Ì ạch giải ngân gói 6.600 tỷ hỗ trợ người lao động thuê trọ

08:50 14/08/2022

Mặc dù ngày 15/8 tới đây là thời hạn cuối cùng nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều địa phương tỷ lệ hồ sơ được phê duyệt và giải ngân cho người lao động vẫn đang rất thấp.

Thậm chí có những địa phương đến thời điểm này chưa có bất kỳ người lao động nào được giải ngân gói hỗ trợ thuê trọ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

“Tôi yêu cầu các địa phương đến ngày 30/8 phải cơ bản hoàn thành chính sách này. Đồng thời, được sự ủy quyền và thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi nhắc nhở, phê bình nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp đến thời điểm này”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung bức xúc cho hay tại Hội nghị giao ban đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động với 61 địa phương (Lai Châu và Điện Biên không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ) vừa được tổ chức.

Các địa phương phải hoàn thành giải ngân gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động thuê trọ trước ngày 30/8.

Tỷ lệ giải ngân rất thấp

Do đã ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt hồ sơ, theo con số của Bộ LĐ-TB&XH đến hết ngày 11/8, số hồ sơ UBND huyện đã tiếp nhận được 61.084 doanh nghiệp với 3.023.050 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.130 tỷ đồng (tương đương với 32,8% so với số kinh phí dự kiến của địa phương). Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ: 32.106 doanh nghiệp, 2.070.377 lao động với kinh phí gần 1.314,5 tỷ đồng (tương đương với 61,7 % so với số kinh phí đề nghị). Số hồ sơ đã được giải ngân: 17.627 doanh nghiệp với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (chỉ đạt 12,14% so với dự kiến).

Tính đến thời điểm hiện tại có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là: Đồng Nai đã giải ngân 211 tỷ đồng (đạt 29,3%); Bình Dương đã giải ngân 85 tỷ đồng (đạt 6,16%); TP Hồ Chí Minh đã giải ngân 139,15 tỷ đồng (đạt 7,83%); Hà Nội đã giải ngân 95,61 tỷ đồng (đạt 24,79%); Bắc Giang đã giải ngân 54,4 tỷ đồng (đạt 39,42%).

Bên cạnh những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao này thì còn hàng loạt địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đơn cử như: An Giang kinh phí phê duyệt là 342 nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 0,36%; Bình Định kinh phí phê duyệt là 319,5 tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ giải ngân 0,47%; hay như Nghệ An kinh phí phê duyệt là 369 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân cũng chỉ mới có 0,95%... Theo Bộ LĐ-TB&XH còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam... Đặc biệt là các tỉnh như: An Giang, Bắc Ninh còn là các địa phương có số lao động và kinh phí dự kiến rất cao. Đối với Hải Phòng tính đến 19h tối 11/8 thì tỉ lệ giải ngân có 0,4% nhưng tiến hành cập nhật vào lúc 01h15 ngày 12/8 tỉ lệ đã được nâng lên song cũng mới chỉ giải ngân được 2,78%. Đặc biệt tính đến hết ngày 12/8, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.

Không thể vô cảm, sợ trách nhiệm

Các địa phương không “đẻ” thêm thủ tục, đó là yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH với các địa phương trong triển khai chính sách. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng doanh nghiệp và lao động. Tính đến ngày 12/8, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 870 nghìn hồ sơ với số tiền khoảng 477 tỉ đồng (chiếm 26,88% tổng dự toán kinh phí) nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động với số tiền trên 144 tỉ đồng (đạt 8,13% tổng dự toán kinh phí). Việc phê duyệt hồ sơ của quận, huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót.

“Thành phố có xấp xỉ 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỉ đồng, tức là chiếm 1/3 cả số lượng đối tượng và tiền giải ngân của gói 6.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, danh sách đã được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận, số tài khoản ngân hàng của người lao động cũng đã có, tại sao lại không giải ngân được? Có thể nói, chưa bao giờ thủ tục, quy định giản đơn như hiện nay, chỉ cần có xác nhận của chủ nhà, người lao động chuyển cho bảo hiểm xã hội xác nhận và chi tiền. Vậy vấn đề là do khâu tổ chức thực hiện?

Qua báo cáo của đoàn công tác thuộc Bộ vào kiểm tra vừa qua, tôi thấy, TP Hồ Chí Minh cần xem lại cách làm thời gian vừa qua của mình, vì hình như thành phố đang "đẻ" ra rất nhiều thủ tục khác nhau. Nếu cứ "đẻ" ra thêm thủ tục xác nhận như giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng… thì làm sao làm nhanh được.

Đồng thời tôi cũng yêu cầu các địa phương không được “đẻ” thêm các thủ tục khác, chẳng hạn như có địa phương lại đưa danh sách lao động được hỗ trợ này lên để Hội đồng nhân dân thông qua. Như thế là trái quy định. Chính phủ đã quy định rõ, hồ sơ đạt yêu cầu thì 2 ngày sau phải phê duyệt, phê duyệt xong thì 2 ngày sau phải giải ngân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.   

“Tiền có sẵn, đồng thời cũng đã phân bổ về các địa phương, tại sao địa phương không giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động?”, đây là câu hỏi của người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội với các địa phương khi tỷ lệ giải ngân quá thấp.

Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà là quyết định nhân văn, nhân ái, cần thiết với tổng số tiền lên đến 6.600 tỷ. Người lao động rất chờ đợi nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà này nhưng tiến độ giải ngân gói chính sách này rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động. Việc này ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động. Người lao động đang gặp phải khó khăn chồng chất chưa kể con cái, học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước... Hơn bao giờ hết, vấn đề đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là hết sức cần thiết. Đây vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận của các ban, bộ, ngành liên quan.

Phan Hoạt

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文