Tiền tỷ công đức đi đâu?

Công đức, giải hạn: Thu bộn tiền (Bài 1)

08:18 27/02/2024

Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm, người dân khắp muôn nơi đổ về đình, đền, chùa, phủ để làm lễ, mong một năm sức khoẻ, phát đạt. Ngay từ mùng 1 Tết, nhiều nơi đã thu tiền làm lễ cúng sao, giải hạn nhưng biến tướng thành lễ “cầu an”…

Vì vậy, cùng với việc công đức khi đi lễ tại các phủ, đền, chùa thì nhiều đền, chùa còn làm lễ cầu an để cúng sao, giải hạn cho người dân khắp muôn phương có nhu cầu. Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm, tiền tỷ chi cho niềm tin an thần vẫn tái diễn.

Cầu an hay cúng sao, giải hạn?

Ngay từ mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn, nhiều đền, chùa ở Hà Nội đã đông nghẹt người đến cúng sao, giải hạn. Cúng sao, giải hạn đầu năm đã đi vào đời sống tâm linh của một bộ phận người dân. Theo đó, có tất cả 9 sao nên cứ 9 năm luân phiên trở lại ứng với người nam, nữ khác nhau đó là: Sao La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thuỷ Diệu. Dân gian cho rằng, nếu nam gặp phải sao chiếu mạng là La Hầu, nữ là sao Kế Đô thì năm đó là năm xấu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Còn với sao Thái Bạch thì tiêu tốn tài của, tiền bạc làm ra không giữ được, tiểu nhân quấy phá.

Nhiều người tin rằng cúng sao, giải hạn đầu năm sẽ giải được sao xấu, không gặp xui xẻo, vận hạn.

Nhiều năm cúng sao giải hạn, chị Nguyễn Thị Huệ (Ba Đình Hà Nội) cho biết: “Năm nay, mùng 1 Tết tôi đi lễ chùa, đã đóng tiền làm lễ cầu an để mùng 6 tiến hành. Nhà chùa gọi là lễ cầu an, thực chất là cúng sao, giải hạn. Vì khi nộp tiền, nhà chùa yêu cầu viết danh sách tên, tuổi từng người trong gia đình, tuổi của mỗi người ứng với từng chòm sao. Có năm, cả nhà hầu hết đều ứng với sao tốt, nhưng tôi vẫn đóng tiền làm lễ giải hạn”.

Chị Huệ làm lễ giải hạn ở ngôi chùa lớn tại quận Tây Hồ nhiều năm nay, ban đầu giá 200.000 đồng, sau tăng lên 300.000 đồng và giờ là 500.000 đồng cho cả gia đình. Nhà chùa nói rõ giá nhưng không thu và ghi sổ như trước đây, mà tự người dân bỏ tiền vào hòm công đức. Không chỉ thế, chị Huệ còn nhờ mẹ quê đóng tiền làm lễ cầu an cho gia đình ở ngôi chùa gần nhà. “Năm nào tôi cũng cúng sao giải hạn ở Hà Nội và quê, tiền làm lễ hai nơi hết 700.000 đồng”, chị Huệ nói.

Tại ngôi chùa chị Huệ làm lễ cầu bình an, do quá đông, nhà chùa chia ra làm 3 đợt vào mùng 6, mùng 8 và mùng 10 tháng Giêng. Chi phí cho lễ cầu an nếu nhân lên với hàng trăm, hàng nghìn người, số tiền nhà chùa thu được là cực kỳ lớn. “Làm lễ cầu an để cho cái tâm mình an ổn cả năm, chứ không phải cứ cúng sao giải hạn là trừ được hết rủi ro, thiếu may mắn. Năm ngoái nhà tôi vẫn có người ốm nặng và mất, vợ chồng tôi làm ăn khó khăn, chứ không suôn sẻ, sung túc như cầu được ước thấy”, chị Huệ chia sẻ.

Do con còn nhỏ, năm nay, chị Phạm Minh Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) làm lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh (128 phố Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội) nhưng chị không đi được mà chỉ nộp tiền. “Tôi không có thời gian chen chân và chờ đợi vài tiếng làm lễ được nên chỉ nộp tiền. Sư thầy viết sớ đầy đủ tên của người trong gia đình, hôm làm lễ thầy đọc lên là được rồi”, chị Tâm nói.

Ngày 12 tháng Giêng năm nay, chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức lễ cầu an. Theo đại diện nhà chùa, từ đầu năm đến ngày 12 tháng Giêng đã có trên 10.000 người đăng ký các khoá lễ cầu an tại chùa. Nhiều người dân cho biết, khi làm lễ cầu an, họ đóng góp 150.000 đồng/gia đình cho nhà chùa, bỏ vào hòm công đức. Còn ai muốn giải sao xấu thì đăng ký thêm và bỏ tiếp 150.000 đồng vào hòm công đức. Đại diện chùa Phúc Khánh cho rằng, chùa không quy định số tiền phải đóng, ai đến cầu bình an thì đóng góp tuỳ tâm. Số tiền này được đặt vào hòm công đức chứ nhà chùa không thu trực tiếp.

