Hàng ngàn hộ dân ở miền núi Quảng Trị sống trong vùng sạt lở
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, hiện địa phương có gần 30 xã, thị trấn với hơn 1.400 hộ dân sống trong vùng bị sạt lở và nguy cơ xảy ra sạt lở cao, trong đó tập trung chủ yếu ở miền núi. Do khó khăn về nguồn kinh phí, đến nay địa phương vẫn chưa thể di dời, tái định cư (TĐC) được cho những hộ dân này.
Thôn Miệt cũ, xã Hướng Linh, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) hiện có 86 hộ dân sinh sống, với nhà cửa nằm rải rác bên mép bờ hồ Công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán và dưới những chân núi cao.
Vợ chồng ông Hồ Văn De, bà Hồ Thị Buôi ở đây cho biết, họ trở lại thôn cũ đã gần 3 năm nay nhưng chưa thể an cư, bởi cứ vào mùa mưa lũ là nơm nớp nỗi lo sụt lún, sạt lở đất, đá mép bờ hồ và sườn núi. "Hễ nghe mưa lớn là cả nhà không ngủ. Riêng tôi, cứ một lúc lại cầm đèn pin đi quan sát một vòng khu vực quanh nhà", ông De chia sẻ.
"Chúng tôi không có đất để dựng nhà nên về lại đây, chứ chỗ này không an toàn, mới trải qua 2 mùa mưa mà nhiều nhà đã bị sạt lở", vợ chồng ông Hồ Văn Hiền, bà Hồ Thị Bun ở cạnh gia đình trên nói xen vào.
Ông Hồ Văn Thưng, Trưởng thôn Miệt cũ cho hay, năm 2003, Công trình thủy lợi, thủy điện Rào Quán được tiến hành xây dựng. Phạm vi ảnh hưởng phải di dời, TĐC dân bao gồm các xã Hướng Tân, Hướng Linh và Hướng Sơn (Hướng Hóa). Trong đó, người dân thôn Miệt cũ được di dời, TĐC tại khu vực Hoong Coóc - Hướng Linh, cách xa nơi ở cũ hàng chục cây số.
Do không thích nghi được với nơi ở mới vì thời tiết quá khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, gió thổi mạnh quanh năm, nhiều hộ dân đã sớm rời nơi ở mới này và tự tìm đến TĐC ở khu vực núi Cu Vơ thuộc xã Hướng Linh.
Song, năm 2021, một loạt dự án điện gió được tiến hành xây dựng ở đây, trong khi những phần đất bà con làm nhà ở đều thuộc đất nông, lâm nghiệp và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất xây dựng dự án trên, bà con ở đây được đền bù chỉ hạng mục nhà ở và hỗ trợ một phần nhỏ sinh kế, với mức bình quân 300 triệu đồng/hộ bị ảnh hưởng.
"Vậy là sau gần 20 năm rời làng đi TĐC, năm 2021, bà con lại phải lần nữa rời làng trở về nơi ở đầu tiên. Tuy nhiên, địa hình, diện tích đất nơi đây không còn như trước, phần lớn nhà cửa của bà con đều phải xây dựng ở những mô đất nhô ra của mép bờ hồ và nằm dưới những chân núi cao. Mới trải qua 2 mùa mưa lũ, ở đây đã có ít nhất 5 hộ dân ở bị sụt lún, sạt lở nặng, số còn lại đều nằm trong khu vực nguy hiểm", ông Thưng trầm ngâm cho biết.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa chia sẻ đầy lo lắng, huyện miền núi Hướng Hóa có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối, dốc theo 2 sườn Đông và Tây Trường Sơn. Lượng mưa hằng năm ở đây rất lớn, khoảng 2.000mm. Do các yếu tố này khiến các dãy núi dễ bị đứt gãy, gây ra sạt lở.
Hiện Hướng Hóa có gần 50 điểm bị sạt lở và nguy cơ xảy ra sạt lở cao, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của trên 2.600 người. Trong đó, các điểm bị sạt lở nặng tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Húc, Hướng Tân, Hướng Việt và Ba Tầng.
Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT chủ động các phương án phòng ngừa đối với các tình huống rủi ro thiên tai có thể xảy ra, nhất là sạt lở đất, đá. Hiện, tại hầu hết các tuyến xung yếu, sạt lở đất, đá trên địa bàn đã được các đơn vị chức năng lắp đặt các biển cảnh báo thiên tai. Một số xã như Hướng Lập, Thanh, Ba Tầng còn được lắp đặt camera giám sát thiên tai.
"Người dân vùng cao phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, kiến thức phòng, chống thiên tai còn hạn chế, khi xảy ra sạt lở đất sẽ gây thiệt hại khó lường. Do vậy, việc chủ động phòng ngừa từ trước đối với các tình huống rủi ro thiên tai là ưu tiên hàng đầu", ông Thuận chia sẻ thêm.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho hay, ngoài những điểm sụt lún, sạt lở đất, đá kể trên, địa phương vừa rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro cao sạt lở đất, đá và 27 khu vực rủi ro, phần lớn nằm ở các khu có dân cư, tập trung ở các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
Các vị trí thường xuyên bị sụt lún, sạt lở đất, đá này gồm khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập (Hướng Hóa) và tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua xã Húc Nghì (Đakrông)…
"Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về nguồn kinh phí cũng như quỹ đất, đến nay chính quyền và các ban, ngành, đơn vị chức năng địa phương vẫn chưa thể di dời, TĐC an toàn hết cho những hộ dân bị ảnh hưởng và sống trong vùng bị ảnh hưởng", ông Hòe nói.