Kết quả khả quan từ đợt “di dân lịch sử” khỏi khu vực Kinh thành Huế
Sau hơn 3 năm tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân được chuyển đến các khu tái định cư (TĐC) xây dựng trên địa bàn TP Huế. Được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, người dân thuộc diện di dời đã xây dựng nhà cửa và dần ổn định cuộc sống.
Đang phục vụ cà phê sáng cho một số công nhân thi công công trình nhà ở, bà Nguyễn Thị Mai, 63 tuổi, ngụ khu TĐC Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế) vẫn dành thời gian để chia sẻ với PV Báo CAND về “cuộc di dân lịch sử”.
Bà Mai kể, trước đây vợ chồng bà sống ở căn nhà tạm chưa đầy 40m2 trên di tích Thượng Thành thuộc phường Thuận Lộc, TP Huế. Do Thượng Thành thuộc khu vực 1 bảo vệ di tích Kinh thành Huế, theo Luật Di sản, nơi này cấm người dân xây dựng, cơi nới và phải giữ nguyên hiện trạng nên cuộc sống của gia đình bà Mai luôn chật vật, khốn khó, nhất là sau khi các con lập gia đình.
Năm 2019, khi tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện dự án di dời dân khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thì gia đình bà Mai nằm trong diện giải tỏa và sau đó được di dời đến khu TĐC Hương Sơ này. Tại đây, vợ chồng bà được cấp lô đất có diện tích 60m2 và được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà cửa. “Sau hơn 30 năm sống tạm trên di tích Thượng Thành, giờ gia đình tôi mới có được ngôi nhà kiên cố, khang trang tại nơi ở mới. Tất cả cũng nhờ vào chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”, bà Mai trải lòng.
Sau thời gian được đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đến nay khu TĐC Hương Sơ và An Hòa, TP Huế rộng 73ha với nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng đều có đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Các khu TĐC được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ, đường sá giao thông thuận lợi, có công viên, hai bên đường được trồng nhiều cây xanh làm bóng mát để phục vụ gần 2.000 hộ dân ở trên di tích Thượng Thành và Eo Bầu chuyển về sinh sống. Ngoài những căn nhà khang trang mọc lên trên những lô đất rộng 60-100m2 được cấp cho người dân, TP Huế còn đầu tư xây dựng ngôi trường mầm non khang trang tại khu TĐC Hương Sơ với kinh phí nhiều tỷ đồng làm nơi học tập cho con em của các hộ dân thuộc diện TĐC.
“Cuộc sống của người dân sau khi di dời khỏi Kinh thành Huế nay đã sang một trang mới khởi sắc hơn. Tại nơi ở mới, nhờ lực lượng Công an TP Huế và Công an phường thường xuyên tổ chức tuần tra, tuyên truyền pháp luật cho người dân nên tình hình ANTT luôn được đảm bảo, giúp bà con nhân dân yên tâm lao động, sản xuất”, ông Trần Văn Cẩm, người dân ở khu TĐC Hương Sơ bày tỏ.
Sau khi người dân di dời khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế chuyển đến nơi ở mới, trong hơn một tháng qua, chính quyền TP Huế đã huy động nhân lực, máy móc, phương tiện để thực hiện chỉnh trang khu vực Thượng Thành và Eo Bầu thuộc địa bàn các phường Thuận Lộc, Thuận Hòa, Đông Ba, TP Huế. Lực lượng chức năng đã phá dỡ hàng trăm ngôi nhà tạm trên di tích và thu dọn rác thải, phát dọn cỏ dại. Nhờ vậy nên hiện khu vực Thượng Thành, Eo Bầu trở nên thoáng đãng, sạch đẹp.
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, theo kế hoạch, sau khi di tích Thượng Thành và Eo Bầu được chỉnh trang, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế sẽ bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý để bảo tồn, tôn tạo và phát triển du lịch.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 1 (2019-2023), địa phương đã triển khai cơ bản việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm 11 khu vực với khoảng hơn 5.000 hộ dân ở Thượng Thành, các Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ, Trấn Bình Đài, hồ Tịnh Tâm, đàn Xã Tắc, các tuyến đường tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công. Tỉnh hoàn thành xây dựng 10 khu TĐC với tổng diện tích gần 83ha để bố trí, sắp xếp chỗ ở mới cho các hộ dân phải di dời theo quy định và đang triển khai công tác dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng các điểm di tích trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993 và tỉnh vinh dự đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo các di tích đặc biệt quan trọng thuộc Quần thể di tích này. Do đó, việc tiếp tục thực hiện dự án giai đoạn 2 để di dời các hộ dân còn lại trong khu vực Kinh thành Huế và các khu vực di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài hệ thống Kinh thành là cần thiết nhằm sớm quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Quần thể di tích Cố đô Huế.
Liên quan đến dự án di dời dân khỏi khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, ngày 21/8 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 13 và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế”. Theo đó, từ năm 2023-2025 (giai đoạn 2, điều chỉnh mở rộng), tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiệndi dời dân cư, giải phóng mặt bằng đối với khoảng 1.287 hộ dân (489 hộ chính và 798 hộ phụ) ở 19 khu vực di tích, gồm Hổ Quyền, Voi Ré, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Võ Miếu, đàn Nam Giao, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định, lăng Gia Long, lăng Trường Cơ, lăng Cơ Thánh, điện Hòn Chén, Trấn Hải Thành, lăng Vạn Vạn, đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám. Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 664 tỷ đồng. Dự kiến khu vực TĐC để bố trí cho các hộ dân ở trên là hơn 9ha ở phía Bắc Hương Sơ, TP Huế với tổng mức đầu tư gần 163 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC giai đoạn 2 dự kiến từ ngân sách Trung ương là chính, còn lại từ ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.