Không chỉ chùa lớn, mà tại một số ngôi đền nhỏ cũng cúng sao giải hạn với tên gọi lễ cầu an. “Trước chỉ 200.000 đồng/gia đình, nhưng năm nay giá tăng lên 300.000 đồng. Tôi hay làm ở đền gần nhà cho thiêng, đền này do một thầy pháp đến làm lễ”, chị Phạm Thị Thu ở quận Tây Hồ cho hay. 

Hòm công đức đặt khắp nơi

Điều dễ nhận thấy khi đến đền, chùa nào cũng bắt gặp hòm công đức bố trí ở khắp các ban. Tới chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hòm công đức lớn nhỏ đặt ở tất cả các ban, thậm chí ở đền Trình, hòm công đức lớn với dòng chữ đỏ dán ở mặt ngoài “Thập phương tiến cúng” đặt ngay từ ngoài, trước lư hương.

Ở nhiều đền, chùa, hòm công đức được đặt ở tất cả các ban.

Vào trong, mỗi ban một hòm công đức. Có khu vực, 3 ban là 3 hòm công đức, nhưng lại thêm 1 hòm công đức lớn đặt ở ngay cửa ra vào. Những tờ tiền mệnh giá từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng, 200.000 đồng được đặt vào hòm công đức. Bên cạnh đó, nhiều người đi lễ lại “thích” đặt tiền lên đĩa trên ban thờ, hay nhét vào đĩa hoa quả… Khi tới đây đúng vào thời điểm chùa mở hòm công đức, có tới 2-3 người bốc tiền cho vào bao tải.

Tại đền Trình, sau khi lễ xong, người dân để lại tiền vàng cho nhà chùa hoá, nhiều người lấy tiền ở mâm lễ gửi lại cho nhà chùa, có người gửi lại cả bạc triệu. Do đông người tới lễ mà khu vực này luôn quá tải, người của nhà chùa mệt nhoài luôn tay luôn chân nhận lễ, nhận tiền…

Đi lễ đầu năm cầu may, cầu bình an, sức khoẻ và tài lộc là nét đẹp đầu xuân. Tuy nhiên, đến nơi nào cũng thấy rất nhiều hòm công đức, tiền lễ được đặt ngổn ngang ở nhiều nơi, có người không chen vào được còn ném tiền từ xa vào các đĩa để “giọt dầu”. Tại Phủ Tây Hồ, từ mùng 1 đến mùng 6 ngày Tết, mỗi ngày có khoảng 10 nghìn người tới lễ và kéo dài cho tới hết tháng Giêng. Trong dòng người chen chúc, xô đẩy, tiền lễ rải khắp các ban, nhiều đến mức để tràn ra các mâm lễ của khách. Ở phía ngoài sảnh còn có các bàn để người dân công đức, ghi tên. Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều người đến công đức cho Phủ với số tiền không hề nhỏ.

Đền Quán Thánh là một trong tứ trấn của Thăng Long, tiền lễ cũng nằm rải rác khắp các ban, có người còn chen vào tận trong để đặt tiền lễ lên các đĩa hoa quả ở trên cao, ném vào trong khu vực thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Nhà đền chưa đi thu kịp, các đĩa để tiền “giọt dầu” đầy tràn ra xung quanh. “Hòm công đức quá nhiều, tôi chỉ đặt 1 lần thôi, lòng thành là chính, chứ đến ban nào cũng đặt tiền công đức thì nhiều lắm. Hơn nữa, đến đây phải mua vé vào cổng, theo tôi, người dân đã công đức thì không nên thu tiền vé nữa”, một du khách cho biết.  

Việc đặt quá nhiều hòm công đức và đĩa để tiền “giọt dầu” tại nhiều di tích, đền chùa khiến du khách đặt quá nhiều tiền lẻ lộn xộn, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, gây sự phản cảm. Việc thu và sử dụng nguồn tiền công đức của du khách như thế nào sau mỗi mùa lễ hội, để tránh sự mập mờ, ở các nơi có sự công khai, minh bạch trong quản lý, thu chi hay không còn là câu hỏi ngỏ.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, tổng đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.

Trần Hằng – Nguyễn Hương

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Cảnh sát trưởng Las Vegas Kevin McMahill ngày 2/1 thông tin, lực lượng chức năng đã phát hiện một tổ hợp gồm pháo hoa, bình xăng và nhiên liệu cắm trại trong thùng xe Tesla Cybertruck phát nổ trước cửa khách sạn Trump International, đồng thời ra một tuyên bố về chiếc xe này. 

Chiều  2/1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện E thăm hỏi, động viên Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Tổ công tác Y19B-141H, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 2/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh, nhất là đã triển khai phương án kịp thời, đảm bảo an toàn cho các phạm nhân trong cơn bão số 3, trong đó có 1 cán bộ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính mạng cho phạm nhân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文