Cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để cứu thế hệ trẻ
Hàng nghìn thanh thiếu niên phải nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều người trẻ nguy kịch tính mạng, sức khoẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khó phục hồi. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Suýt mất mạng vì thuốc lá điện tử
Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào cấp cứu, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên. Những bệnh nhân chuyển đến đây hầu hết đều nặng, có người vào viện trong tình trạng tính mạng bị đe dọa. Nam bệnh nhân 23 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng co giật, sùi bọt mép. Anh này có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay.
Theo người nhà thì trước đó bệnh nhân có dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới, sau khi sử dụng được vài giờ, anh này lên cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến huyện, sau đó chuyển đến Trung tâm chống độc. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng được người nhà mang đến phát hiện chất ma tuý cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.
Trường hợp khác là bệnh nhân L.H.H (29 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) nhập viện vì co cứng chân tay, rối loạn vận động. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá điện tử nhiều năm nay. Gần đây, anh này có biểu hiện rối loạn vận động, run, vã mồ hồi, không điều khiển được động tác.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng.
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, do chưa có phác đồ chính thức điều trị thuốc lá điện tử, vì vậy, 75% những ca nhập viện phải thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% phải đặt ống thở và một số ca phải sử dụng ECMO, 25-58% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau, rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau khi ra viện. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, TS Nguyên cho biết, lo ngại lớn hơn nữa khi người sử dụng ma tuý trong thuốc lá điện tử có nguy cơ dùng ma tuý gấp 3,5 lần so với người không hút. “Thuốc lá điện tử trộn ma tuý thế hệ mới, hút vào đường hô hấp gần như hấp thu 100% giống như tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Đấy là mối lo hiện hữu cho từng gia đình khi thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào giới trẻ”, BS Nguyên giải thích và cho biết thêm, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hoạt chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khoẻ là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma tuý.
Không nên thí điểm chất gây nghiện
Là bác sĩ làm chuyên môn, hàng ngày đã và đang điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nêu quan điểm: Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khoẻ với người dân.
Tương tự, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cũng cho biết: Hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khoẻ, kinh tế và cần nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotine, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đến nay đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Brunei.
Tại phiên giải trình trước Ủy ban Xã hội của Quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào ngày 4/5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ, “cảm thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm”. Theo ông Trí không thí điểm, vì thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng… Thuốc lá điện tử không có tác dụng hạn chế thuốc lá thông thường mà còn kích thích hút thuốc lá thông thường.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ quan điểm nhất quán của Bộ từ trước đến nay, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại có nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, thế hệ trẻ nên đề xuất cấm. Về lý do đề xuất cấm, bà Lan nêu rõ căn cứ vào nghị quyết của Đảng, căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại của thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và các tác hại, bài học kinh nghiệm quốc tế rất rõ ràng. Nếu mở ra cho thử, thí điểm, mai sau không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng, tính mạng của người dân Việt Nam? Cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng giữa lợi ích kinh tế và xã hội.
Theo Bộ Y tế, Bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị Quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung quy định này vào Luật bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Quốc phòng, Công thương, Tài chính chỉ đạo lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực biên giới, đường mòn, lối mở; xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào các đối tượng buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật; tăng cường quản lý thị trường nội địa để phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc lá điện tử; đồng thời nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.