Khắc phục sạt lở cống Tam Sóc ở Sóc Trăng

08:27 15/04/2024

Mới đây, cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đã xảy ra vụ sạt lở đường dẫn lên cống dài 2m, chiều ngang mặt lộ 6m. Đây là lần thứ 2 cống này bị sạt lở trong 2 tháng.

Cống Tam Sóc là một trong những công trình thủy lợi chủ lực của huyện Mỹ Tú, được Trung ương đầu tư, đưa vào sử dụng năm 1997. Cống có nhiệm vụ ngăn mặn, triều cường, phục vụ cho 11.400ha đất nông nghiệp, bảo vệ dân sinh cho người dân 4 xã: Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương và Phú Mỹ.

Đơn vị thi công khắc phục vụ sạt lở ở cống Tam Sóc.

Sau hơn 27 năm đưa vào sử dụng, cống Tam Sóc đã xuống cấp, mái tiêu năng bị sạt lở. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa, lưu thông của người dân. Trước đó, từ 10 - 14/2, triều cường dâng cao cũng gây sạt lở đê sông Nhu Gia và khu vực cống Tam Sóc; phía mang cống bị sạt lở 6m, không đảm bảo công tác ngăn mặn, triều cường phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn.

Trước tình trạng sạt lở tại cống Tam Sóc, ngày 26/2, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm đê sông Nhu Gia, khu vực cống Tam Sóc (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng).

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở; thực hiện ngay giải pháp đắp đập tạm (vị trí phù hợp) trên kênh Tam Sóc không để nước mặn, triều cường gây thiệt hại đến sản xuất và dân sinh trong khu vực cống Tam Sóc; vận hành phù hợp các cống lân cận để không làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện Mỹ Tú đã chỉ đạo phòng chuyên môn cắm biển cảnh báo sạt lở, cấm xe có tải trọng trên 2 tấn qua lại cầu giao thông trên cống Tam Sóc; UBND 4 xã: Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương và Phú Mỹ thông báo khẩn cấp trên các phương tiện truyền thông để người dân khu vực bị ảnh hưởng trong cống Tam Sóc biết tình trạng sạt lở khu vực cống, có giải pháp chuẩn bị kê cao đồ đạc, vật dụng và kiểm tra mặn trước khi lấy nước vào ruộng.

Sau khi xảy ra sự cố, Sở NN&PTNT hỗ trợ địa phương thi công đắp đập tạm, tuy nhiên tiến độ thi công vẫn còn chậm, đến ngày 14/4 chưa hoàn thành. Một công nhân đang thực hiện công trình gia cố cho biết: “Để khắc phục, chúng tôi phải đắp một con đập chắn ngang phía dưới cống Tam Sóc để ngăn nước, sau đó bơm hút hết nước, bùn ở khu vực cống rồi mới gia cố. Thời gian chắc cũng cả tháng”.

Hiện ngành chức năng vận hành các cống lân cận để đảm bảo sản xuất cho bà con; phối hợp với UBND các xã Mỹ Thuận, Thuận Hưng, Mỹ Hương và Phú Mỹ vận động nhân dân gia cố tạm thời các cống, bọng nhỏ, bờ bao đất sản xuất của gia đình nhằm giảm ảnh hưởng trong thời gian chờ sửa chữa.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú cho biết, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ địa phương thực hiện đắp tạm vị trí phù hợp trên kênh Tam Sóc. Đồng thời, triển khai các giải pháp vận hành các cống lân cận, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian chờ xử lý sạt lở.

V.Đức - C.Xuân

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文