Cuộc sống bất an nơi vùng tâm chấn động đất
Hàng chục trận động đất trong vòng 2 ngày qua khiến cuộc sống người dân xã Đăk Tăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đảo lộn, người dân sống bất an trong chính căn nhà của mình.
Sống bất an
Hai ngày qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra các trận động đất, trong đó có trận ghi nhận cường độ lớn nhất từ trước đến nay khiến người dân rất lo lắng. Trong đó, ngày 28/7, trên địa bàn huyện Kon Plông ghi nhận 21 trận động đất và tính đến 16h ngày 29/7, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 24 trận động đất; trận động đất với cường độ mạnh nhất là 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Theo người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông nơi vùng tâm chấn động đất thì mật độ và cường độ của các trận động đất ngày càng gia tăng đã khiến cuộc sống của người dân đảo lộn và họ phải sống bất an trong chính căn nhà của mình.
Anh A Đơi (SN 1996, trú thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng) lo lắng, chúng tôi ở vùng động đất nên bị miết rồi cũng quen. Những trận động đất nhỏ thì không nói làm gì nhưng trận động đất ngày hôm qua là lớn nhất từ trước đến nay, tôi đang đi xe ngoài đường thì tự nhiên chao đảo, suýt nữa té ngã.
“Chúng tôi quen với các trận nhỏ vì nhiều quá rồi nhưng các trận động đất mạnh thì không biết chạy đi đâu, người lớn còn không biết chạy đi đâu thì trẻ em không biết phải làm sao”, anh A Đơi nói thêm.
Trong khi đó, anh Trịnh Xuân Hùng, nhân viên Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đăk Kôi 2 (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết, trưa hôm qua khi đang nằm trên giường ở trạm, tôi tự nhiên thấy trời đất quay cuồng, trụ sở đơn vị chao đảo. Hiện trụ sở đơn vị đã xuất hiện nhiều vết nứt tường, tôi sợ và hoang mang quá.
Là một người chưa từng chứng kiến động đất, anh Đinh Văn Trói (SN 1982, trú huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) lên xã Đăk Tăng làm thợ xây đã được nửa tháng nay. Tuy nhiên, sau các trận động đất liên tiếp 2 ngày qua, anh Trói cảm thấy rất lo sợ. Anh Trói chia sẻ: Tôi đang tính sẽ về lại quê để làm ăn chứ ở đây động đất suốt ngày, đang trát xi măng thì có động đất nên anh em phải bỏ chạy. Một ngày chạy vài chục lần như thế làm sao sống nổi.
Theo thống kê sơ bộ của địa phương, các trận động đất vừa qua đã làm nứt toạc các vách ngăn tường xây tại Trường Trung học cơ sở và Trạm Y tế xã Đăk Ring, phòng làm việc Công an xã Đăk Nên xuất hiện vết nứt khoảng 2m, nhà hộ dân tại xã Măng Bút bị rơi hỏng ti vi…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Bình - Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Kon Plông cho hay: Ban Chỉ đạo đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, rà soát lại cụ thể các thiệt hại và có các cảnh báo đến người dân.
Cũng theo ông Bình, trên địa bàn huyện có hơn 28.000 người và đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của động đất. Địa phương đã có nhiều buổi tập huấn cũng như phát tờ rơi để người dân biết, chủ động phòng tránh thiệt hại khi có động đất xảy ra. Tuy nhiên, mật độ và cường độ các trận động đất ngày càng tăng khiến người dân lo lắng.
Cần sớm làm rõ nguyên nhân động đất
Theo một lãnh đạo huyện Kon Plông, trên địa bàn huyện có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 3 công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ là thủy điện Đăk Pô Ne, thủy điện Đăk Lô và thủy điện Đăk Lô 2.
Trước đó, vào năm 2022, sau khi xuất hiện động đất tại huyện Kon Plông, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu và nhận định các trận động đất xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Sau đó, cơ quan chức năng đã yêu cầu thủy điện trên địa bàn lắp các trạm quan trắc theo dõi dư chấn động đất để chủ động đưa ra các phương án ứng phó khi có động đất xảy ra.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ, nguy cơ ảnh hưởng của động đất tại tỉnh Kon Tum và công bố để chính quyền, nhân dân biết, chủ động giải pháp ứng phó phù hợp.
Đến nay, diễn biến động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vẫn đang được cơ quan chuyên môn theo dõi và nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu nhận định, trong thời gian tới động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.
Trước diễn biến phức tạp của các trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông trong 2 ngày qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; rà soát, xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án ứng phó động đất; chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các đơn vị liên quan, các chủ đập thủy điện trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng tránh, ứng phó khi xảy ra động đất.
Sở TN&MT chủ động phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông; thông báo kịp thời về tình hình động đất đến chính quyền và người dân được biết, chủ động ứng phó, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Đặc biệt, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty Cổ phần thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh, Công ty Cổ phần Thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất (trận động độ lớn 5.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km) tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý; báo cáo về Sở Công Thương, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT để tham mưu UBND tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các thủy điện trên tổ chức kiểm tính ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.