Để Hải Phòng cất cánh vào kỷ nguyên mới
Ngày 24/1/2019, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ45), có ý nghĩa định hướng chiến lược để Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển đột phá trong gia đoạn mới.
Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị đã gợi mở những cơ chế, chính sách mới, thiết thực và phù hợp, nhằm tạo cú hích thúc đẩy sự huy động tổng lực tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng, mở ra kỷ nguyên phát triển tăng tốc, bứt phá. Đặc biệt, tại thời điểm NQ45 được ban hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước. Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới”.
Theo đó, Bộ Chính trị đã định hướng TP Hải Phòng phải là địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá (CNH- HĐH); động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistic; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được giữ vững.
Những nội dung trên được thể chế hóa thành 5 nhóm quan điểm, các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng chú ý là xác định nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho TP Hải Phòng, đặt Hải Phòng trong mối tương quan hợp lý với các TP lớn khác trong cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, tài chính- ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…
Nhìn vào những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được đề ra trong NQ45, có thể nói đó là những đích đến rất cao so với mặt bằng chung từ trước đến nay đối với Hải Phòng, nhưng cũng thể hiện khát vọng rất lớn dựa trên nền tảng vững chắc từ kết quả Hải Phòng đạt được sau 15 năm thực hiện NQ32 của Bộ Chính trị (2003-2018), đặc biệt là giai đoạn tiệm cận thời điểm NQ45 được ban hành. Để thực hiện NQ45, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động, cụ thể hóa thành 15 nhóm giải pháp chủ yếu. Các chủ trương, định hướng của NQ45 cũng là cơ sở đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển; các nhiệm vụ và giải pháp lớn tại Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển khác, tạo ra xung lực mới để Hải Phòng bứt phá đi lên.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, những quan điểm phát triển được Bộ chính trị đề ra tại NQ45 đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hải Phòng. Nổi bật là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/11/ 2019 thể chế hóa bằng 3 mục đích, yêu cầu; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 10 nhóm nội dung công việc với 42 nhiệm vụ cụ thể. Tiếp đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước cùng một số Nghị quyết bổ sung, phân bổ thêm nguồn lực cho Hải Phòng từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050…
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện NQ45, TP Hải Phòng luôn xác định rõ quan điểm: bên cạnh việc khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực thì sự liên kết, hợp tác là yêu cầu cấp thiết, là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, đặt Hải Phòng trong mối tương quan của vùng và cả nước, tạo bệ phóng bứt phá, để Hải Phòng xứng đáng với vai trò động lực, đầu tàu trong chuỗi phát triển chung của vùng duyên hải Bắc Bộ, là cực tăng trưởng trong khu vực kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng. Trên tinh thần này, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã có các cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương để xây dựng các chương trình hợp tác, kết nối.
Qua 5 năm kể từ khi NQ45 được ban hành, Hải Phòng thể hiện rõ vai trò động lực, tự tin, hiện thực hóa khát vọng phát triển, càng nổi bật hơn khi “vạn sự khởi đầu nan”, thời điểm khởi đầu cũng chính là giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 với sức tác động vô cùng tiêu cực, cùng với ảnh hưởng tiêu cực khác trước những diễn biến thay đổi địa chính trị toàn cầu. Hải Phòng đã vượt lên với bản lĩnh kiên cường, ý chí kiên định và tinh thần kiên tâm, gạn lọc thách thức để chớp thời cơ, phát huy tính sáng tạo truyền thống được kết tụ từ sự đoàn kết, đồng thuận cao cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhanh chóng đưa NQ45 vào cuộc sống.
Từ việc triển khai bài bản, dựa vào thực tiễn Hải Phòng, sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan, NQ45 của Bộ chính trị đã được triển khai thực hiện hiệu quả ngay từ những năm đầu tiên, góp phần đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước. Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, kết quả nổi bật qua 5 năm đưa NQ45 của Bộ Chính trị vào cuộc sống thể hiện sự gắn kết nhuần nhuyễn ý Đảng, lòng dân và đặc biệt là các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mang nhiều tư duy và hành động đổi mới của Trung ương cũng như TP Hải Phòng.
Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện NQ45 của Bộ Chính trị, diện mạo Hải Phòng ngày càng thay da, đổi thịt, tự tin trong tư thế vươn ra biển lớn, với sự đóng góp to lớn của những công trình trọng điểm hiện đại liên tục xuất hiện mới, từ hệ thống hàng chục cây cầu kết nối trong và ngoài thành phố, hệ thống cảng nước sâu, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp… cho đến các vùng nông thôn mới kiểu mẫu, vùng sản xuất tập trung nông nghiệp công nghệ cao và cả các trung tâm đô thị mới, trung tâm du lịch, vui chơi giải trí lớn, đang từng bước đưa Hải Phòng tiệm cận với mục tiêu được NQ45 đề ra, là điểm đến an toàn, an ninh, thân thiện và đáng sống.
Điều quan trọng là kết quả đó đã phát lộ rõ hơn tiềm năng, thế mạnh của thành phố, củng cố vững chắc vị thế trên lộ trình phát triển, để Hải Phòng đặt mình vào vị trí trung tâm, liên kết phát triển vùng và vươn ra tầm quốc tế sâu, rộng hơn nữa.