Không chấp nhận mọi hình thức bạo hành trẻ em
Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ em có tính chất nghiêm trọng xảy ra, gây phẫn nộ, bàng hoàng trong dư luận. Điển hình như vụ bố và “người tình” bạo hành cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh khiến bé tử vong; vụ cháu bé bị đóng đinh vào đầu ở Thạch Thất, Hà Nội, hay mới nhất là vụ cháu bé hơn 3 tuổi bị siết cổ, cho vào tủ bảo ôn vừa xảy ra ở Hà Nam. Tại sao bạo hành trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra khi xã hội đang ngày càng văn minh, tiến bộ? Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ những đứa trẻ?
Xung quanh câu chuyện này, Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), người đã có gần 20 năm kinh nghiệm vận động cho quyền của các nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán.
PV: Gần đây liên tiếp xảy những vụ bạo hành trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả đau lòng, có những hành vi phạm tội thật “không thể tưởng tượng được”. Bà suy nghĩ thế nào về những hành vi đó, những vụ việc đó?
Bà Nguyễn Vân Anh: Đúng là thời gian qua liên tiếp có những vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em, những tình huống mà bình thường chúng ta không hình dung ra được. Không ai nghĩ rằng những kiểu bạo lực như thế có thể xảy ra với con trẻ, kẻ gây án lại là những người thân quen, người trong gia đình hoặc người chăm nom, chăm sóc, hàng xóm.
Những tình huống như thế này người ta ít đề phòng. Điều đó cho thấy rằng, truyền thông về nhận thức và cách chúng ta bảo vệ trẻ em phải thay đổi. Chẳng hạn như vụ việc vừa xảy ra ở Hà Nam, người ông không thể nghĩ được rằng cháu mình lại bị chính người mà mình cho thuê nhà bạo hành. Rồi trường hợp em bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy, mẹ của em bé đó không bao giờ hình dung là con mình sống cùng bố đẻ, vốn yêu quý con rồi lại bị bạo hành dẫn đến hậu quả đau lòng như thế.
Rõ ràng, về mặt truyền thông phải tiến lên một mức khác. Bên cạnh đó cũng phải có những thay đổi về quy định giám sát. Chẳng hạn như trường hợp cha mẹ ly hôn, đứa trẻ sống với một bên có nhiều nguy cơ thì quyền giám sát của bố hoặc mẹ, các cơ quan liên quan có quyền kiểm tra tình trạng sức khỏe và tinh thần của đứa trẻ đó để đảm bảo đứa trẻ đó được sống trong một môi trường an toàn.
PV: Theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em, con số khiến ai cũng phải giật mình. Theo bà đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Con số 2.000 vụ bạo hành trẻ em trên cả nước mỗi năm theo thống kê chỉ là những vụ việc được phát hiện và được báo cáo. Thực tế chắc sẽ còn lớn hơn nhiều.Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là kiến thức về bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa đủ. Ở đây là từ mỗi cá nhân, cho đến mỗi gia đình, rồi chính bản thân trẻ em.
Qua rất nhiều vụ việc chúng ta thấy, tỷ lệ các vụ liên quan đến người quen nhiều hơn so với người lạ. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với tình trạng đó. Nguyên nhân tiếp theo nữa dẫn đến tình trạng này là do một số gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con em mình hoặc nhiều người còn quan niệm "yêu cho roi, cho vọt". Trong khi đó, không ít những người xung quanh lại có tâm lý "đèn nhà ai nhà nấy rạng", không quan tâm hoặc ngại lên tiếng can thiệp.
Ở góc độ khác thì còn cả nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý phải có trách nhiệm để chuyển đi các thông điệp, kiến thức bảo vệ trẻ em để cho từng cá nhân, gia đình trong xã hội. Cùng với đó cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xây dựng các chương trình trong hệ thống giáo dục để hướng dẫn trẻ em biết tự bảo vệ mình.
PV: Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, chỉ trong năm 2021, cơ quan này đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến, tiếp nhận 1.651 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài liên quan đến bạo hành trẻ em. Trong khi đó, vẫn còn có rất nhiều vụ việc khác được báo chí, truyền thông, mạng xã hội phản ánh hằng ngày. Bà có cho rằng việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành vẫn đang diễn biến phức tạp?
Bà Nguyễn Vân Anh: Tôi nghĩ theo hướng tích cực hơn một chút. Giờ đây mới có Tổng đài 111, rồi báo chí, truyền thông, mạng xã hội phát triển hơn nên chúng ta mới có nhiều thông tin hơn liên quan đến các vụ việc bạo hành trẻ em. Trước đây, có thể có những vụ bạo hành mang tính chất nghiêm trọng nhưng báo chí, mạng xã hội chưa phát triển nên chúng ta không có thông tin. Hiện trong xã hội phát triển thì khả năng phát hiện của chúng ta tốt hơn.
