Đổi thay một vùng quê nghèo bên phá Tam Giang

12:30 23/11/2014
Từ cuộc sống lênh đênh, phải chạy ăn từng bữa theo con nước trên phá Tam Giang, đến nay hàng trăm hộ dân xã Quảng Công (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã được lên bờ tái định cư (TĐC) và có cuộc sống ổn định. Điều đáng nói, nhờ biết theo nghề nuôi tôm, nhiều ngư dân ở đây đã thoát nghèo để trở thành “triệu phú”...

Nhìn khu TĐC ở thôn 14 (xã Quảng Công) với những ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm san sát bên phá Tam Giang, ít ai ngờ rằng, cách đây 25 năm, nơi đây vốn là vùng đầm phá rộng lớn mà hàng trăm hộ ngư dân phải sống cuộc đời lênh đênh trên ghe, đò để kiếm ăn từng bữa bằng việc đánh bắt tôm, cá. Dẫn chúng tôi men theo con đường bê tông đến bên những ao, hồ được ngư dân địa phương đóng cọc, giăng lưới nuôi tôm, cá vượt lũ, ông Phạm Viết Dũng (55 tuổi, thôn 14), không giấu được nỗi buồn khi kể lại “thảm họa” vào năm 1985: “Năm ấy, vì phần lớn người dân chủ yếu sinh sống trên ghe, đò và nhà chồ giữa mặt phá nên khi một trận bão lớn bất ngờ ập đến đã cuốn trôi mọi thứ ra biển. Chỉ trong vòng 1 ngày, gần 200 hộ dân ở xã Quảng Công và Quảng Ngạn đã mất tích không tìm thấy xác...”. Sau cái ngày tang tóc ấy, ông Phan Thế Phương, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế đã về vùng phá nơi đây vận động người dân lên bờ định cư để tránh lặp lại “thảm họa”. “Thương bà con sống cảnh ghe đò cực khổ nên ông Phương đã cùng lội bùn be bờ, đắp ao rồi chỉ dạy ngư dân chúng tôi nuôi tôm sú để thoát nghèo...”, ông Dũng xúc động nhớ lại.

Trường THCS Phan Thế Phương - ngôi trường mang tên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế ở vùng phá Tam Giang.

Ông La Minh Ẩn, chủ 3 vuông tôm rộng 2ha trên phá Tam Giang kể thêm rằng, vào những năm 1987 đến 1988, khi phong trào nuôi tôm trên phá như một hướng làm ăn kinh tế mới nên người dân trong thôn sau khi được TĐC đã ra sức đào ao, thả tôm... “Thế nhưng, tôm thả xuống chừng nào thì chết chừng đó. Không quản mưa gió, ông Phương lại xuống động viên bà con ngư dân. Ông ấy nói: “Do bà con thiếu kiến thức về nuôi trồng thủy sản nên tôm mới bị chết. Tôi sẽ mời những kỹ sư thủy sản giỏi về để giúp bà con!”. Tưởng ông nói chơi, ai ngờ 3 ngày sau thấy ông dắt thêm mấy tay kỹ sư trẻ chuyên ngành nông ngiệp - thủy sản để về “bắt bệnh” cho con tôm trên phá. Rồi ông chạy vạy khắp nơi để xin tôm giống tốt cho bà con... Vì thế mà chỉ 1 năm sau, 2ha tôm nuôi thử nghiệm ở thôn 14 đã thành công, lãi ròng mấy triệu bạc chú à. Lúc đó, ngư dân chúng tôi mới xem ông Phương là Thành hoàng (người khai canh, lập làng) và là ông tổ nghề nuôi tôm trên phá Tam Giang này”, ông Ẩn thuật lại câu chuyện xúc động năm xưa được ngư dân vùng phá nơi đây khắc ghi trong lòng. Khi ngư dân ở xã Quảng Công đã ổn định cuộc sống và “ăn nên làm ra” nhờ con tôm thì một chiều tháng 10/1991, họ bàng hoàng nhận được hung tin ông Phương tử nạn trong một vụ TNGT khi đang trên đường đi công tác tại tỉnh Phan Thiết. Thế rồi không ai bảo ai, các hộ dân ở đây đã chung sức dựng một ngôi miếu thờ ông Phương ngay trên phá và hằng năm đều tổ chức cúng kỵ.

Đặc biệt hơn, để tưởng nhớ công lao của vị Giám đốc Sở Thủy sản, tháng 5/2013, UBND huyện Quảng Điền đã ra quyết định chuyển đổi tên Trường THCS Quảng Công thành Trường THCS Phan Thế Phương. Dẫn tôi đến thăm thư viện của nhà trường, thầy giáo Thái Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Thế Phương tự hào giới thiệu: “Có lẽ đây là ngôi trường duy nhất mang tên một vị Giám đốc Sở của tỉnh. Ngoài 300 đầu sách, báo thì thư viện trường còn có góc tiểu sử của Giám đốc Phương để giúp 400 học sinh của trường có tài liệu học tập, tham khảo. Các thầy, cô giáo còn thường xuyên kể lại những mẩu chuyện về sự gắn bó của ông Phương với ngư dân đầm phá Tam Giang cho học sinh nghe để các em noi gương học tập!”. Anh Nguyễn Ngọc, Trưởng thôn 14 nhận định, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do ông Phương truyền dạy nên đến nay, đã có trên 50 ngư dân ở thôn 14, xã Quảng Công được liệt kê vào danh sách “triệu phú” nhờ nuôi trồng thủy sản. Điển hình như hộ ông Phạm Viết Dũng; ông Phạm Thanh Việt, Phạm Thanh Trung, La Minh Ẩn... với diện tích nuôi tôm, cá rộng hàng chục ha, thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đính, Chủ tịch UBND xã Quảng Công còn cho hay: Hiện mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép trên phá Tam Giang của xã đang dẫn đầu toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế về mức độ hiệu quả với 190 hộ dân tham gia. “Ngoài 100ha diện tích nuôi thủy sản xen ghép trên phá, hiện xã có gần 30ha nuôi tôm cao triều cho thu hoạch trên 150 tấn/vụ; người nuôi tôm lãi ròng từ 50 đến 120 triệu đồng. Nhờ thế mà cuộc sống của người dân ở các thôn TĐC ven phá được khởi sắc từng ngày, con em vì thế cũng được đến trường học tập đầy đủ hơn trước rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những ngư dân vốn phải chạy ăn từng bữa khi sống trên phá Tam Giang...”, ông Đính chia sẻ niềm vui trước sự đổi thay của quê hương.

Ông Phan Thế Phương (1934-1991), quê xã Phú Dương, huyện Phú Vang, nguyên là Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông Phương tham gia cách mạng từ sau năm 1945, là đội viên đội tự vệ vũ trang bí mật nội thành Huế. Năm 1950, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam khi chỉ mới 16 tuổi. Ngày 16/9/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Phan Thế Phương.

Lê Anh

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文