có thể gây tử vong nếu nồng độ trên 70%, còn từ 50-70% có thể hôn mê, co giật, nhịp tim bất thường. Ngộ độc Methemoglobin thường xảy ra sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm…

Không mù quáng tin vào đồn thổi

Vì thổi phồng công dụng chữa bệnh nên sừng tê giác vẫn tiếp tục được buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vụ việc mới đây nhất là vào ngày 25-7, Đội Kiểm soát Hải quan Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài khám 14 kiện hàng, là các khối thạch cao có nghi vấn vận chuyển qua đường hàng không. Đục bên trong các khối thạch cao, lực lượng chức năng phát hiện 55 khúc sừng tê giác với trọng lượng 125,15kg. 

Do bị kiểm soát gắt gao, sừng tê giác trên thị trường “chợ đen” ở Việt Nam còn được làm giả để lừa người bệnh. Nếu sử dụng sừng tê giác giả, sừng tê giác bị tiêm thuốc độc, hậu quả không chỉ tiền mất, mà còn tật mang. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, do giá thành “trên trời” nên nạn săn bắt tê giác để lấy sừng diễn biến nghiêm trọng. Theo thông báo của Bộ Môi trường Nam Phi, năm 2018, nước này có 769 cá thể tê giác bị săn bắn, giảm 259 cá thể so với con số 1.028 cá thể của năm 2017. 

Năm 2017 và 2018, ENV ghi nhận 147 hành vi vi phạm tại Việt Nam, trong đó có 119 trường hợp liên quan đến quảng cáo sừng tê trên mạng xã hội và 24 liên kết đã được gỡ bỏ thành công. Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh sử dụng sừng tê giác chữa được bệnh. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, đã đến lúc chúng ta cần phải xóa bỏ những lời đồn thổi vô căn cứ về công dụng của sừng tê giác, cũng như xóa bỏ quan niệm mù quáng về việc sừng tê giác là thần dược hay món quà xa xỉ.

GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, nhiều người cho rằng sừng tê giác chữa được bách bệnh, trong đó có ung thư là “nhảm nhí”. “Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh hay giải độc” - GS Đức khẳng định. 

Theo GS Đức, tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam cao là do khoảng 70% người bệnh đến viện muộn, đáng tiếc hơn cả nhiều trường hợp chữa ung thư bằng phương pháp phản khoa học như uống rễ cây, cúng bái, sử dụng sừng tê giác… nên đã bỏ qua “thời gian vàng” điều trị bệnh.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cảnh báo, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin lan truyền về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Do vậy, phụ huynh không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi, vô căn cứ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.

ENV đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông về bảo vệ tê giác, trong đó có phim ngắn bảo vệ tê giác với sự tham gia của ca sĩ Hồng Nhung và MC Phan Anh.

Bộ phim ra mắt năm 2017 và được phát sóng trên hơn 60 kênh truyền hình cả nước. Thái độ của công chúng đối với vấn đề bảo vệ tê giác cũng có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong giới trẻ.
Trần Hằng

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文