Xử lý nghiêm nạn đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt
- Thừa Thiên - Huế: Gia tăng vấn nạn đánh bắt thủy sản "chui" bằng xung điện
- Ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản
- Quyết liệt xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên Vịnh Hạ Long
Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, cảnh báo, nhưng người dân dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép không giảm; khiến môi trường sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng; lượng cá, tôm, sinh vật sụt giảm, suy kiệt.
Gần đây, UBND các phường, xã, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng xung điện, kích điện đánh bắt thủy sản. Hành vi khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt này đã bị Chính phủ nghiêm cấm từ năm 1998.
Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, cho biết: “Việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản làm chết toàn bộ thủy sản dưới nước, gây tác động xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái nguồn lợi thủy sản và khó phục hồi. Còn người sử dụng xung điện có thể bị điện giật ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tử vong”.
Công an xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) vận động người dân giao nộp bộ kích điện bắt thủy sản trái phép. |
Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, khi sử dụng điện, các loài cá, tôm, thủy sinh trong bán kính 2 mét đều bị tiêu diệt, trong đó có toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du. Từ đó, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh số lượng các loài thủy sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học. Để bắt 1 con cá bằng xung điện sẽ giết chết 200 con (loài) khác do bị ảnh hưởng của điện phóng ra.
Ngoài ra, kiểu khai thác này còn gây biến dị, đột biến cho các loài thủy sản, trực tiếp làm thay đổi các yếu tố môi trường nước.
Năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã xử lý 54 vụ liên quan 54 đối tượng dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, xử phạt hành chính trên 100 triệu đồng. Trong những tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện trên 50 vụ, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Điển hình, ngày 6-3, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh phối hợp với Công an xã Lộc Ninh và Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), bắt quả tang Nguyễn Quốc Bảo (ngụ xã Lộc Ninh) và Lê Văn Cư (ngụ xã Ninh Hòa), đang dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép trên các tuyến sông địa phương; thu giữ 2 bộ kích điện, 2 võ lãi, 2 máy nổ và một số tang vật liên quan.
Tiếp đó, tối 13-6, Công an xã Phong Tân (thị xã Giá Rai), bắt quả tang Phan Trường Sơn (ngụ xã Phong Tân) và Đoàn Văn Ninh (ngụ xã Phong Thạnh Đông), đang dùng xung điện bắt thủy sản trái phép trên địa bàn, thu giữ 2 bộ xung điện, 2 bình ắc quy 12V...
Thượng tá Huỳnh Văn Sáng, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Đơn vị đã tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc dùng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép. Chỉ đạo trinh sát tăng cường bám sát địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm có nhiều đối tượng dùng xung kích để khai thác thủy sản trái phép nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, chỉ trong 2 ngày 26 và 27-8, Công an huyện bắt quả tang 6 vụ dùng xung điện để khai thác thủy sản. Trong đó có 2 đối tượng vi phạm là anh em ruột ở ấp Nhà Dài B, xã Châu Hưng A.
Theo Trung tá Trần Minh Khoa, Trưởng Công an xã Phong Tân (thị xã Giá Rai), mấy tháng nay, địa phương bắt quả tang hàng chục vụ dùng xung điện đánh bắt thủy sản. Vấn đề xử lý hành vi khai thác thủy sản bằng xung điện được Đảng ủy, UBND xã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên.
Còn Thiếu tá Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng Công an xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), chia sẻ: “Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên và đảm bảo an toàn cho người dân, Công an xã Vĩnh Hưng A thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tự nguyện giao nộp công cụ kích điện dùng để khai thác thủy sản trái phép. Từ đầu năm 2019 đến nay, có nhiều hộ dân trên địa bàn xã tự nguyện đến giao nộp loại công cụ này”.
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Sáng ngoài sự quyết liệt đấu tranh, xử lý của cơ quan Công an, rất cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản, giữ vững ANTT địa phương…