Huy động 15 máy bay, 160 xe đặc chủng sẵn sàng ứng phó bão số 5
Để ứng phó với bão số 5, hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt đã sẵn sàng huy động 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng cùng ứng phó.
Sẵn sàng lực lượng hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại những vùng ngập lụt
Chiều 11/9, báo cáo tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn đảm bảo kế hoạch sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ, hơn 3.000 phương tiện, đặc biệt đã sẵn sàng 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng… để ứng phó với cơn bão này.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hải quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị tàu và máy bay để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn trên biển khi có tình huống; đã chỉ đạo các quân khu, quân đoàn phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là dân quân tự vệ làm nòng cốt ở địa phương để tham gia hỗ trợ, sơ tán nhân dân tại nơi chia cắt, ngập lụt do hoàn lưu sau bão, thực hiện nghiêm quy định về dịch COVID-19.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Mai Văn Khiêm thông tin, đến chiều 12/9, bão số 5 cách bờ khoảng 130-140km, tốc độ di chuyển khá chậm, cường độ hiện tại khoảng cấp 9. Dự báo, trong 6-12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng suy yếu dần đến khoảng cấp 8.
Hiện tại khu vực đảo Lý Sơn đã có gió mạnh. Đặc biệt trên khu vực đất liền, tại khu vực Đà Nẵng quan trắc đo đạc cho thấy đến thời điểm này đã có gió giật cấp 5-6.
Hạn chế tối đa di dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Đại diện các địa phương nằm trong vùng dự kiến chịu ảnh hưởng của bão số 5, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương này đã lên kế hoạch sơ tán dân an toàn, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão số 5.
Toàn bộ tàu thuyền đã vào bờ an toàn, riêng 54 phương tiện đang neo đậu tại cảng cá Thuận An đã được bố trí để đảm bảo an toàn. Địa phương đã thu hoạch trên 97% diện tích vụ hè thu; dự trữ lương thực thực phẩm được 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo. Các huyện, thị xã đã rà soát di dời khoảng 64 ngàn người ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cũng cho biết, địa phương đã sẵn sàng nhân lực, phương tiện để ứng phó với bão và hoàn lưu của bão.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, đến 18 giờ hôm nay, tỉnh sẽ cố gắng di tản 95.000 người dân, trong đó có 85.000 người dân ở sáu huyện thị, thành phố ven biển và gần 10.000 hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Theo ông Bửu, sáng nay đã phát sinh 11 ca F0 tại thị xã Điện Bàn, ở đó có khu công nghiệp tập trung 25.000 công nhân, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
"Ngay sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải áp dụng Chỉ thị 16+ tại thị xã Điện Bàn. Với tình hình mưa bão như hiện nay, việc áp dụng Chỉ thị 16+ rất khó khăn cho công tác triển khai ứng phó phòng chống thiên tai và phòng chống dịch", ông Bửu nói.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo ý kiến từ cơ quan dự báo thì từ tối nay, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền và dự kiến đổ bộ vào sáng mai.
Theo dự báo gió ở cấp 8, không phải quá lớn, nhưng lo ngại nhất là bão đi chậm nên thời gian mưa sẽ dài. Bên cạnh đó, đêm nay triều cường dâng khá lớn, kết hợp với mưa lớn khi bão đổ bộ sẽ gây nguy cơ cao ngập lụt diện rộng.