Uống sừng tê giác chữa “bách bệnh”: Không có bằng chứng khoa học

08:01 01/08/2019
Được đánh giá là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác mạnh nhất thế giới cũng bởi một bộ phận người Việt Nam “chuộng” sử dụng sừng tê giác để chữa bách bệnh. Nhiều người tin vào đồn thổi và coi sừng tê giác như một loại “thần dược”, bỏ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng để mua về chữa ung thư.


Mới đây nhất, cháu bé 22 tháng tuổi bị sốt cao, bố mẹ đã mài sừng tê giác cho bé uống, sau đó phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh vì ngộ độc Methemoglobin cao gấp chục lần cho phép.

Cấp cứu vì uống sừng tê giác chữa bệnh

Vì đồn thổi nên sừng tê giác từ lâu được coi là “thần dược” chữa bách bệnh, dù đắt đỏ và cấm săn bắt, buôn bán, nhưng nhiều người vẫn săn lùng tìm mua. Thậm chí, trên bàn nhậu, một số người còn mài sừng tê giác uống để “ngàn chén không say” khi nó được quảng cáo “giải độc cực tốt”. Đặc biệt, thông tin truyền tai nhau còn cho rằng, sừng tê giác chữa khỏi ung thư nên càng được nhiều người lùng mua dù bỏ ra tiền tỷ. 

Qua tìm hiểu, tôi biết có một số trường hợp khi phát hiện mắc ung thư đã không tới bệnh viện chuyên khoa điều trị, mà uống sừng tê giác vì tin vào công hiệu của nó. 

Điển hình là một bệnh nhân ở Hà Nội, phát hiện ung thư phổi giai đoạn 2, sau khi đắn đo, đã không điều trị tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu, mà nhờ người tìm mua được 1 lạng sừng tê giác, kiên trì mài ra uống. Gần 1 năm sau, bệnh tình không thuyên giảm, các cơn ho nhiều lên và đau lan diện rộng, gia đình đưa vào viện khám thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn 4, di căn. 

Hoặc có trường hợp, khi phát hiện bị ung thư, dù đã điều trị theo phác đồ của bệnh viện, nhưng vẫn tốn hàng trăm triệu đồng mua sừng tê giác về uống với hy vọng hỗ trợ chữa khỏi bệnh.

Vì quảng cáo là “thần dược” nên sừng tê giác càng được đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn tinh vi tuồn vào trong nước. (Ảnh Báo Lao động)

Dù đã được cảnh báo, nhưng ngày càng nhiều người tin vào sự “kỳ diệu” chữa bách bệnh của sừng tê giác mà suýt đánh đổi tính mạng. Điển hình là trường hợp cháu bé 22 tháng tuổi ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày 18-7 vì uống sừng tê giác do cha mẹ cháu tin rằng đây là thần dược chữa sốt. 

Theo BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, cháu bé được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ Methemoglobin trong máu của cháu bé là 30%, cao hơn 10 lần cho phép. 

Theo gia đình bệnh nhi, trước đó bé sốt cao co giật, gia đình cho bé uống bột mài ra từ sừng tê giác để hạ sốt. Kết quả bé bị ngộ độc nặng, phải thở máy, thay máu… Sau 5 ngày cấp cứu tích cực, bé mới cai được thở máy, tình trạng ngộ độc thuyên giảm, hoạt động chức năng cơ quan mới trở lại bình thường. Bé vẫn đang được theo dõi và điều trị tiếp.

Ngộ độc Methemoglobin có thể gây tử vong nếu nồng độ trên 70%, còn từ 50-70% có thể hôn mê, co giật, nhịp tim bất thường. Ngộ độc Methemoglobin thường xảy ra sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm…

Không mù quáng tin vào đồn thổi

Vì thổi phồng công dụng chữa bệnh nên sừng tê giác vẫn tiếp tục được buôn lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vụ việc mới đây nhất là vào ngày 25-7, Đội Kiểm soát Hải quan Hà Nội phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài khám 14 kiện hàng, là các khối thạch cao có nghi vấn vận chuyển qua đường hàng không. Đục bên trong các khối thạch cao, lực lượng chức năng phát hiện 55 khúc sừng tê giác với trọng lượng 125,15kg. 

Do bị kiểm soát gắt gao, sừng tê giác trên thị trường “chợ đen” ở Việt Nam còn được làm giả để lừa người bệnh. Nếu sử dụng sừng tê giác giả, sừng tê giác bị tiêm thuốc độc, hậu quả không chỉ tiền mất, mà còn tật mang. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, do giá thành “trên trời” nên nạn săn bắt tê giác để lấy sừng diễn biến nghiêm trọng. Theo thông báo của Bộ Môi trường Nam Phi, năm 2018, nước này có 769 cá thể tê giác bị săn bắn, giảm 259 cá thể so với con số 1.028 cá thể của năm 2017. 

Năm 2017 và 2018, ENV ghi nhận 147 hành vi vi phạm tại Việt Nam, trong đó có 119 trường hợp liên quan đến quảng cáo sừng tê trên mạng xã hội và 24 liên kết đã được gỡ bỏ thành công. Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh sử dụng sừng tê giác chữa được bệnh. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, đã đến lúc chúng ta cần phải xóa bỏ những lời đồn thổi vô căn cứ về công dụng của sừng tê giác, cũng như xóa bỏ quan niệm mù quáng về việc sừng tê giác là thần dược hay món quà xa xỉ.

GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, nhiều người cho rằng sừng tê giác chữa được bách bệnh, trong đó có ung thư là “nhảm nhí”. “Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh hay giải độc” - GS Đức khẳng định. 

Theo GS Đức, tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam cao là do khoảng 70% người bệnh đến viện muộn, đáng tiếc hơn cả nhiều trường hợp chữa ung thư bằng phương pháp phản khoa học như uống rễ cây, cúng bái, sử dụng sừng tê giác… nên đã bỏ qua “thời gian vàng” điều trị bệnh.

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cảnh báo, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin lan truyền về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác. Do vậy, phụ huynh không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi, vô căn cứ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.

ENV đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông về bảo vệ tê giác, trong đó có phim ngắn bảo vệ tê giác với sự tham gia của ca sĩ Hồng Nhung và MC Phan Anh.

Bộ phim ra mắt năm 2017 và được phát sóng trên hơn 60 kênh truyền hình cả nước. Thái độ của công chúng đối với vấn đề bảo vệ tê giác cũng có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là trong giới trẻ.
Trần Hằng

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文