Cần chính sách đột phá để di dời nhà trên và ven kênh rạch
TP Hồ Chí Minh còn khoảng 22.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Riêng quận 8 đã có 9.500 căn, tập trung chủ yếu trên tuyến kênh Đôi, kênh Tàu Hũ - Lò Gốm. Trong số này có khoảng 1.000 căn nhà nằm hoàn toàn trên mặt nước kênh rạch. Bên tuyến kênh Đôi đã có 5.300 căn với trên 32 nghìn nhân khẩu đang sinh sống.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời, giải tỏa nhà trên và ven các tuyến kênh rạch ô nhiễm nặng để tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, việc di dời giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch bằng vốn đầu tư công được thực hiện rất chậm trong khi việc thu hút nhà đầu tư tư nhân gần như bế tắc. Đến hết quý 3 vừa qua, thành phố mới chỉ di dời, giải tỏa được 657 trong tổng số 6.500 căn đã đặt mục tiêu di dời đến năm 2025.
Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện cả thành phố chỉ có 7 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch được tiếp tục bố trí vốn. Khả năng bố trí vốn và cân đối các nguồn vốn bổ sung cho dự án loại này từ nay đến năm 2025 là rất hạn chế. Mục tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven lênh rạch theo quyết định của UBND thành phố là khó khả thi. Do đó, Sở Xây dựng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất UBND thành phố bố trí nguồn vốn cho các dự án thuộc diện này nhằm đạt mục tiêu về chỉnh trang, phát triển đô thị cũng như chống ngập và xử lý nước thải.
Khảo sát về vấn đề quy hoạch dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn quận 8, KTS Phạm Văn Phước, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cho rằng, hầu hết nhà trên và ven kênh rạch không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, kết cấu tạm bợ. Sinh sống ở đây đều là người lao động nghèo. Các chính sách, chủ trương để động viên, khuyến khích người dân di dời chưa hợp lý; chưa tạo được sự an tâm cho người dân và chính quyền chưa thực sự đảm bảo được cuộc sống ổn định cho người dân sau khi di dời.
Phía doanh nghiệp BĐS cho rằng, TP Hồ Chí Minh chưa có giải pháp, cơ chế đột phá phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích cho người dân bị ảnh hưởng, khó nhất là khâu bố trí tái định cư, liên quan đến công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần cho người dân. Hầu hết nhà dân trên và ven kênh rạch xây dựng trên đất lấn chiếm, không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ theo quy định dẫn đến giá trị bồi thường thấp, không đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống sau khi di dời. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, ý thức chung của người dân trong việc chấp hành chủ trương di dời, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Mặt khác chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư cũng chưa đủ sức hấp dẫn.
Đánh giá lại vấn đề mưu sinh ở các chung cư tái định cư phục vụ dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án thí điểm cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, PGS TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành phố đã phải di dời, giải tỏa lần lượt là 7.000 và 166 hộ dân. Các hộ dân này được bố trí tái định cư ở các chung cư tập trung như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu… nhưng khảo sát của PGS TS Nguyễn Minh Hòa sau đó đã cho thấy có đến 72% người dân trong diện tái định cư được khảo sát đã không hài lòng với cuộc sống ở chung cư. Số hộ dân còn trụ lại ở các chung cư tái định cư sau 10 năm cũng chỉ còn 50-60%.
Từ thực tế trên, PGS TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng tái, định cư tại chỗ sẽ tốt hơn tái định cư di dời. Để triển khai bất cứ dự án chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch nào, trước hết TP Hồ Chí Minh cần tạo sự đồng thuận của người dân trong vùng bị ảnh hưởng bằng chính sách đột phá, tránh tình trạng như dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 trên địa bàn quận 6 có đến 88 hộ dân không nhận tiền bồi thường trong thời gian dài do khiếu nại về chính sách hỗ trợ và đơn giá bồi thường.