Trầm cảm, khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên:

Bài 1: Nhiều cha mẹ không nhận diện được sự “bất thường” của con

07:40 05/04/2022

Có học sinh đã từng tâm sự trên một hội nhóm mạng xã hội “muốn tự tử” do gần đây cảm thấy cuộc sống không còn thú vị nữa. Trầm cảm và tìm đến cái chết không chỉ diễn ra ở người lớn mà còn ở cả trẻ em.

Những vụ tự tử của học sinh gần đây đã khiến cả xã hội đau lòng, đồng thời cho thấy mức độ nghiêm trọng khi các em đối mặt với cảm xúc tiêu cực nhưng chưa nhận được sự quan tâm phù hợp từ phía cha mẹ, gia đình, thầy cô giáo. Tự tử ở trẻ phần lớn có thể ngăn chặn được nếu như nhận diện sớm và can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng được trang bị những kiến thức để nhận biết dấu hiệu nghi ngờ tự tử, hay rối loạn tâm lý tuổi học đường, trầm cảm ở con mình.

Những cái chết đau lòng

Có mặt ở phòng khám của Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 4/4, chúng tôi gặp khá nhiều phụ huynh đưa con tới khám vì có các rối loạn tâm lý. Một phụ huynh ở Hà Nội có con trai học lớp 6 cho biết, khoảng 3 năm nay, con chị có biểu hiện không kìm chế được tức giận.

TS.BS Đỗ Minh Loan khám, tư vấn tâm lý cho trường hợp trẻ vị thành niên.

“Bình thường con rất hiền, nhưng khi va chạm với anh chị em họ thì có biểu hiện nổi khùng, không kiểm soát được hành vi. Khi con đang tập trung làm việc gì đó, chỉ cần ai chọc vào là con lại rồ lên, nóng nảy không kìm chế được. Hoặc khi con đang làm một việc gì đó mà bị bế tắc thì vùng vẫy chân tay, phản ứng quá mức. Một năm cháu vài lần có biểu hiện cáu giận quá mức, có lúc cục tính làm mẹ sợ. Mọi người bảo tôi đưa con đi khám lâu rồi nhưng đến nay mới đến đây”, vị phụ huynh cho biết.

 Người mẹ chia sẻ thêm, vợ chồng chị có 3 người con, bé trai này là út và họ ly hôn đã 4 năm, nên chị khá chiều chuộng cháu. Thăm khám cho cháu, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, có thể do chưa quan tâm con đúng mức nên cần về động viên, trò chuyện và hiểu  tâm tư của con nhiều hơn. 

Qua thăm khám cho các cháu, bác sĩ Vinh đã gặp nhiều trường hợp bị rối loạn tâm lý tuổi học đường. Biểu hiện của các cháu là mất ngủ, gặp khó khăn trong học tập, rối loạn hành vi cảm xúc, có cháu đã tự sát.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 1 năm nay, Bệnh viện cấp cứu hơn 10 học sinh tự tử, trong đó có cháu cứu được, có cháu không cứu được do đến viện muộn. Các cháu lựa chọn nhiều phương thức tự tử khác nhau như uống thuốc trừ sâu, uống thuốc giảm sốt paracetamol liều cao, thắt cổ… để kết thúc cuộc sống.

Chia sẻ về ca cấp cứu học sinh nữ lớp 8 uống thuốc paracetamol liều cao để tự tử mới đây, BS Ngô Anh Vinh cho biết: Cháu bé từ nhỏ đã có tính tự lập. Trong thời gian dịch COVID-19, cháu ở nhà sử dụng điện thoại quá nhiều. Khi mẹ cháu phát hiện đã ngăn cấm, thu điện thoại, cháu phản ứng bằng cách đòi bỏ nhà ra đi. Lần sau cháu tiếp tục sử dụng điện thoại, mẹ phát hiện đã đánh con. Không ngờ trong cơn tức giận, cháu đã uống 20 viên paracetamol, 1 vỉ kháng sinh (thuốc có sẵn trong nhà), sau đó thấy nôn nao, mệt cháu đã gọi chị. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện tuyến dưới rửa dạ dày, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. “Cháu được điều trị tích cực và ra viện sau đó vài ngày. Qua khai thác, cháu nói tức vì bị mẹ đánh nên đã uống thuốc tự tử”, BS Vinh cho biết.

