Không để các hộ gia đình người dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất
Ngày 1/7, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương về tăng cường triển khai các giải pháp, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên theo dõi các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ và cơ quan Trung ương để kịp thời tham mưu dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương; nắm chắc danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; xác định nhu cầu, nội dung, đối tượng thụ hưởng để ưu tiên hỗ trợ từ nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn xuất hiện tình trạng mua, thu gom đất của người đồng bào dân tộc thiểu số. Sau đó, những người thu gom đất tiến hành san ủi, đào đắp để sử dụng đất vào mục đích khác, trái quy định. Điều này đã dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của bà con dân tộc thiểu số. Điển hình là vào đầu năm 2024, một số cá nhân đến huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum để thu gom mua đất, chuyển quyền sử dụng đất từ các hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối tháng 4/2024, những người này tự ý đưa máy móc vào san gạt mặt bằng, đào đắp đất trái phép trên diện tích đất nông nghiệp đã mua, sang nhượng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tại khu vực giáp ranh giữa thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) bị san ủi mặt bằng, bồi đắp trái phép với diện tích 6.699m2 (5.443m2 là đất nông nghiệp trồng cây hằng năm và lâu năm, 1.256m2 là đất trồng lúa), chiều cao bình quân là 1,5m với khối lượng đất đắp khoảng 1.884m3. Qua nắm bắt thông tin, chính quyền địa phương nhận định các cá nhân này đào đắp đất nông nghiệp để làm du lịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Đức Mỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho hay: Xã đã nắm được thông tin này và chỉ đạo cơ quan chuyên môn khi ký xác nhận các giấy tờ liên quan đến sang nhượng đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần kiểm tra kĩ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà con, tránh bị lừa chuyển nhượng dẫn đến không còn đất sản xuất. Đồng thời, rà soát cụ thể từng hộ đã bán đất là có còn đất sản xuất hay không để có phương án trong thời gian đến. “Đối với vụ việc san lấp đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn, do nằm ở địa bàn giáp ranh nên xã đã báo cáo, đề xuất huyện xử lý theo thẩm quyền”, ông Mỷ nói thêm.
Ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Hà thông tin: Huyện đang củng cố hồ sơ để xử phạt trường hợp sang lấp đất nông nghiệp trái phép tại khu vực giáp ranh xã Đăk Long và Đăk Pxi. Tinh thần là xử phạt xong thì người vi phạm phải trả lại hiện trạng ban đầu, không có việc xử phạt rồi để cho công trình vi phạm tiếp tục tồn tại.