Chỉ mong công việc ổn định, ít hy vọng thưởng Tết
Đây là tâm sự của không ít người lao động khi Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề. Cả năm liên tục đón những đợt sóng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, việc làm.
Đặc biệt làn sóng dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều ngành nghề lĩnh vực lao đao, hàng triệu lao động thiếu việc làm, phải giãn việc, giảm thu nhập. Đến thời điểm hiện tại, dù nhiều doanh nghiệp đã trở lại trạng thái “bình thường mới” nhưng không ít lao động chỉ mong công việc được duy trì ổn định, còn thưởng Tết có hay không cũng không còn quan trọng.
Mong dịch đừng tái bùng phát
Gần 2 năm đại dịch hoành hành, công việc bập bõm, lúc làm lúc nghỉ, chị Phạm Kiều My (một nhân viên công ty chuyên về tư vấn doanh nghiệp trên đường Thái Hà, Hà Nội) cho hay, suốt từ thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 đến nay, công ty chị gần như hoạt động cầm chừng. Đặc biệt khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/2021, TP Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch, trụ sở chính công ty tại Hà Nội gần như đóng cửa, nhân viên được trả lương tối thiểu làm việc tại nhà, mục tiêu là để duy trì hoạt động.
“Nói đến chuyện thưởng Tết thời điểm này là quá xa xỉ. Gần 2 năm nay, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề, doanh thu so với bình thường trước đây giảm đến 70%. Cố gắng duy trì việc làm, có tiền trả lương cho mọi nhân viên ở các văn phòng đã là cố gắng của ban giám đốc rồi. Năm ngoái công ty vẫn tính toán căn cơ thưởng Tết cho mỗi người 1 tháng lương, nhưng năm nay mọi người đều hiểu rõ tình hình thực tế. Chỉ mong dịch đừng bùng phát mạnh trở lại; hiện chúng tôi có việc làm, có lương là tốt rồi mong chờ gì thưởng Tết nữa”, chị My chia sẻ.
Cũng tâm lý chỉ mong có việc làm ổn định, chị Nguyễn Linh Chi (làm cho một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lao động Nhật Bản) cho hay, 3 tháng đầu năm 2021, công ty còn đưa được hơn 200 lao động xuất cảnh. Từ thời điểm tháng 4/2021 đến nay hầu như mọi hoạt động đình trệ hẳn. Lao động làm hồ sơ xong cũng không xuất cảnh được, công tác giảng dạy thì gần như “đóng băng”. Không ít người do không có việc làm đã chủ động xin nghỉ việc để chuyển sang công việc khác. Với gia đình chị Chi, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình dựa hết vào thu nhập của chồng chị. Để có thêm nguồn thu, chị phải bán hàng trực tuyến, công ty cũng chỉ hỗ trợ gần 2 triệu đồng/tháng nhằm giữ chân lao động.
“Đồng nghiệp không ít người đã bỏ công ty, chuyển sang môi giới bất động sản, bán bảo hiểm, bán hàng trực tuyến, nhưng cũng không thực sự hiệu quả. Cũng may, cuối tháng 9 vừa qua, Hà Nội gỡ bỏ giãn cách xã hội và một số nước cũng bắt đầu cho lao động nhập cảnh trở lại nên công việc cũng nhúc nhắc. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là dịch được kiểm soát tốt để chúng tôi có công việc ổn định”, chị Chi nói. Đề cập đến thưởng Tết, chị Chi nhớ lại, trước khi có dịch, mỗi dịp Tết, cán bộ công nhân viên công ty đều được thưởng 3 tháng lương, ra Giêng còn được lãnh đạo công ty lì xì đầu năm. Nhưng nay, mong muốn lớn nhất của mọi người chỉ là có việc làm và thu nhập, không hy vọng gì tới thưởng Tết.
Doanh nghiệp chưa tính tới thưởng Tết
Đây là chia sẻ của ông Trần Công Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May xuất khẩu Việt Thái. Ông Thành cho biết, với gần 2.000 người lao động, ảnh hưởng nặng nề của dịch từ đầu năm tới nay, công ty cũng đang phải “chạy ăn từng bữa”.
“Ban lãnh đạo công ty phải đôn đáo tìm kiếm đơn hàng để giữ việc làm cho người lao động, đây là việc hết sức quan trọng, bởi nếu qua dịch mà đơn hàng về nhiều, không có lao động thì cũng rất nan giản. Dịch COVID-19 không chỉ khiến đơn hàng giảm mà công ty còn đối mặt với tình trạng nhiều đối tác nợ tiền hàng dài hạn. Với gần 2.000 lao động, giờ mà bàn đến việc thưởng Tết mỗi người một tháng lương khoảng 8 triệu đồng/người thì không thể nói khơi khơi được. Hiện ban lãnh đạo công ty chưa tính đến việc thưởng Tết. Phải chờ cân đối thu chi sát Tết ra sao mới có thể tính toán được. Chúng tôi cố gắng động viên người lao động gắn bó với công ty nhưng sẽ phải tùy vào tình hình cụ thể, và sẽ có thông tin để người lao động hiểu sau một thời gian dài sóng gió vừa qua”, ông Thành cho hay.
Chờ chốt năm tài chính mới xây dựng phương án thưởng Tết là câu trả lời của hầu hết doanh nghiệp khi đề cập đến chuyện thưởng Tết năm nay. Ông Nguyễn Đức Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may xuất khẩu Quang Minh cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, đơn hàng giảm, công suất hoạt động của công ty cũng giảm nên doanh thu năm nay sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Sau quãng thời gian giãn cách xã hội khó khăn, cũng may thời điểm cuối năm này công ty cũng đã chốt được đơn hàng sang Đông Âu đến tháng 6/2022. Ban lãnh đạo công ty hiện chỉ đang tập trung vào giải quyết việc làm, và đảm bảo triển khai các đơn hàng cho phù hợp. Việc thưởng Tết sẽ phải chờ chốt tài chính năm mới xây dựng.
“Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Do đó, từ giờ đến hết năm, công ty chắc chắn cũng sẽ tính toán thưởng Tết cho công nhân, cố gắng được tháng lương thứ 13 như mọi năm là phương án tốt nhất”, ông Quang cho hay.
Thông tin từ phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đang xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán 2022 cho đoàn viên, người lao động để góp phần giúp đoàn viên, người lao động có một cái Tết đầm ấm. Chẳng hạn như Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch để tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các cấp công đoàn Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực tập trung chăm lo Tết cho đoàn viên. Trong đó, dự kiến ngày 28/1/2022, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội sẽ tổ chức Chương trình “Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”.