A Song Ba - già làng đặc biệt bên dòng Đăk Mi

07:24 10/02/2025

Già làng A Song Ba là người đồng bào Giẻ Triêng, có quê ở xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Khi quê hương xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng làm hàng chục người chết, ông và nhiều người dân trong làng đã di cư tìm nơi ở mới và cuối cùng đến định cư tại làng Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam hiện nay.

Cũng vì cuộc di cư này mà ông bị khai trừ ra khỏi Đảng rồi sau đó được kết nạp lại tại nơi ở mới…

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, chúng tôi ngược đường Hồ Chí Minh để đến làng Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nằm ven chân đồi nhìn ra dòng Đăk Mi hiền hòa đổ về xuôi. Nhờ sự giúp đỡ, hẹn trước của cán bộ Công an xã Phước Xuân, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của già A Song Ba. Đó là căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn nhưng tươm tất nằm ở đoạn cuối của làng Lao Đu.

gia lang-ngoc thi.jpg -0
Già làng A Song Ba (trái) trao đổi với cán bộ Công an xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn về tình hình ANTT tại địa bàn thôn Lao Đu.

Niềm nở đón tiếp chúng tôi, sau khi nâng chén trà ấm nóng mời khách, với ánh mắt hiền và giọng nói ấm áp, già Ba tâm sự với chúng tôi những nét chính về cuộc đời ông. Năm nay 83 tuổi, già Ba sinh ra và lớn lên tại thôn Lao Đu, xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, nơi người dân đều là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông tham gia hoạt động cách mạng, vận chuyển lương thực, vũ khí tại quê nhà. Đến năm 1972, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau ngày đất nước giải phóng, ông làm Bí thư Chi bộ thôn Lao Đu kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đắk Blô. Với nhiệt huyết và sức trẻ của mình, ông đã hướng dẫn, chia sẻ với bà con về cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương đất nước. “Tuy nhiên, điều không may đã bất ngờ xảy đến với dân làng của già. Đó là vào đầu năm 1988, một trận dịch tả xảy ra tại làng Lao Đu, chỉ trong chưa đầy một tháng mà có hơn chục người chết. Quá hoảng sợ, dân làng đã bàn cách đi tìm mảnh đất mới để định cư, bỏ lại mảnh đất “xấu” này”, già Ba bồi hồi nhớ lại.

Sau khi được dân làng trao đổi về kế hoạch dời làng, lúc bấy giờ dù già Ba đã phân tích, khuyên ngăn mọi người, song dân làng vẫn quyết dời đi, và địa điểm mà dân làng hướng đến là xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi tiếp giáp với xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Vậy là một cuộc di cư “vô tiền khoáng hậu” của dân làng Lao Đu đã diễn ra vào tháng 3/1988, khi hơn 30 hộ gia đình với khoảng 160 người đã dắt díu nhau mang theo gia súc, gia cầm, vật dụng cần thiết băng bộ đường rừng đến xã Phước Đức, huyện Phước Sơn.

Với già Ba, vẫn biết việc tham gia cùng người dân di cư là sai, song với quan niệm “không thể bỏ người dân tự đi được. Mình là đảng viên, mình phải cùng tham gia để đồng hành, giúp đỡ bà con”, già Ba đã tham gia vào cuộc di cư đầy khó nhọc ấy. Sau hai ngày một đêm băng bộ đường rừng, vượt qua mưa rét, đoàn người cuối cùng cũng đến được xã Phước Đức, huyện Phước Sơn và tìm một mảnh đất lập làng mới.

Về phần già Ba, do cùng người dân trong làng di cư tự do đến xã Phước Đức nên cũng trong năm trong 1988, già Ba đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Dù rất buồn khi tiếp nhận thông tin này, song già Ba đã cố gắng vượt qua để cùng bà con xây dựng nơi ở mới, xây dựng cuộc sống mới.

Đến năm 1994, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, già Ba và người dân làng Lao Đu được di dời về xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, bên dòng Đăk Mi để ổn định nơi ở mới, lập làng mới lấy tên làng cũ là làng Lao Đu. Lúc bấy giờ, xã Phước Xuân là một phần của thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn.

Năm 2002, xã Phước Xuân được tách ra, hình thành một đơn vị hành chính cấp xã, và già Ba được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Tháng 10/2002, già Ba một lần nữa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2007, già Ba được chuyển qua làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phước Xuân đến năm 2012 thì nghỉ hưu.

Mặc dù về hưu, tuổi ngày càng cao, sức ngày càng giảm, song già Ba vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong thôn làng, là người có uy tín suốt 20 năm và cố gắng nuôi dạy 8 người con khôn lớn, trưởng thành. Khi có chủ trương của các cấp về xây dựng điểm trường Tiểu học Võ Thị Sáu tại thôn Lao Đu, tuy nhiên do không có quỹ đất nên chính quyền địa phương đã họp bàn với nhân dân trong thôn, vận động hiến đất xây trường. Không mảy may suy nghĩ, già Ba đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất của gia đình để làm nơi xây dựng điểm trường thôn.

Ông A Yên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phước Xuân, cũng là người đồng bào Giẻ Triêng đã từng tham gia vào cuộc di cư tìm nơi lập làng mới đầu năm 1988 của người dân Lao Đu chia sẻ, dù ở bất cứ cương vị công tác nào hay đã nghỉ hưu, già Ba có luôn gần gũi, gắn bó với bà con nhân dân, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của xã, của thôn. Với vai trò già làng uy tín tại địa phương, già Ba rất tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tham gia hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống thường nhật của người dân và vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ngoài ra, theo Trung tá Vũ Đình Hoàng, Trưởng Công an xã Phước Xuân thì già Ba còn đóng góp rất tích cực trong công tác đảm bảo ANTT trong thôn, trong xã. “Không chỉ thường phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, già Ba còn là “cánh tay nối dài” của chúng tôi ở cơ sở”, Trung tá Vũ Đình Hoàng chia sẻ.

Ngọc Thi

Ngày 19/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với các cán bộ tham gia ca trực xuất cảnh xé thẻ lên tàu của một hành khách tại Công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc nêu trên.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, trong thời gian gần đây, bên cạnh nhiều chiêu thức mạo danh nhân viên ngành điện lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi còn xuất hiện nhiều trang web giả mạo ngành điện, tư vấn khách hàng gọi đến số tổng đài chăm sóc khách hàng với cước phí cuộc gọi cao gấp 8 lần.

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), sáng 19/5, Đoàn đại biểu Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Từ ngày 16 đến 19/5, Đoàn CLB Công an hưu trí khối Xây dựng lực lượng (XDLL) CAND; đoàn CAND tham gia Lễ duyệt binh ngày Quốc khánh năm 1975; Ban liên lạc Nữ Công an hưu trí Bộ Công an thực hiện hành trình về nguồn ý nghĩa tại các khu di tích lịch sử cách mạng dọc miền Trung đất nước.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về tăng trưởng, hội nhập quốc tế và cải cách thể chế. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những vấn đề phức tạp, nổi lên rõ nét là tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả – một nguy cơ hiện hữu gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, làm méo mó thị trường, cản trở sự phát triển kinh tế bền vững và xói mòn lòng tin xã hội.

Chính phủ kiến nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng); điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỷ đồng (tăng 2.854 tỷ đồng), ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỷ đồng (tăng 860 tỷ đồng).

Sáng 19/5, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Vĩnh Phúc nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc xảy ra cháy tại khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tam Dương đang được Công ty TNHH Nexus Foarm Solution ở xã Duy Phiên, Tam Dương thuê để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đế giày.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.