Chiêu trò tinh vi lôi kéo "tín đồ" của “Hội thánh Đức chúa trời”

08:48 30/04/2018
Những năm gần đây, hoạt động của “Hội thánh Đức chúa trời Mẹ” (hay còn gọi là Hội thánh của Đức chúa trời) đã và đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Những hoạt động tôn giáo trái pháp luật của “Hội thánh Đức chúa trời” đã gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT, làm xáo trộn đức tin của một bộ phận nhân dân và làm nảy sinh mâu thuẫn trong nhân dân.

Qua công tác điều tra, xác minh, nắm tình hình, được biết: “Hội thánh Đức chúa trời” có nguồn gốc từ Hàn Quốc, du nhập vào nước ta từ năm 2001 sau đó phát triển ra nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình v.v...

Tại Thanh Hoá, “Hội thánh Đức chúa trời” xuất hiện từ năm 2015 với điểm nhóm đầu tiên tại số nhà 127 Tô Vĩnh Diện, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn do Vũ Thị Mịn, SN 1971, ở thôn 3, xã Minh Châu, Triệu Sơn cầm đầu điểm nhóm, sau đó phát triển ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. 

Ngay sau khi phát hiện có các hoạt động liên quan đến “Hội thánh Đức chúa trời” trên địa bàn, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát và đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia. 

Trong đó, huyện Triệu Sơn đã 2 lần lập biên bản vi phạm hành chính và kiểm điểm, nhắc nhở, yêu cầu Vũ Thị Mịn cam kết không được tuyên truyền, giao giảng đạo trái pháp luật (lần 1 vào tháng 10-2016, lần 2 vào tháng 5-2017); Công an TP Thanh Hoá và các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Thọ Xuân cũng đã tiến hành đấu tranh với số đối tượng cầm đầu, đồng thời lập biên bản xử lý và yêu cầu các đối tượng chấm dứt việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Nhờ đó, tình hình hoạt động có liên quan đến “Hội thánh Đức chúa trời” trên địa bàn tỉnh sau đó đã tạm thời lắng xuống.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là từ đầu tháng 4-2018 đến nay hoạt động của nhóm tà đạo này tiếp tục diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội và bất bình trong nhân dân. 

Hiện nay qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 60 người ở 15 huyện, thị xã, thành phố tham gia “Hội thánh Đức chúa trời”, trong đó tập trung đông nhất là ở TP Thanh Hoá với khoảng 21 người tham gia, còn lại ở các điểm nhóm khác có từ 8 - 10 người, thậm chí chỉ có 1- 2 người tham gia

Người dân rất bức xúc trước hoạt động trái pháp luật của “Hội thánh Đức chúa trời”.

Thủ đoạn hoạt động của tổ chức này là thường tìm đến các địa phương thuê nhà trọ, nhà nghỉ bình dân và núp dưới các hình thức như bán hàng online, kinh doanh các thiết bị điện, đồ gia dụng, máy lọc nước, làm từ thiện... để tiến hành các hoạt động lôi kéo, thuyết phục người dân tham gia. Đối tượng bị lôi kéo chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên hoặc những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh trong cuộc sống.

Hầu hết những người bị lôi kéo tham gia vào “Hội thánh Đức chúa trời” đều được các đối tượng rao giảng với luận điệu duy tâm, phản khoa học. Thậm chí, các đối tượng này còn phản bác những lời răn dạy của bố mẹ, anh chị em trong gia đình, trái với thuần phong mỹ tục.

Ngoài ra, các đối tượng này sẽ cho những người tham gia ăn bánh mỳ và uống nước một thứ nước màu đỏ khiến nhiều người rơi vào trạng thái không tỉnh táo. Đối với những ai có ý định bỏ ngang, những thành viên thuyết giảng sẽ dùng những hình phạt như “nằm trong chảo dầu”, “bị đày đọa đau khổ” khi chết, khiến nhiều người nhẹ dạ sợ hãi và nghe lời răm rắp.

Không chỉ có những tác động về tâm lý, nhiều kẻ cầm đầu còn có những chiêu thức tinh vi hơn như hỗ trợ về kinh tế (thuê nhà cho sinh viên ở xa, hỗ trợ tiền sinh hoạt) nhằm chiếm được lòng tin, sau đó, lôi kéo các sinh viên này tham gia Hội. Thậm chí, một số đối tượng còn đưa ra những mức thưởng bằng vật phẩm, hoặc tiền cho những ai lôi kéo được người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia vào hội.

