Cần tiếp thêm nghị lực cho người mãn án tù hoàn lương
Nhiều đối tượng mới ra tù chưa được bao lâu đã tái phạm. Có 1001 lý do tái phạm nhưng từ thực tế cho thấy, ở địa phương nào làm tốt công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ thì tỷ lệ người từng mang án tù tái phạm sẽ thấp hơn…
Đặng Văn Tiến (SN 1982, quê Nghệ An) có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Ra tù, Tiến không trở lại quê nhà mà đến TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, do nghiện ma túy, nên số tiền ít ỏi mà y kiếm được hàng ngày chẳng thấm vào đâu. Để kiếm thêm “thu nhập”, 1h sáng ngày 15/10/2023, Tiến đón xe ôm đến địa bàn TP Dĩ An rồi lang thang tìm nhà dân sơ hở trộm cắp tài sản. Khi đi đến đường C1, KDC An Phú thuộc phường Tân Đông Hiệp, Tiến thấy xe mô tô của anh S. dựng không có người trông coi nên đã bẻ khoá lấy trộm. Anh S. phát hiện truy hô, tổ công tác thuộc Công an phường Tân Đông Hiệp đang đi tuần tra đã truy đuổi, bắt giữ Tiến.
Một đối tượng khác cũng “cõng” 3 tiền án vừa bị Công an thị xã Bến Cát bắt giữ là Nguyễn Quốc Hoàng, SN 1987, ngụ Bình Dương. Sáng 29/9/2023, Hoàng đã lẻn vào một công trình xây dựng trên địa bàn phường Mỹ Phước lấy trộm 86 khung kim loại bằng sắt (34kg) nhưng đã bị người dân bắt giữ giao cơ quan Công an. Trong số 3 tiền án của Hoàng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và y mới ra tù trong năm 2023.
Mới đây, Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương triệt phá băng nhóm tổ chức mua bán người qua biên giới do Nguyễn Như Ý (SN 1997, quê An Giang); Lương Xuân Đại (SN 1976, quê Yên Bái) và Nguyễn Quốc Vũ (SN 1996, quê An Giang) cùng thực hiện. Các đối tượng dùng thủ đoạn là tìm các bị hại có nhu cầu việc làm rồi lôi kéo họ sử dụng ma túy. Khi các nạn nhân bị lệ thuộc chúng sẽ dụ dỗ sang Campuchia làm việc lương cao. Nếu nạn nhân đồng ý chúng sẽ đến cửa khẩu biên giới để bán vào các công ty hoạt động lừa đảo với giá bán từ 20 đến 30 triệu đồng/người.
Trường hợp các nạn nhân thay đổi ý định không chịu đi thì nhóm của Ý sẽ bắt giữ, giam lỏng trong các khu nhà trọ, cắt cử người theo dõi; nếu chống cự sẽ bị đánh đập, bỏ đói. Khi nạn nhân ngoan ngoãn chúng tiếp tục bán sang Campuchia. Đến thời điểm bị bắt giữ Ý và đồng bọn đã thực hiện 4 vụ buôn người và 2 vụ bắt giữ người trái pháp luật. Ngoài ra, để có tiền tiêu xài và sử dụng ma túy, Nguyễn Như Ý cùng đồng bọn thực hiện nhiều vụ đột nhập trộm cắp tài sản trên địa bàn TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một và một số hành vi phạm tội khác… Trong 3 đối tượng này thì Lương Xuân Đại có đến 5 tiền án, hai đối tượng còn lại mỗi người có 1 tiền án.
Nói về nguyên nhân tái phạm, một số đối tượng cho biết, do gia đình ly tán hoặc bị cha mẹ từ mặt nên sau khi mãn hạn tù đã không trở về địa phương mà sống vất vưởng nay đây mai đó. Do không có công ăn việc làm ổn định nên thiếu hụt quay về con đường cũ. Một số khác trở về gia đình nhưng bị lối xóm, họ hàng, thậm chí cả người thân đối xử lạnh nhạt nên mặc cảm, tự ti bỏ xứ ra đi… Cũng có trường hợp vì có tiền án, vì không có giấy tờ tùy thân nên không thể xin việc làm ở các công ty, xí nghiệp nên dễ sa vào các “nghề” nhạy cảm, các cơ sở tệ nạn… Đối với các đối tượng nghiện ma túy thì tương lai còn mịt mù hơn. Sau khi ra tù thường tìm đến các “chiến hữu” từng kết bạn trong trại giam để nương tựa và làm bất cứ việc gì để có ma túy sử dụng, rất nhanh quay về con đường phạm pháp.
Địa phương nào làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỡ thì ở đó tỷ lệ người tái phạm rất thấp. Ở xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) có mô hình “3 + 1” được thành lập từ năm 2017. Từ đó đến nay, tổng số 26 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều được cán bộ công chức UBND và Công an viên xã kết hợp với gia đình của đối tượng để giúp đỡ, giáo dục. Công an xã có trách nhiệm phối hợp, vận động các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị kinh tế trú đóng trên địa bàn tạo điều kiện và giới thiệu việc làm cho họ. Kết quả 100% số người được giải quyết nhập khẩu và cấp căn cước công dân; được quản lý, giáo dục, giúp đỡ; được giới thiệu việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh… Đến nay, có 90% số người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định. Chỉ duy nhất một trường hợp tái phạm.
“Người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có nguy cơ tái phạm cao do không có việc làm, thu nhập không ổn định. Các công ty, xí nghiệp thì ngại nhận người có tiền án. Do vậy mà chính quyền xã phải hết sức kiên trì làm công tác tư tưởng, vận động các doanh nghiệp tiếp nhận lao động thì mới đạt được kết quả như vậy”. - Ông Trương Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, các cấp hội, đoàn ở Bình Dương còn tổ chức nhiều chương trình truyền thông giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, phạm nhân nữ tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như tổ chức chuyên đề “Mục đích, lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên, phụ nữ hoàn lương” do Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Bến Cát tổ chức.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua việc giáo dục, cảm hóa đã làm phạm nhân có chuyển biến về tư tưởng, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, góp phần xây dựng môi trường thân thiện trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ giúp phạm nhân có niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên, lao động, cải tạo, để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Quan trọng hơn là để sau này, khi tái hòa nhập cộng đồng sẽ tiếp thêm nghị lực để họ cố gắng hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội.