Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều chung tay bảo vệ rừng
Đakrông là huyện miền núi, biên giới phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị, có 12 xã, 1 thị trấn với hơn 43.000 dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Pa Cô và Vân Kiều. Trong đó, có khoảng 23.000 dân thuộc 7 xã sinh sống xung quanh các vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông.
Với đặc thù vùng núi, người dân nơi đây không thể tránh khỏi những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ những giải pháp mới, đột phá trong quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chức năng liên quan, cùng với đó là sự nhận thức về mặt pháp luật và xã hội của người dân ngày càng được nâng cao nên tình trạng xâm hại rừng trái phép ở đây đã được hạn chế rất đáng kể.
Trung tuần tháng 8/2024, PV Báo CAND có dịp theo chân đoàn các nhà khoa học Nga và cán bộ Khu BTTN Đakrông vào các cánh rừng già ở đây để khảo sát, tìm kiếm, nghiên cứu nấm rừng. Theo ghi nhận thực tế cũng như theo đánh giá, nhận xét của các nhà khoa học Nga, rừng bảo tồn này được quản lý và bảo vệ khá tốt. Đặc biệt, tại các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, đoàn quan sát, ghi nhận 100% tình trạng rừng còn nguyên sinh. Việc tìm kiếm, nhận dạng và nghiên cứu các loài nấm rừng ở đây nhờ đó được tiến hành rất thuận lợi.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Đakrông chia sẻ, rừng ở đây có diện tích lớn với hơn 37.000 ha. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, sinh kế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, bà con lại sinh sống quanh các vùng đệm của khu bảo tồn rất nhiều nên những năm trước đây khi đơn vị, ban, ngành chức năng liên quan chưa thực hiện được các giải pháp mới, đột phá, rừng thường xuyên bị xâm hại, nhất là khai thác gỗ và bẫy bắt, săn bắn động vật hoang dã trái phép.
“Chẳng hạn, vào năm 2019, tại khu vực cho phép xây dựng thủy điện nằm trong khu bảo tồn, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cánh rừng ở đây đã bị chặt hạ la liệt. Các địa phương như Tà Long, Húc Nghì, Ba Lòng có hàng trăm dụng cụ, phương tiện khai thác và vận chuyển gỗ rừng trái phép. Trong đó, nhức nhối nhất là ở Tà Long, hầu hết các gia đình ở đây đều có xe ôtô 3 bánh tự chế. Cùng với các dụng cụ, phương tiện khác như cưa máy cầm tay, máy tời, bà con đã lợi dụng những lúc lực lượng chức năng sơ hở để vào rừng khai thác và vận chuyển gỗ trái phép ra bên ngoài bán cho các thương lái đã móc nối, câu kết sẵn trước đó với họ”, ông Trung trầm ngâm nhớ lại.
Sau những vụ xâm hại rừng đỉnh điểm kể trên, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xác minh, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông, đồng thời sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý, điều hành khu bảo tồn. Từ đây, đơn vị này đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp mới, mang tính đột phá cao nhằm kịp thời ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng trên địa bàn.
Đáng chú ý, công tác chọn lựa các lực lượng trực gác, trực tiếp tuần tra, bảo vệ rừng được chú trọng đặc biệt. Bên cạnh các địa điểm, vị trí xây dựng bốt gác được khảo sát, lựa chọn kỹ càng, các kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng, đẩy đuổi “lâm tặc” ra khỏi rừng cũng được xây dựng rất chi tiết, thực hiện bài bản và đảm bảo bí mật trong suốt thời gian trước và trong thi hành nhiệm vụ.
Ban quản lý Khu BTTN Đakrông còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngay trong đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị và cho toàn thể người dân trên địa bàn, đặc biệt người dân sinh sống tại các vùng đệm của khu bảo tồn.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Ban quản lý Khu BTTN Đakrông đã tổ chức trên 40 đợt tuyên truyền lưu động ở các xã vùng đệm; trực tiếp tuyên truyền qua tổ nhóm và họp thôn 78 đợt; phát 1.500 tờ rơi, áp phích tuyên truyền cho người dân ở đây và 1.500 ấn phẩm tuyên truyền cho học sinh các trường học ở Đakrông. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục bố trí 7 viên chức tăng cường phụ trách địa bàn thuộc 7 xã vùng đệm nhằm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng.
Ông Hồ Văn Tuân, Trưởng thôn La Tó, xã Húc Nghì (Đakrông) cho hay, quá trình được cán bộ chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, người dân ở đây hiểu rõ những việc không được phép làm, hiểu hơn về sự quan trọng của rừng đối với môi sinh, môi trường và cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài của bà con.
Bên cạnh việc nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng các bốt gác và trực tiếp vào rừng tuần tra kiểm soát, bà con còn thường xuyên chủ động nghe ngóng, nắm bắt các thông tin từ bên ngoài về hành vi, dấu hiệu phá rừng để kịp thời báo cáo, phối hợp lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý hiệu quả và triệt để.