Cảnh báo về nguy cơ cháy nổ ở các khu dân cư
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 21 vụ cháy, nổ. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm gần 50%; do sơ suất bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt chiếm trên 12%.
Các vụ cháy xảy ra tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tuy diện tích cháy không lớn, không gây thiệt hại nhiều về tài sản nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng về người, có vụ làm chết và bị thương nhiều người. Thời điểm xảy ra các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng chủ yếu xảy ra vào thời điểm ban đêm dẫn đến việc phát hiện, báo cháy và chữa cháy không kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Long An mở đợt cao điểm đảm bảo tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Đại tá Nguyễn Huy Liệu-Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Long An khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở của mình như: thường xuyên kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ, tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn…
Ngoài ra, trong các nguyên nhân gây cháy chiếm tỷ lệ cao ở các hộ gia đình do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nhiều người dân bất cẩn trong việc đun nấu khi sử dụng bếp điện, bếp gas. Để tránh nguy cơ xảy ra cháy nổ, Công an tỉnh Long An khuyến cáo, người dân không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini...) gần vị trí sử dụng ngọn lửa trần để đun nấu, thiết bị điện có sinh nhiệt... thường xuyên kiểm tra tình trạng của van khóa, dây dẫn và đóng van bình gas sau khi sử dụng; không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, bình gas, dây dẫn khí, bếp không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện, không bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến... mở cửa sổ, cửa chính để thoát khí gas, phải khóa ngay van bình và báo cho đại lý cung cấp gần nhất. Chủ hộ gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...), đèn chiếu sáng sự cố... vị trí đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện, để kịp thời chữa cháy, mở cửa, thoát nạn an toàn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Tỉnh Long An đã thành lập 15 Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 1.549 hộ gia đình, 786 nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh; lập 2.335 biên bản với 2.738 kiến nghị. Qua công tác kiểm tra đã tiến hành xử lý 6 trường hợp nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH. Đồng thời, qua kiểm tra đã vận động các hộ gia đình ký 17.630 bản cam kết khắc phục tồn tại, thiếu sót để thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 41 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao và hàng chục vạn hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh tại các đô thị. Qua đợt kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể xảy ra nguy cơ cháy, nổ. Đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhiều chủ hộ chỉ chú trọng đến công việc kinh doanh, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH theo quy định của Luật PCCC, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, còn thái độ chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nhằm kéo giảm thấp nhất số vụ cháy, nổ có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, nhất là trong hình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo công tác phòng ngừa cháy, nổ có hiệu quả.