Cảnh báo tội phạm gia tăng trên không gian mạng

08:00 05/06/2022

Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao liên tiếp xảy ra trên toàn quốc. Những kiểu lừa “xưa như trái đất” trước đây như tặng quà có giá trị cao, “tẩy rửa đô la”... các đối tượng thường chiếm đoạt số tiền khá lớn từ nạn nhân. Sau nhiều năm trời với biết bao bài học nhãn tiền, người dân đã rất cảnh giác và dần dà kiểu lừa này đã bị “mai một”.

Vài năm trở lại đây, lừa đảo công nghệ cao xuất hiện các chiêu lừa phổ biến là giả danh cán bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm soát, Bưu điện... gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án rửa tiền, ma túy hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Thủ đoạn này mới nghe qua thấy khó có thể lừa được ai nhưng thực tế có người bị lừa cả hàng chục tỷ đồng chỉ vì cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật. Hiện tại kiểu lừa này tuy không còn nhiều nhưng thi thoảng vẫn có người bị mất tiền.

Lực lượng Công an tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên rà soát trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn tội phạm công nghệ cao.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, qua công tác đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhận thấy hiện nay nổi lên một số thủ đoạn mới, tuy số tiền lừa đảo của mỗi nạn nhân không lớn nhưng số lượng nạn nhân bị sập bẫy thì rất nhiều. Do bị mất số tiền ít, lại sợ mọi người cười chê nên nhiều nạn nhân không trình báo với cơ quan Công an, từ đó tạo điều kiện cho bọn tội phạm vẫn còn đất sống. Đối tượng mà các băng nhóm lừa đảo nhắm đến là những người thích kiếm tiền nhanh mà không phải bỏ mồ hôi, công sức.

Thủ đoạn phổ biến là các đối tượng lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee... và tiến hành chạy quảng cáo. Khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.

Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook và chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó đối tượng chuyển trả lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%. Sau chừng 2-3 lần tạo niềm tin, đối tượng viện lý do là cần nâng hạng để người tham gia mua sản phẩm có giá trị cao hơn. Tưởng ngon ăn như những lần trước, khi bị hại chuyển xong tiền thì lập tức bị cắt liên lạc.

Một kiểu lừa khác là các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường... Khi huy động được lượng tiền hàng tỷ đồng thì các đối tượng lập tức cho “sập sàn” và chiếm đoạt hết số tiền của người tham gia.

Một hình thức khác, các đối tượng lừa đảo đăng các bài quảng cáo, đường link trên các trang mạng xã hội với nội dung chia sẻ cách kiếm tiền dễ dàng để lôi kéo, dụ dỗ những người có thời gian nhàn rỗi tham gia. Khi người chơi bấm vào đường link sẽ được các đối tượng tự xưng là điều phối viên, hướng dẫn viên đọc lệnh liên hệ và đưa vào các hội nhóm với nhiều tài khoản ảo. Sau đó chúng hướng dẫn người chơi tải các ứng dụng trò chơi trúng thưởng, các sàn giao dịch đầu tư ngoại hối giả như Max3d, Bmax, Doji, Coin Base, Abex… để đăng ký tài khoản và tham gia đặt lệnh theo hướng dẫn.

Để dẫn dụ “con mồi”, các đối tượng cho người mới chơi với số lượng tiền nhỏ được thắng và cho rút tiền để tạo lòng tin. Sau đó, các đối tượng dụ dỗ người chơi tham gia với số tiền lớn hơn. Khi đó, nạn nhân rút tiền, đối tượng sẽ thông báo bị lỗi và yêu cầu nộp tiền đóng các khoản phí bảo hiểm thì mới được rút tiền… Khi không còn lừa được thêm tiền bọn chúng lập tức cắt liên hệ.

Một kiểu mời gọi của nhóm lừa đảo trên mạng.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh có thông tin cảnh báo tới người dân về một số thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo, giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố. Sau đó, kẻ xấu yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, cú pháp này thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví…

Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ nhắn tin muốn giúp nạn nhân nâng cấp sim điện thoại thành sim 4G, 5G. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim “chính chủ". Chúng sẽ truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư vào các hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch mà Việt Nam chưa cấp phép như sàn giao dịch ngoại hối (Forex), các ứng dụng trò chơi trực tuyến giả mạo. Cần cẩn thận với các chiêu trò núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo.

Tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến các sàn giao dịch Forex do các cá nhân, tổ chức tự lập ra… Không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng, không thực hiện theo các tin nhắn có nội dung giả mạo. Bên cạnh đó, không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

M.Hải

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文