Khi nhìn thấy con số thì ai cũng hoảng sợ, nhìn thấy những vụ việc được đưa chi tiết trên truyền thông thì thấy kinh khủng nhưng có thể trước đây cũng như thế nhưng chưa có thông tin, báo cáo cụ thể. Giờ đây chúng ta có nhiều kênh để báo cáo hơn, có nhiều thông tin để các bậc làm cha làm mẹ đề phòng cho chính gia đình mình hơn. Mỗi một vụ việc nghiêm trọng được đưa lên truyền thông là mỗi lần các bậc làm cha làm mẹ phải giật mình, thức tỉnh, rút kinh nghiệm. Dù còn có một đứa trẻ bị bạo hành chúng ta cũng không chấp nhận. Các giải pháp là để không có một đứa trẻ nào bị rơi vào mối hiểm nguy bị bạo hành.
PV: Ở trên bà có đề cập đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta đã được nghe nhiều về việc có đến 17 cơ quan chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em và hệ thống được bao phủ đến tận thôn làng. Thế nhưng có ý kiến cho rằng, hệ thống này hoạt động chưa hiệu quả. Bà nghĩ thế nào?
Bà Nguyễn Vân Anh: Đúng là chúng ta làm trải dài, trải rộng nhưng vấn đề ở đây là không chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả thấp. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu…
Đã đến lúc những vấn đề như thế này phải được giao cho một tổ chức, hoặc các cơ quan chuyên nghiệp. Việc ra đời Tổng đài 111 là một sự tiến bộ lớn nhưng hệ thống 17 cơ quan có liên quan đến bảo vệ trẻ em hiện nay cần phải có sự điều chỉnh. Cần phải dồn về một mối, các mối khác chỉ là các địa chỉ an toàn và các cơ quan liên ngành thôi.
Cần phải có một đơn vị, tổ chức chuyên nghiệp đứng ra mới làm được. Có nghĩa là người trực tiếp làm phải có tính chuyên nghiệp, nếu không mọi thứ chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, mang tính giấy tờ. Tôi phải nhấn mạnh là trong hoạt động hỗ trợ người yếu thế nếu không có tính chuyên nghiệp thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất thấp.
Tuy nhiên như tôi đã nói, cốt lõi ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền đi thông điệp, cung cấp kiến thức về bảo vệ trẻ em cho toàn xã hội. Mỗi người đều phải được cung cấp kiến thức sau này mình sẽ nuôi dạy con cái thế nào, sau này nếu có ly hôn thì sẽ xử lý thế nào. Nếu mình phải chung sống với một người đã từng có quá khứ, từng có một hai đứa con thì mình sẽ phải cư xử như thế nào để bảo vệ được bản thân mình cũng như người khác. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải giải quyết.
PV: Theo bà, giải pháp toàn diện chúng ta cần hiện nay là gì?
Bà Nguyễn Vân Anh: Bên cạnh giáo dục, chúng ta cần phải tăng cường thêm các chính sách quản lý. Chẳng hạn như đối với những người trẻ phải đảm bảo đủ kiến thức mới được chăm sóc trẻ em. Bởi sau này họ sẽ kết hôn, sinh con, rồi sinh sống với những đứa trẻ, bắt buộc phải có đủ kiến thức về chăm sóc, bảo vệ trẻ. Trước khi người ta đến tuổi trưởng thành phải có kiến thức nuôi dạy và bảo vệ trẻ. Cái này tôi nghĩ là sẽ liên quan đến chính sách nhà nước.
Tiếp nữa là khi được chăm sóc, bảo hộ trẻ cũng phải có kiến thức nhất định. Chẳng hạn trẻ em mà sống trong những môi trường có nguy cơ như bố mẹ ly hôn, phải sống với bố dượng mẹ kế thì việc cam kết, kiểm soát của hệ thống chính quyền đối với những đứa trẻ như thế cũng phải được thực hiện thường xuyên. Từ đó mới tạo ra được sự an toàn cho những đưa trẻ. Hệ thống giáo dục trong nhà trường, trẻ em phải được học một cách cẩn thận về bảo vệ quyền của chính mình. Điều này rất quan trọng.
Đối với hành lang pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật chống xâm hại trẻ em; tăng cường giáo dục truyền thống gia đình, trách nhiệm các ông bố, bà mẹ cùng với nhà trường, xã hội bảo vệ trẻ em. Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung xử lý, giải quyết nghiêm minh, nhanh chóng nhất các vụ việc xảy ra với trẻ em.
Các địa phương thì cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ngoài biện pháp, giải pháp của cơ quan chức năng, công tác bảo vệ trẻ em khỏi các vụ bạo hành cũng đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực cao độ của chính gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!