Vượt qua ám ảnh “bão lửa” để hồi sinh
- U Minh Thượng trở thành khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới
- Về căn cứ U Minh Thượng, đắm mình trong những câu chuyện của An ninh Khu IX…5
- Về miệt thứ, ghé rừng quốc gia U Minh Thượng
Bất cứ ai trong hàng ngàn người từ TP HCM, các tỉnh miền Tây Nam Bộ… từng hành quân về U Minh Thượng quần nhau với lửa suốt 20 ngày, đêm để cứu VQG năm 2002, giờ trở lại sẽ không khỏi ngậm ngùi ước giá như ngày ấy không bị đò giang cách trở. Bây giờ, từ QL63 có thể phóng ôtô trên con đường nhựa hơn 8km qua vùng đệm vào thẳng lõi VQG, nơi đang bảo tồn 72 loài động, thực vật quí hiếm ghi trong Sách đỏ.
Tại trụ sở Ban Quản lý VQG, ông Phạm Văn Út, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, các cán bộ VQG, Huyện đội, Công an, Kiểm lâm, Dân phòng… sẵn sàng cho chuyến khảo sát công tác PCCC trong khu bảo tồn nghiêm ngặt.
Ai cũng nhớ rõ thảm họa đã qua. Vụ cháy thiêu rụi gần 40% tổng diện tích rừng nguyên sinh của VQG, làm cho 7 loài thú bị xóa sổ, cấu trúc thành phần loài chim thay đổi do mất nơi cư trú, các loài bò sát như kỳ đà, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn hổ mang... gần như mất dạng.
Chưa tìm ra nguyên nhân của vụ cháy, ông Bành Văn Đởm, vị Giám đốc đầu tiên của VQG U Minh Thượng đã xin từ chức do bị thảm họa ám ảnh. Ban Quản lý VQG U Minh Thượng quyết định phong bế toàn bộ các tuyến kênh trong vùng lõi để giữ nước chống cháy suốt 8 năm, làm biến đổi sự phát triển tự nhiên của rừng tràm, kéo theo giảm tính đa dạng sinh học của các loài.
Các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng trong Vườn Quốc gia U Minh Thượng. |
Mãi đến năm 2009, sau một Hội thảo khoa học cấp quốc gia mới thống nhất phương án quản lý nước, cho phép giảm mực nước trong vùng lõi để đảm bảo sự phát triển bình thường của rừng tràm, đồng thời vẫn đáp ứng mục tiêu PCCC rừng.
Lật sơ đồ phương án PCCC rừng của VQG được phê duyệt từ mùa mưa năm trước, chúng tôi thấy vùng đệm 13.069ha đã có 21 tuyến kênh; có hệ thống đê bao quanh chu vi 60km; vùng lõi 8.038ha, có đê bao chu vi 38km, với 8 cống tròn, cống hộp. Có 2 trạm bơm công suất 8.000m³/giờ; bố trí trạm số 2 tại vị trí giáp ranh giữa vùng đệm với vùng lõi; trạm số 2 trong vùng lõi đặt tại vị trí giáp ranh giữa khu vực thấp, với khu vực cao. Trong vùng lõi, được chia thành 7 tiểu khu, bố trí 8 Trạm quản lý bảo vệ rừng, vận hành hệ thống, đảm bảo có thể tháo ngập cho cây tràm thở, đồng thời có thể bơm bổ sung nước từ vùng đệm giữ ẩm chân rừng.
Trong vùng lõi, có một hố bom từ gần nửa thế kỷ trước, rộng khoảng 2ha, hình hoa mai nên gọi là hồ Hoa Mai, được trữ nước ngọt và bài trí cảnh quan. Gần đó, trạm bơm số 1 đang phun nước ầm ầm vào trục kênh trung tâm với công suất 1.700m³/h. Ông Châu Phát, cán bộ VQG cùng 4 công nhân đang trực vận hành trạm bơm 24/24h suốt mấy tháng qua và đã bơm chuyền 1,2 triệu mét khối nước từ khu vực thấp lên khu vực cao để duy trì độ ẩm trong rừng.
“Nguồn nước ngọt này đã được trạm bơm số 2 ở vòng ngoài có công suất lớn, bơm chuyền trên 3 triệu mét khối từ vùng đệm vào vùng lõi từ tháng 12 năm trước, khi đó vùng đệm chưa bị xâm nhập mặn. Từ cuối mùa mưa năm trước, lãnh đạo VQG đã chỉ đạo gia cố đê đập, chủ động giữ nước trong vườn cao hơn 40% so với lượng nước tích trữ các năm trước”, ông Phát cho biết.
Nguồn nước do trạm số 1 bơm đổ vào trục kênh trung tâm có thể đưa chúng tôi di chuyển - bằng vỏ lãi - giữa một bên là vùng rừng nguyên sinh, một bên là vùng rừng bị thiêu rụi năm nào giờ gọi là “lung tràm cháy”.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng, cho biết: “Chúng tôi đã dọn sẵn 19 tuyến đường băng cản lửa từ bờ kênh chạy sâu vào rừng 1,2km, có ký hiệu, để tiện việc điều động lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có tình huống cháy xảy ra. Phía trong đường băng cản lửa còn có 4 hố trữ nước chữa cháy đã được đào sẵn, bán kính mỗi hố 500m”...
Theo ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế VQG U Minh Thượng, trong số 3.212ha rừng tràm bị cháy đã có 2.409ha phục hồi. Tràm có mật độ tương đối dày, trung bình 22.000 cây/ha, đường kính ngang ngực trung bình 6,5cm, chiều cao trung bình 7m. Tại những khu vực than bùn còn mỏng, tràm có chiều cao thấp hơn (3,5-4m), tán phát triển. Dưới tán rừng tràm tái sinh, các loài thảm tươi đang phát triển. Các loài chim nước tập chung trở lại. Số lượng các loài chim nước trú đêm, sinh sản tại sân chim tăng 33,12% so với năm 2009.