Đuối nước gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới.
Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình. Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Chỉ trong 1 tháng hè năm nay, đã có gần 100 ca đuối nước tử vong.
Vài phút lơ là, suýt mất con
Từ đầu hè đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho 10 trẻ bị đuối nước, trong đó có trẻ bị tổn thương phổi nặng, bị suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí có trẻ đã tử vong.
Đang điều trị tại Khoa là bé trai V.A (12 tuổi, ở Hải Dương) trong tình trạng rất nặng. Dù điều trị tích cực nhiều ngày nay, song bé vẫn hôn mê. Chiều 23/7, bé bị rơi xuống nước khi đang chơi ở ao nuôi cá. Khi được cứu lên bờ, bé đã trong tình trạng tím tái, được bệnh viện tuyến dưới đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực cho trẻ như thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, lọc máu, tiêm kháng sinh và điều trị chống phù não. Tuy nhiên, tiên lượng của cháu bé vẫn rất nặng.
Tại Khoa đang điều trị cho bé N.B (Hà Nội) bị đuối nước khi đang đi chơi cùng gia đình thì bị trượt chân ngã xuống bể bơi. Chỉ sau vài phút không thấy con, gia đình tá hoả đi tìm thì thấy trẻ đang nằm úp mặt xuống đáy bể. Cháu bé được đưa lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, tím tái. Rất may mắn, sau gần 1 tuần được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe của bé N.B đã dần ổn định và chuẩn bị được ra viện.
Đây là những trường hợp được phát hiện và đưa đi cấp cứu, còn rất nhiều trẻ đuối nước đã tử vong. Theo ông Lê Hải Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương thông tin tại Lễ ký Kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 vào ngày 25/7, thống kê sơ bộ của Trung ương Đoàn từ tháng 1 đến tháng 5/2022 có 100 vụ đuối nước và 142 em tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong dịp hè từ tháng 5 đến gần hết tháng 6, số trẻ em tử vong do đuối nước bằng với số trẻ tử vong trong 5 tháng đầu năm. Nguyên nhân là phụ huynh và người chăm sóc trẻ lơ là, chưa sát sao trong giám sát, chưa nâng cao nhận thức về kỹ năng bơi an toàn, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi.
Dạy bơi, dạy cả kỹ năng bơi cứu đuối cho trẻ
Chúng ta đang phải chứng kiến hàng trăm ca tử vong do đuối nước thương tâm xảy ra mỗi năm. Nhiều gia đình mất con chỉ trong chớp mắt, thậm chí có gia đình cả 3 anh em ruột đều tử vong vì đuối nước. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều giải pháp về phòng, chống đuối nước được đưa ra, trong đó là dạy kỹ năng bơi cho trẻ, đẩy mạnh truyền thông đến người dân…Song, đuối nước vẫn là 1 trong 10 tai nạn thương tích gây tử vong hàng đầu ở trẻ em Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Bộ Công an, trong 5 năm qua, số vụ tai nạn đuối nước chiếm tỉ lệ lớn chỉ sau sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ. Nhưng số người thiệt mạng do đuối nước lớn hơn rất nhiều 8 loại hình sự cố tai nạn.
Để phòng chống đuối nước ở trẻ em, Bộ Công an đã đề ra một số giải pháp như truyền thông, khuyến khích các hộ gia đình dạy bơi cho trẻ em; chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã rà soát, đề xuất, kiến nghị địa phương cảnh báo nguy hiểm tại sông, hồ, ao, hố sâu tại các công trình, công trường…
Hiệu quả của công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước trẻ em đã có chuyển biến, giúp các bậc phụ huynh nhận thức rõ hơn nguy cơ đuối nước để có biện pháp phòng tránh cho con. Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, từ 3.300 trẻ (năm 2010) xuống còn 1.990 trẻ (năm 2021). Trung bình giảm từ 3-5%/năm, tương đương khoảng 100 trẻ/năm.
Tại Hà Nội, một số trường học đã xây bể bơi, nhưng một số nơi còn cho bơi dịch vụ. Vì bơi lội chưa trở thành môn học chính khoá, nên hè đến, nhiều gia đình cho con đi học bơi. Theo BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, không chỉ dạy trẻ biết bơi, mà phải dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng. Nghĩa là trẻ biết bơi thôi chưa đủ, đừng nghĩ rằng trẻ bơi được 25m thì mới là biết bơi, phải dạy trẻ các kỹ năng, các tình huống đuối nước có thể xảy ra và biết cách bơi tự cứu với các phương pháp rất đơn giản.
Còn theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nếu cấp cứu tại chỗ đúng cách, thì sẽ quyết định sự sống của trẻ. Bởi phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.
“Các phụ huynh chú ý khi cho trẻ đến các bể bơi cần giám sát trẻ cẩn thận, đặc biệt ở các bể bơi hiện nay thiết kế có các độ sâu khác nhau, khi tắm trẻ mải nghịch sẽ bị hụt chân vào khu vực nước sâu gây đuối nước. Không để trẻ đi bơi một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm để giám sát trẻ”, BS Tuấn khuyến cáo.