Không may mắn như nữ học sinh kia, trường hợp tự tử mới đây của nam học sinh 12 tuổi lại có kết cục đau lòng. Cậu bé cũng bị mẹ phát hiện hay chơi điện tử. Do bố đi công tác dài ngày ở nước ngoài, mẹ bận nên để giám sát con chị đã lắp camera trong phòng. Điều này đã gây nên sự khó chịu và cậu bé tâm sự với bạn rằng không thích điều đó. Trước lúc tự sát, cậu đã nhắn lên nhóm bạn bè bán “con game” mà cậu yêu thích cho các bạn như một lời “tạm biệt”. Tuy nhiên, sự bất thường đó lại không được ai phát hiện. Hôm sau, trong lúc đi tắm, thấy con mãi không ra, gọi không trả lời, mẹ phá cửa vào thì cậu bé đã tím tái, ngừng thở do thắt cổ bằng khăn quàng.

“Cháu bé được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhất sơ cứu, khi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, mất hết phản xạ, được đánh giá thiếu oxy não nặng do ngạt thở. Điều trị 2 tuần không có kết quả, gia đình đã xin cho cháu về”, BS Vinh cho biết.

Cha mẹ thiếu tương tác với con

TS Loan phân tích, căng thẳng trong học tập, không đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình, hoặc kỳ vọng quá cao với bản thân, khối lượng bài vở nhiều, mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn, thiếu sự động viên, khích lệ của các thầy cô giáo, môi trường học đường bất ổn, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm… là những yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ em.

Một số trường hợp vào khám tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên khi trao đổi với gia đình về tình hình của con, phụ huynh đều cho rằng, gia đình bình thường, không có mâu thuẫn hay sức ép đến con và không phát hiện bất thường ở con. Nhưng qua khai thác từ các trẻ vị thành niên, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em. Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng đã có các rối loạn tâm lý vừa và nặng, rất ít ca nhẹ. “Chính vì phụ huynh thấy không nhận diện vấn đề gì nên không đến viện sớm để được can thiệp kịp thời. Trẻ bị ức chế, dồn nén dẫn đến giọt nước tràn ly và chọn giải pháp tiêu cực, kết thúc cuộc sống của mình”, TS Loan nói.

TS Loan cho biết thêm, trong quá trình làm việc, cách bố mẹ hỗ trợ con hàng ngày chưa phù hợp với lứa tuổi. Bố mẹ đều thương con nhưng phương pháp làm chưa phù hợp với tuổi vị thành niên, dẫn đến hiệu quả ngược lại, gây ức chế, bức xúc với con. “Tuổi vị thành niên có rất nhiều thay đổi về tâm lý, các cháu đang muốn khẳng định sự độc lập của mình, muốn có xu hướng tách rời khỏi bố mẹ, muốn thể hiện năng lực của bản thân nên cần chăm sóc phù hợp với thay đổi tâm lý của lứa tuổi”, TS Loan nhấn mạnh chăm sóc hỗ trợ phù hợp là hỗ trợ  theo các trẻ mong muốn chứ không phải theo cách cha mẹ áp đặt. Tôn trọng, lắng nghe trẻ. Như vậy sẽ có sự đồng thuận của trẻ và đạt kết quả tốt. 

 “Chúng tôi đánh giá, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm lý có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp”, TS Loan cho biết

TS cũng cảnh báo, bố mẹ cần hiểu sự thay đổi của trẻ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm trước tác động của môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, trong quá trình dạy con, không được mắng con bởi nhiều đứa trẻ thấy bị xúc phạm, cô lập ở trong chính ngôi nhà của mình khi bị bố mẹ mắng. Bố mẹ cứ nghĩ mắng con là “vô thưởng, vô phạt”, nghĩ câu mắng đó không vấn đề gì với con, nhưng đứa trẻ lại không nghĩ thế, nó có thể để lại ấn tượng, bị tổn thương. Hãy là “bạn” thật sự của con, luôn lắng nghe con tâm sự, chia sẻ... Từ đó, mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn cho con đi đúng hướng nhất.

Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%. Còn tại cuộc khảo sát năm 2020 “Xác định tỷ lệ và mức độ một số rối loạn tâm thần ở học sinh THCS tại Hà Nội” với 1.111 học sinh ở 2 trường THCS của Khoa Sức khỏe vị thành niên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm là 26,1%, stress là 33% và lo âu 38%. 

Trần Hằng – Huyền Thanh

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文