Cách làm hay để giảm thiểu tai nạn tàu cá trên biển
Là địa phương có bờ biển dài, tỉnh Quảng Bình hiện có 6.792 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ là 1.207 chiếc. Số lao động tham gia khai thác thủy sản là trên 24.100 người với sản lượng hằng năm lên đến trên 76.000 tấn.
Đánh bắt thủy hải sản trên biển, ngư dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên nhiên bất trắc, đau ốm, tàu hư hỏng, tàu hàng va, đâm… Để hạn chế những rủi ro giữa mênh mông biển cả, hàng vạn ngư dân ở Quảng Bình đã thành lập được hàng trăm Tổ đoàn kết (TĐK) đánh cá trên biển. Họ giúp nhau khi trái gió, trở trời; kêu gọi nhau tránh bão; chung sức đồng lòng ngăn cản tàu lạ xâm nhập vùng biển của Tổ quốc… Mô hình TĐK đánh bắt thủy hải sản ở Quảng Bình đang thực sự là điểm tựa cho nhiều ngư dân khi rẽ sóng ra khơi.
Trong quá trình tìm hiểu thực tế để thực hiện bài viết, nhiều ngư dân cho chúng tôi biết, chỉ vì chủ quan, hoặc thiếu may mắn thì tai nạn đến với ngư dân khi đánh bắt thuỷ hải sản trên biển xảy ra bất cứ lúc nào, chẳng hạn: Có tàu cá các ngư phủ do say sưa đánh bắt nên đóng các cửa, nắp hầm không kín, nước tràn vào các khoang dẫn đến chìm tàu. Có tàu bị tàu bạn đâm do bất ngờ gây hỏng các trang thiết bị tín hiệu như đèn, còi, trang thiết bị hàng hải. Thậm chí có tàu chìm do bị va đập khi neo đậu không đúng kỹ thuật.
Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi một số tàu cá ngư dân thường sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, trong lúc đó ngư dân lại không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu. Một số tàu cá chủ quan để cho ngư dân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm, không biết sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc… Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn khó kiểm soát khi gặp thiên tai bất ngờ như sóng to, bão lớn, bị tàu hàng đâm chìm.
Những năm gần đây, tai nạn tàu cá trên biển ở Quảng Bình đã được hạn chế rất nhiều nhờ vào sự quan tâm đúng mức của các sở, ban, ngành ở địa phương, và đặc biệt các TĐK trên biển của ngư dân đã thực sự phát huy hiệu quả. Điển hình như tàu cá 93942TS của ngư dân Nguyễn Anh Đức, trú Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình cùng 5 ngư dân đang đánh bắt cách cửa biển khoảng 35 hải lý thì bị vật cứng trên biển trôi nổi đâm làm vỡ mạn tàu, nước tràn vào khoang. Các ngư dân tìm mọi cách ứng cứu nhưng chiếc tàu cứ chìm dần, mọi người nhìn nhau trong tuyệt vọng. May mắn thay, tàu cá QB 93342 TS của anh Nguyễn Ngọc Cường cùng tổ hợp tác đánh bắt xa bờ xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đánh bắt gần đó phát hiện, đã đến ứng cứu kịp thời.
Sáng sớm, khi tất cả ngư dân tàu cá QB 92480 TS do ông Hồ Văn Tiền, ở Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình làm thuyền trưởng đang đánh bắt khai thác thuỷ hải sản tại tọa độ 18024'N - 107001'E thì ngư dân Lê Văn Thịnh không may bị dây tời đánh vào đầu gây chấn thương vùng đầu, mặt, nguy hiểm đến tính mạng. Nghe thông tin ngư dân từ tàu bạn gặp nạn, các tàu cá đánh bắt gần đó liền có mặt để hỗ trợ tàu QB 92480 TS và báo tin vào đất liền cho cơ quan chức năng.
Nhận được tin báo, Tổ tuần tra của Trạm Biên phòng Khu cửa khẩu Hòn La đang tuần tra tại khu vực cảng Hòn La đã phối hợp với tàu cá của ngư dân đưa anh Lê Văn Thịnh kịp thời vào đất liền cấp cứu qua cơn nguy kịch, bảo đảm an toàn tính mạng. Mới đây, tàu cá QB-98592-TS do ông Hoàng Văn Khước, trú ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 6 thuyên viên trong lúc hoạt động tại tọa độ 17º09'00"N - 108º30'00"E, cách cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) khoảng 62 hải lý về hướng Đông Bắc thì bị hỏng máy, khi tàu cá đang buộc phải thả trôi trên biển, ngư dân hoang mang thì may mắn có nhiều tàu cá đánh bắt gần đó đã lai dắt tàu cá QB-98592-TS vào bờ an toàn.
Để ngư dân một mình chống chọi với biển khơi chắc chắn không đủ sức, nên sáng kiến thành lập các TĐK trên biển của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã phát huy hiệu quả. Cùng chung tay với ngư dân ngoài Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn có lực lượng Biên phòng, Hội Nông dân, các hợp tác xã… Từ ngày có các TĐK, ngư dân Quảng Bình đã bớt lẻ loi trên con đường chinh phục biển khơi. Bên ly rượu trắng và những con mực còn mang vị mặn mòi của biển, ngư dân Đào Hải Châu vỗ vai tôi thân tình: "Cả đời đi biển, có khi mô tui được ngồi với nhà báo để nói về công việc của mình mô. Đây, thằng Hoàng, thằng Minh, thằng cu út… tất cả đều là thuyền viên của tui đó. Mỗi lần sau chuyến tàu cập bến, là anh em tui quây quần họp kiểu dã chiến này để ăn mừng về với vợ con an toàn, đồng thời bàn bạc cho chuyến đi tiếp theo".
Nói về các TĐK đánh cá trên biển, anh Châu cười vui: Từ ngày có TĐK, ngư dân cảm thấy an tâm hơn mỗi lần ra khơi. Làm ăn giữa mênh mông sóng nước, anh em trong các TĐK luôn chung sức giúp nhau, người khoẻ làm bớt việc cho người ốm. Trước đây, ngư dân đánh cá theo kiểu mạnh ai người ấy làm, giờ mà ai làm như vậy là bị anh em ngư dân cự liền. Từ khi vào các TĐK, hầu hết ngư dân ở Quảng Bình biết nâng đỡ, giúp nhau trong công việc, nhất là khi hoạn nạn. Không chỉ cứu giúp nhau, các TĐK ở Quảng Bình còn biết nương tựa vào nhau góp phần bảo vệ vùng biển khơi thiêng liêng của mình. Nhiều ngư dân cho biết, mỗi khi thấy tàu đánh cá lạ xâm nhập trái phép vùng biển của mình và gây chuyện, các TĐK lại báo cho nhau qua máy Icom, đoàn kết nhau lại để xua đuổi tàu lạ.
Bên cạnh giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, các TĐK của ngư dân Quảng Bình còn tương trợ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thông tin ngư trường, hỗ trợ thông báo cho nhau về tình hình mưa bão, tìm nơi trú ẩn an toàn mỗi mùa biển động.