Với những chiêu thức đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của “Hội thánh Đức Chúa trời”, trong đó có không ít người là giáo viên, cán bộ về hưu, nông dân, học sinh, sinh viên,... 

Nhiều người vì tin vào loại “tà đạo” này, mà đã đập bỏ bàn thờ ông bà, tổ tiên, gia đình rơi vào cảnh ly tán; học sinh, sinh viên thì bỏ học, bỏ làm để đi theo tà đạo, tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến ANTT và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục.

Cũng theo một số người đã từng tham gia “Hội thánh Đức chúa trời” cho biết thì những tín đồ sau khi tham gia “Hội thánh” khi nghe giảng đạo phải đóng 50.000 đồng/người cho “Trưởng nhóm”; những người ăn, ở tại “Hội thánh” thì sẽ được bố trí đi làm “xe ôm” hoặc đi bán hàng dạo... cuối ngày cho tiền vào phong bì đưa cho “Trưởng nhóm”; đối với những tín đồ có công việc ổn định đều phải dâng cúng cho hội thánh 10% thu nhập/tháng. Tuy nhiên nguồn tiền này sử dụng như thế nào thì các tín đồ không bao giờ được biết.

Trước những diễn biến phức tạp và những hệ luỵ khôn lường do “Hội thánh Đức chúa trời” gây ra, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hậu quả và những phương thức, thủ đoạn hoạt động của “Hội thánh Đức chúa trời” để nhân dân biết, cảnh giác, phòng ngừa, không nghe, không tin, không tham gia tổ chức này. 

Đồng thời mạnh mẽ lên án, đấu tranh dẹp bỏ tổ chức này ra khỏi đời sống xã hội. Mặt khác, Công an tỉnh tiếp tục thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ và đấu tranh quyết liệt với số đối tượng cầm đầu hội thánh để xử lý theo quy định của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hoặc Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí sẽ xem xét để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật khi có đủ căn cứ pháp lý.

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng Công an trong tỉnh đã đấu tranh xử lý nhiều điểm hoạt động của “Hội thánh Đức chúa trời”.

Mới đây nhất, ngày 27-4, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh phân phối máy lọc nước Big River, đóng tại số nhà 774, Quang Trung 3, phường Đông Vệ. 

Qua kiểm tra, đã phát hiện và thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của “Hội thánh Đức chúa trời” như bục giảng đạo, các loại kinh thánh, vải trùm đầu, băng zôn, khẩu hiệu... dùng để truyền đạo và các loại nước màu, bột trắng dùng làm nước thánh cho những người sinh hoạt uống. 

Được biết, điểm nhóm này là một trong những điểm thường xuyên có các hoạt động “Hội thánh của Đức chúa trời”. Các hội viên tham gia đều do Mai Văn Hùng (34 tuổi), ở Hải Hà, huyện Tĩnh Gia quản lý. Trong quá trình hoạt động hội nhóm này thường ngụy trang thành nhân viên tiếp thị, bán máy lọc nước New Life để tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia.

 “Hội thánh Đức chúa trời” hiện chưa được công nhận là tổ chức hoạt động tôn giáo. Việc tham gia tổ chức này là vi phạm pháp luật. Những người tổ chức sinh hoạt, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, mọi người dân cần tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc mà các đối tượng tự xưng “Hội thánh Đức chúa trời” rao giảng, tránh tình trạng tiền mất, tật mang, gia đình ly tán.

Đình Hợp

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Chỉ vì không có nhiều thời gian kiểm tra, lại đang trong mùa cao điểm “cháy phòng”, nên nhiều khách hàng du lịch tại Tà Xùa, Mộc Châu đã mất khá nhiều tiền chỉ trong vòng vài phút vì dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo. Tiền vừa mất, tật vừa mang, lại thêm ôm bực vào người khi tới điểm du lịch.

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, tổ chức tại Bogota, Colombia, vào đầu tháng 11/2024, đã thu hút sự tham gia của hơn 130 quốc gia và 80 bộ trưởng. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, tạo cơ hội thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Càng về cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) càng diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文