Ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng đê biển Cà Mau

07:08 30/08/2019
Cách nay gần một tháng, người dân tỉnh Cà Mau đối mặt với sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, hàng trăm hộ dân đã phải sơ tán do nhà sập, tốc mái dọc tuyến đê biển thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh.


Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến nay, toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người bị thương; 133 căn nhà bị sập, 632 căn nhà bị tốc mái; gần 1.750 căn nhà, 1 trường học bị ngập do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, ước thiệt hại gần 30 tỷ đồng.

Còn nhớ vào chiều 3-8, mưa lớn kèm gió mạnh, sóng biển đánh vào sát hơn 300m thân đê phòng hộ biển ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đây là đợt thuỷ triều dâng cao kỷ lục trong hàng chục năm qua. Đê biển với cao trình hơn 3m bị thuỷ triều tràn vào vùng ngọt hóa của xã Khánh Bình Tây, đe doạ đến sản xuất lúa của người dân phía trong đê. 

Các lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau và nhân dân địa phương gia cố bảo vệ đê biển Tây đợt sạt lở ngày 3-8.

Sóng biển mạnh, toàn bộ tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau với chiều dài 50km đều bị uy hiếp nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn từ Kinh Mới tới cửa vàm Đá Bạc hơn 3km bị ảnh hưởng nặng nề. 

Có thể thấy, tuyến đê phòng hộ ven biển Tây của tỉnh Cà Mau có vai trò rất quan trọng trong ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu vỡ đê, cả hệ sinh thái vùng ngọt phía trong đê sẽ bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là diện tích lúa của người dân tại các khu vực này…

Qua rà soát tình hình sạt lở bờ biển của tỉnh Cà Mau thì hiện toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm là 65km. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, tại Cà Mau tình trạng sạt lở diễn ra cả biển Đông và biển Tây. Cụ thể, từ 20-25m/năm ở bờ biển Tây, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm. Tại biển Đông bình quân từ 45-50m, thậm chí có nơi sạt lở 100m/năm.

Đối với bờ biển Tây, theo ông Nguyễn Long Hoai, khu vực bị sạt lở nguy hiểm là 57km. Cụ thể, đoạn từ Tiểu Dừa – Ba Tĩnh sạt lở 25km; đoạn từ Ba Tĩnh – Mũi Tràm sạt lở 17km; đoạn từ Sông Đốc – Mũi Háp sạt lở 15km. Trong đó, có 40.5km sạt lở rất nguy hiểm. Đối với bờ biển Đông có 48km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm. 

Trong đó, có 24,5km sạt lở rất nguy hiểm, như: Đoạn Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) sạt lở 3,5km; đoạn Ô Rô (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) sạt lở 3km; đoạn Rạch Gốc (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) sạt lở 6,3km; Vàm Xoáy 5km… 

Hiện Cà Mau đã, đang xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven biển với tổng chiều dài 28,5km với số vốn khoảng 956 tỷ đồng. Còn lại 36,5km chưa được xử lý (trong đó bờ biển Đông có 16km và bờ biển Tây có 20,5km).

Trong chuyến khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển, cũng như tận mắt chứng kiến những giải pháp công trình kè khắc phục sạt lở ở tuyến đê biển Tây Cà Mau mới dây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đánh giá: 

“Vấn đề sạt lở biển đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, hiện nay đều rất nghiêm trọng. Theo tính toán không chính thức thì hiện nay mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 500ha. Như vậy, vấn đề đặt ra địa phương phải làm thế nào để hạn chế được vấn đề sạt lở hiện nay. Hiện các giải pháp đề ra thì đã có và đã nghiên cứu từ rất lâu. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau đã chủ động trong các nghiên cứu các giải pháp để phòng, tránh sạt lở bờ biển khoảng hơn 10 năm trước”.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cùng với các nghiên cứu khoa học của các cơ quan nghiên cứu của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là Viện thủy công (thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), các đơn vị trong đó có cả tư nhân và tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. 

“Ngoài chuyện nghiên cứu hạ giá thành xuống, thì làm thế nào để có nguồn vốn kịp thời, trước mắt xử lý những điểm sạt lở trọng yếu hiện nay. Đối với địa bàn Cà Mau thì khu vực biển Tây còn khoảng 20km, biển Đông có khoảng 30km tuyến đê cần khắc phục khẩn cấp”, ông Hiệp cho biết. 

Các giải pháp kè chống sạt lở hiện nay của Cà Mau dang áp dụng, như: Kè chống sạt lở bằng rọ đá kết hợp cọc bê tông cốt thép; kè chống sạt lở bằng rọ đá kết hợp cừ bản nhựa, cừ tràm; kè chống sạt lở bằng kết cấu bê tông cốt thép kiểu tự chèn; kè chống sạt lở bằng cừ dừa; đê trụ rỗng; kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc; kè cấu kiện bằng bê tông cốt phi kim phá sóng (Busadco)...

Theo ông Nguyễn Long Hoai, qua đợt sóng lớn đầu tháng 8 vừa qua, kè ly tâm hay còn gọi kè ngầm tạo bãi mang lại hiệu quả cao, có tác dụng vừa chống sạt lở đất chân đê vừa tạo bãi bồi cho rừng phòng hộ phát triển.Đây là loại kè kiên cố, được đánh giá phù hợp nhất trong các loại kè đã được thử nghiệm. 

“Hiện, bước vào mùa mưa bão nên tuyến đê biển Tây nguy cơ sạt lở rất lớn. Việc thực hiện các biện pháp chống sạt lở tạm thời như làm các loại kè cừ tràm, kè bản nhựa… chưa mang lại hiệu quả. Xét về lâu dài, việc xây dựng kè ly tâm là điều cần thiết”, ông Hoai nói.

Với tình trạng sạt lở như vậy, tỉnh Cà Mau cần rất nhiều vốn để xây dựng kè bảo vệ. Tuy nhiên, với tình hình ngân sách của tỉnh còn khó khăn, sự hỗ trợ từ Trung ương chưa đủ nên không thể đáp ứng được nhu cầu. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết để khắc phục tình trạng xói lở bờ biển Đông, Tây và sạt lở bờ sông, tỉnh đang áp dụng nhiều giải pháp phòng chống, huy động nhiều nguồn vốn để xử lý; áp dụng nhiều giải pháp phi công trình và công trình. Qua đó đã khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven bờ biển với tổng chiều dài trên 28.700m, với tổng mức đầu tư trên 956 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khó lường như hiện nay, Cà Mau đã cập nhật tình hình để báo cáo Trung ương nhằm kịp thời có phương án hỗ trợ các nguồn lực giúp địa phương thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ KH&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu có chuyến khảo sát về tình hình sạt lở ở Cà Mau. Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại tuyến đê bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt triều cường vào ngày 3-8, khiến hơn 300m đê bị uy hiếp nghiêm trọng. 

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự khẩn trương, nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở vừa diễn ra tại tuyến đê biển Tây. Trước mắt, Bộ KH&ĐT dự kiến trình Chính phủ kinh phí gần 74 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Cà Mau kịp thời xử lý đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng. 

Đối với tình trạng sạt lở hiện nay, tỉnh Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách; trong đó chú trọng sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao. 

“Về lâu dài, tỉnh Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa. Bảo vệ đê biển gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ, đây là biện pháp quan trọng trước mắt và cũng là lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định...

Đức Văn

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文