Đắng cay phận đời 'tiếp viên'

08:44 07/04/2015
Với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng nhưng tiếp viên Hồng, quê ở Sóc Trăng vẫn thường xuyên thiếu trước hụt sau. Vì mỗi tháng Hồng phải gởi về quê cho ba mẹ 5 triệu đồng; tiền thuê phòng trọ, ăn uống, phấn son, quần áo… cũng hết ngần ấy, còn lại thì… nuôi trai.

Cuối tháng 3 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh giải cứu cho 4 cô gái bị giam giữ tại quán karaoke ôm Ngọc Hiếu nằm trên địa bàn phường Cát Lái, quận 2.

Vụ việc ngay lập tức được dư luận quan tâm, bởi lẽ, kể từ sau khi “tổ quỷ” massage Tân Hoàng Phát (ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bị triệt xóa vào năm 2008 với hàng chục cô gái được giải thoát thì vụ giải thoát tiếp viên lần này là rất hiếm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những cô gái đáng thương đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì hiện nay toàn TP Hồ Chí Minh có hơn 30.000 cơ cở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, trong đó có gần 1.000 nhà hàng, hơn 130 cơ sở xông hơi - xoa bóp, hơn 800 tiệm hớt tóc thanh nữ và gần 8.000 quán cà phê có tiếp viên nữ phục vụ.

Mà trong số này có không ít cơ sở hoạt động bia ôm, mại dâm trá hình có hình thức quản tiếp viên tương tự. Tuy nhiên, cuộc sống của người tiếp viên không chỉ bị giam giữ mà còn rơi vào cạm bẫy của các thế lực đen…

Các tiếp viên trong một quán bia ôm.

Trước đây, những kẻ buôn người thường sử dụng các chiêu lừa như giả dạng làm cán bộ nhân sự của công ty, nhà hàng, khách sạn ở TP Hồ Chí Minh về quê tuyển dụng lao động với mức lương cao để lừa các cô gái quê nhẹ dạ.

Chiêu thức này đã lạc hậu, hiện tại bọn buôn người chỉ cần ngồi tại nhà và săn các cô gái trẻ đẹp qua mạng Internet ở khắp nơi trong cả nước.

Sau khi lừa được người chúng liền “bán” lại cho các tụ điểm tệ nạn với giá chỉ 1-2 triệu đồng thông qua hình thức “môi giới việc làm”.

Khi rơi vào ổ tệ nạn, không ít cô gái phản kháng, tìm cách bỏ trốn nhưng cũng rất nhiều người mờ mắt trước đồng tiền đã nhanh chóng thích nghi và cuộc đời của họ bắt đầu với những tháng ngày vui buồn xen lẫn chua cay. 

Thủy, quê An Giang “đầu quân” cho quán bia ôm H.L. ở quận Bình Thạnh. Quán luôn có từ 20-30 tiếp viên do 2 quản lý điều hành.

Lúc mới vào làm, nắm được gia cảnh của Thủy, “má mì” Lan ra chiều thương cảm: “Thấy hoàn cảnh của con má tội nghiệp quá, để má giới thiệu cho con vay 30 triệu đồng gửi về cho ba mẹ lợp lại mái nhà. Mỗi ngày trả lãi có 300 ngàn đồng à, khi nào trả vốn cũng được”.

Thấy mỗi ngày kiếm bèo lắm cũng được 500 ngàn đồng nên Lan liền gật đầu và không quên cảm ơn má mì đã “chiếu cố” đến mình.

Những cô gái khác nghe vậy cũng nài nỉ má mì giới thiệu cho mình vay vì nhà đứa nào cũng có hoàn cảnh khó khăn nhưng: “Tụi bây thông cảm cho má, đứa nào “ngon lành” thì mới có nhiều khách chứ “hàng thường thường” kiếm tiền “boa” sao đủ trả lãi, mắc công má phải gánh nợ”.

Thế là hàng đêm, sau giờ “tan ca”, các tiếp viên vay nợ đều phải đưa tiền cho “má” để “má” giao lại cho đối tượng cho vay nặng lãi để kiếm tiền “cò”.

Nhiều lúc ế khách, không đủ tiền trả lãi thì “má” giới thiệu đi khách qua đêm, thế là trở thành gái mại dâm.

