Vươn lên làm giàu từ hoàn cảnh nghèo khó

08:13 19/10/2015
Chị Hoàng Thị Cúc (SN 1965, ngụ tại phường 6, quận 8 TP Hồ Chí Minh) đã thành lập Tổ hợp tác phụ nữ may gia công giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều chị em trong phường.

Với xuất phát điểm là hộ nghèo, cuộc sống cơ cực vất vả nên chị Hoàng Thị Cúc (SN 1965, ngụ tại phường 6, quận 8 TP Hồ Chí Minh) phải mưu sinh bằng gánh hàng rong. Thế nhưng, sau khi học nghề may và được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, chị đã thành lập Tổ hợp tác phụ nữ may gia công, không những giúp gia đình mình thoát nghèo mà còn hỗ trợ tạo việc làm cho nhiều chị em trong phường.

Cơ sở sản xuất của tổ hợp tác rộng 100m2 có 30 nhân công với 19 máy may được sử dụng luân phiên, nguồn thu hằng năm của tổ hợp tác lên tới hơn 1 tỷ đồng. Có được cơ ngơi như vậy là cả quá trình nỗ lực tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của chị. Chị Cúc chia sẻ: Trước đây cuộc sống của gia đình tôi rất chật vật. Sau khi kết hôn, do không có đất xây nhà, vợ chồng tôi phải ở nhờ nhà họ hàng. Hai vợ chồng tay trắng, không có công việc ổn định, để kiếm sống qua ngày tôi phải gánh hàng đi bán dạo khắp nơi. Cũng vì vậy tôi quyết tâm phải học được nghề nào đó để thay đổi cuộc sống của gia đình mình.

Nhận thấy nghề may gia công ngày càng phát triển chị Cúc tranh thủ học nghề tại một xưởng may gần nhà. Năm 1996 khi đã thành thạo công việc, với số tiền dành dụm được chị mua một máy may và nhận hàng về làm tại nhà. Sản phẩm chị làm ra luôn đạt chất lượng nên đã tạo được uy tín trong nghề may. Có được nguồn thu từ nghề may, cuộc sống gia đình chị được cải thiện. Anh chị đã có nhà riêng để ở, con cái được học hành. Theo thời gian, càng ngày hợp đồng nhận hàng may gia công từ các công ty ngày càng nhiều, trong khu phố lại có nhiều chị em không có việc làm, chính những điều này đã thôi thúc chị mở rộng sản xuất. Năm 2010 chị bán máy cũ và vay vốn Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 8 mua 10 máy may mới, nhận thêm nhân công vào làm. Bên cạnh đó, chị còn nhận hàng về chia lại cho các chị em trong trong khu phố may để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Sau một thời gian, số máy hiện có trong cơ sở may gia công của chị không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ thực trạng trên, tháng 11/2014, chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp quan tâm hỗ trợ thành lập “Tổ hợp tác phụ nữ may gia công” do chị làm tổ trưởng với 30 thành viên và đồng thời được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ cho tổ hợp tác 9 máy may chuyên dụng để giúp cho các thành viên có đủ máy đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật may. Nhờ có thêm máy mới, mỗi ngày một nhân công trong tổ hợp tác sản xuất được từ 500 - 600 thành phẩm.

Với cương vị mới, chị có thêm động lực phát triển nghề may. Chị Vũ Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận 8 cho biết: Khi đã ổn định việc sản xuất, chị Cúc hướng dẫn tổ viên tập may những mẫu mã mới dành cho người nước ngoài. Khi tổ viên đã nắm được kỹ thuật may chị mạnh dạn liên hệ nhiều công ty xuất khẩu quần áo uy tín để có thêm hợp đồng gia công, tăng thu nhập cho hội viên. Hiện tại tổ hợp tác may gia công của chị Cúc có nhiều hợp đồng gia công với các cơ sở may cung ứng hàng may quần áo trong nước và xuất khẩu đi các nước châu Âu, Campuchia… Mỗi thành viên trong tổ hợp tác gia công có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Thư Kỳ

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文