Bất an sống trong vùng sạt lở
Từ đầu mùa mưa lũ đến nay, nhất là sau cơn bão số 5, số 6, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở núi tại tỉnh Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Nhiều khu vực có nguy cơ cao, người dân buộc phải di dời, sơ tán để đảm bảo an toàn.
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo CAND trong sáng 24/10, bờ biển tại phường Cẩm An, TP Hội An đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều ngôi nhà tại khối phố Tân Thành, phường Cẩm An nằm sát biển bị sụt lún, nứt toát do sạt lở, buộc người dân phải di dời để đảm bảo an toàn. Một số hộ gia đình phải đóng cọc trụ bê tông để ngăn chặn tình trạng sạt lở.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ biển tại phường Cẩm An diễn ra 2 đợt, đợt đầu vào ngày 14/10, tiếp đó đến 19/10 lại xảy ra sạt lở ngoạm sâu vào bờ biển, kéo sập nhiều công trình nhà dân tại khối phố Tân Thành.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, chiều dài sạt lở bờ biển phường Cẩm An, Cửa Đại khoảng 1.000m. Sau khi nắm được thông tin sạt lở bờ biển tại phường Cẩm An, ông Hùng đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường và yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đồng thời, TP Hội An cũng cho gia cố tạm một số đoạn sạt lở khi mùa mưa lũ còn tiếp diễn để chờ dự án chống sạt lở căn cơ hơn của tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Hùng, ngoài việc sạt lở bờ biển, bờ sông nhánh chính của sông Thu Bồn đoạn chảy qua khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Nam, Hội An cũng bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng 100m, ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân. Chính quyền TP Hội An đã giao Ban Quản lý dự án - quỹ đất khảo sát, lập dự án để làm kè chống sạt lở khu vực này.
Còn tại huyện Đại Lộc, tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế thuộc thôn Phú Nghĩa, xã Đại An diễn ra ngày càng nghiêm trọng; buộc chính quyền địa phương phải sơ tán khẩn cấp 11 hộ dân với khoảng 33 nhân khẩu và những tài sản có giá trị đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hiện tốc độ xâm thực ước tính mỗi ngày từ 3-5m, và 2 trụ điện trung thế cách mép nước 5m có nguy cơ sụt ngã, đổ sẽ gây thiệt hại về tài sản và làm ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc.
Bà Huỳnh Thị Huệ (SN 1945, trú thôn Phú Nghĩa, xã Đại An) chia sẻ, là người dân địa phương nhưng chưa bao giờ bà thấy tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế nghiêm trọng như lần này. Người dân nơi đây đang rất bất an về tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế.
Trước thực tế đó, UBND huyện Đại Lộc đã giao Ban Quản lý dự án và Trật tự xây dựng huyện phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, UBND xã Đại An huy động các trang thiết bị, dụng cụ và 200 chiến sĩ dân quân tự vệ cùng với người dân tiến hành vận chuyển các bao tải cát dùng để tạo thành chân móng, liên kết bằng cọc tre và gia cố mái bằng bao cát hoặc vải địa kỹ thuật xếp lớp để giữ mái chống xói lở tạm thời; báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị khẩn trương khảo sát, có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để tình trạng sạt lở về lâu dài.
Không chỉ bờ biển, bờ sông bị sạt lở, trong các đợt mưa lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Nam còn xảy ra tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng tại các địa phương miền núi, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân cũng như gây chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư. Khi xảy ra mưa lũ, chính quyền các địa phương đã phải di dời hàng ngàn hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi an toàn.
Tại huyện vùng cao Nam Trà My, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện này cho biết, ngày 14/10, mưa lớn làm sạt lở đất phía sau nhà của 3 hộ dân/ 15 nhân khẩu tại thôn 2, xã Trà Mai. Chính quyền xã đã vận động các hộ này tạm thời sơ tán về nơi an toàn và huy động lực lượng cùng người dân tiến hành khắc phục sạt lở.
Ngoài ra, sạt lở lớn trên tuyến ĐH3 thuộc địa phận thôn 3, xã Trà Cang đã làm ách tắc giao thông hoàn toàn. Sau khi thời tiết thuận lợi, UBND huyện Nam Trà My đã đưa phương tiện máy móc, nhân lực đến khắc phục sạt lở, thông tuyến ĐH3 phục vụ việc đi lại và giao thương của người dân.
Ngoài ra, trước nguy cơ sạt lở bờ sông Trà Leng tại khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ khu dân cư Bằng La với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tình trạng sạt lở diễn ra trong các đợt mưa lũ vừa qua khá phức tạp. Thống kê sơ bộ toàn tỉnh Quảng Nam có 1.000m bờ biển Cửa Đại, Cẩm An (TP Hội An) bị sạt lở; khoảng 6.000m bờ sông bị sạt lở; sạt lở núi bồi lấp 2.500m3 tại hồ Cây Xoay, Khe Bò…
Trong bối cảnh mùa mưa lũ còn tiếp diễn và được dự báo có diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, các phương tiện hoạt động trên sông, các hộ dân sống ven sông, suối đồng thời sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.