Xã biên giới ở Quảng Nam có tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 87%
- Việt Nam chú trọng hợp tác công tư để giảm nghèo
- Xoá đói giảm nghèo: Người dân cần “cần câu” chứ không phải “con cá”
Ngày 15-2, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác giảm nghèo và đào tạo lao động các xã miền núi với sự tham dự của lãnh đạo các xã cùng lãnh đạo 9 huyện miền núi của tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đây được xem là hội nghị đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của khu vực miền núi Quảng Nam. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được cho là đặc biệt quan trọng để tìm ra giải pháp phát triển, giảm nghèo cho các huyện miền núi Quảng Nam. |
Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện gồm Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước.
Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Quảng Nam năm 2016 có 45.330 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,3%, trong đó khu vực miền núi có 27.883 hộ, tỷ lệ 34,89%, cao gấp 6,5 lần so với khu vực đồng bằng của tỉnh.
Trong 9 huyện miền núi, huyện Bắc Trà My có quy mô hộ nghèo cao nhất với 5.047 hộ. Xã Gari, huyện Tây Giang là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Quảng Nam (86,78%).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là mặc dù Trung ương hỗ trợ đầu tư lớn cho chương trình giảm nghèo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận chuyên đề về giảm nghèo và khuyến khích thoát nghèo bền vững cho khu vực miền núi nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương vẫn không giảm hoặc có giảm nhưng còn thấp, không đạt mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân được đưa ra là năng lực cán bộ cấp xã và cấp thôn khu vực miền núi còn hạn chế, thụ động trong công việc; khu vực miền núi Quảng Nam phần lớn địa hình phức tạp, phân bố dân cư phân tán, phong tục tập quán còn lạc hậu; một số cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đã làm xuất hiện tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách, từ đó làm mất đi động lực phát triển của một bộ phận người dân.
Quảng Nam chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh thiếu niên đồng bào thiểu số ở vùng núi. |
Cũng theo ông Thùy, về công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi, mặc dù tỉnh Quảng Nam rất chú trọng đến công tác này khi thành lập 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho đồng bào thiểu số vùng núi, song tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực miền núi của tỉnh chỉ đạt 28,5% (toàn tỉnh tỷ lệ đào tạo này là 50,6%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 24,3% (toàn tỉnh 45,5%).
Để giải quyết vấn đề đào tạo nghề cho lao động miền núi thời gian tới, ông Thùy cho biết trong quý I-2017, các huyện miền núi tổ chức đào tạo thí điểm mỗi địa phương 1 lớp.
Thông qua kết quả, hiệu quả của lớp thí điểm này sẽ tuyên truyền rộng rãi, gây hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam khuyến khích mạnh các doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tự tổ chức đào tạo, trực tiếp nhận kinh phí hỗ trợ đào tạo từ Nhà nước và tiếp nhận lao động vào làm việc; nếu doanh nghiệp có khó khăn về thủ tục trong đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp như giáo viên, giáo trình, chương trình đào tạo,… thì Sở LĐ-TB&XH sẵn sàng hỗ trợ kịp thời theo thẩm quyền.
Hội nghị lần này cũng đã lắng nghe ý kiến của nhiều lãnh đạo các xã, huyện miền núi để tìm hướng tháo gỡ, giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.