Khi cho vay như vậy những kẻ cho vay nặng lãi không bao giờ đặt vấn đề trả vốn vì chỉ cần thu lãi hơn 3 tháng là đã hoàn vốn.

Thế là chúng câu kết với má mì “bóp cổ” tiếp viên để các cô không thể tích lũy nhiều tiền nhằm trả nợ vay. Chiêu phổ biến nhất mà “má” áp dụng là xếp “tua” ngồi với khách.

Theo qui định của bất kỳ quán bia ôm nào, tiếp viên ngồi với khách phải được bố trí xoay “tua” để đảm bảo công bằng. Nhưng nếu “má” thương đứa nào thì “má” có quyền “nhét” vào bất cứ lúc nào với lý do khách yêu cầu.

Đặc biệt hơn “má” còn phối hợp với các tay ghi đề và “khuyến khích” tiếp viên đánh đề để “má” hưởng hoa hồng.

Bên cạnh đó “má” còn tổ chức chơi đánh bài nhưng lúc nào má cũng thắng. Vì đứa nào mà ăn tiền của “má” thì “má” sẽ không bố trí cho tiếp khách, đi khách…

Với những khoản chi như vậy nên dù có thu nhập vài chục triệu đồng tiền “boa” mỗi tháng nhưng các tiếp viên lúc nào cũng trắng tay mà nợ nần thì vẫn còn đó.

Nhiều cô thấy mình không có đường ra định bỏ trốn nhưng vì bị thu hết giấy tờ tùy thân, bị kẻ cho vay hù dọa sẽ “làm thịt”, sẽ tìm đến tận quê để đòi nợ nên đành cắn răng “chịu đấm ăn xôi”.

Không vay mượn nợ, không bị má mì bóc lột dã man nhưng nhiều tiếp viên ở các quán bia ôm cũng phải giam mình trong thế giới tệ nạn.

Với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng mỗi tháng nhưng tiếp viên Hồng, quê ở Sóc Trăng vẫn thường xuyên thiếu trước hụt sau. Vì mỗi tháng Hồng phải gởi về quê cho ba mẹ 5 triệu đồng; tiền thuê phòng trọ, ăn uống, phấn son, quần áo… cũng hết ngần ấy, còn lại thì… nuôi trai.

Mà những kẻ cặp kè với gái bia ôm đều không phải tay vừa, không “đầu trộm đuôi cướp” thì cũng là kẻ ăn không ngồi rồi, nghiện heroin, bài bạc.

Sở dĩ các cô chọn những gã trai này vì họ khó có thể tìm được bạn trai là một nam sinh hay người đứng đắn để chia sẻ những buồn vui.

Ngoài ra những gã giang hồ này còn là chỗ dựa cho họ trong thế giới tệ nạn đầy rẫy bạo lực, lọc lừa, xảo trá.

Hồng bảo rằng “nồi nào úp vung nấy”, bản thân cô cũng cảm thấy hạnh phúc dù ngày nào cũng phải bung tiền ra để nuôi “người chồng” tối ngày chỉ biết bài bạc, rượu chè. Thậm chí những lúc nợ nần, tay này còn bắt mối để Hồng bán dâm cho khách…

Vì sao các cô gái tự trói cuộc đời mình dù đã có khá nhiều bài học nhãn tiền? Lý giải việc này là không khó vì qua tìm hiểu của chúng tôi, những cô gái bị ép buộc hay cố ý tìm đến con đường tệ nạn đều có điểm chung nhất là trình độ hạn chế, không có tay nghề, họ dễ dàng sa ngã vào con đường tệ nạn và không ít cô đã lún sâu vào con đường tội lỗi.

Đến khi qua cái thời xuân sắc, họ chỉ còn lại tấm thân tàn, còn tiền bạc thì “của thiên trả địa”. Lúc này họ mới được thả lỏng hoặc “chuyển nhượng” cho các tụ điểm tệ nạn “bèo” khác.

Thực tế cho thấy, sau vài năm phục vụ cho các ổ tệ nạn, các cô gái rất khó có thể hoàn lương và làm những công việc nặng nhọc để kiếm đồng tiền chân chính.

Vậy là những nạn nhân ngày nào rất dễ trở thành những “má mì”, những gái làng chơi thực thụ…Và con đường “hoàn lương” vẫn quá xa với các cô.

Mã Hải

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文