Lan tỏa nghĩa cử hiến đất làm đường, xây trường trong đồng bào dân tộc thiểu số

08:36 11/09/2023

Việc nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên Huế) tự nguyện hiến đất để xây trường, xây đường giao thông và các công trình công cộng đã và đang lan tỏa tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa cử đáng trân trọng này đã góp phần giải quyết được chỗ học cho hàng ngàn trẻ em ở vùng sơn cước, giúp người dân có đường sá đi lại đảm bảo an toàn giao thông, góp phần cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…

Đến xã Trung Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), PV Báo CAND được nghe kể, thời gian qua, nhiều già làng và các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình của thôn, xã. Một trong những điển hình phải kể đến già làng Quỳnh Rêh (trú tại thôn A Đeeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn).

Nhiều tuyến đường liên thôn ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới được bê tông hóa sau khi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện hiến đất.

Từng là bộ đội chống Pháp và bộ đội Trường Sơn trước khi cấp trên phân công về địa phương làm xã đội trưởng (1973 - 1990). Khi về hưu, già làng Quỳnh Rêh hiểu tường tận địa bàn và nắm tình hình ANTT ở địa phương. Nơi nào xảy ra tranh chấp, già làng Quỳnh Rêh đều kịp thời can thiệp, hòa giải, không để xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt, từ khi đường Hồ Chí Minh đi qua xã hoàn thành, già Quỳnh Rêh bàn bạc với 3 người em ruột, tự nguyện hiến phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng gần 3m nối từ đường Hồ Chí Minh vào khu dân cư để bà con trong vùng đi lại thuận tiện nhất là mỗi khi lên nương rẫy mưu sinh. Ngoài ra, khi nghe tin trường mầm non trên địa bàn xuống cấp, hư hỏng, già làng Quỳnh Rêh không ngần ngại vận động con cháu cùng với mình hiến gần 1 ha đất trồng keo để xây trường.

Theo chính quyền địa phương, cũng nhờ già Quỳnh Rêh tiên phong hiến đất làm đường, xây trường học mà thời gian qua, địa phương đã huy động bà con nhân dân tự nguyện đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến tặng trên 5 ha đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, 100% hộ dân ở xã Trung Sơn đều có đường bê tông từ đường liên thôn vào tận nhà.

Để góp phần vào quá trình xây dựng mở rộng đường giao thông tuyến đường A Sáp đến đường Nguyễn Văn Hoạch (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, ông Hồ Văn Thiệp (SN 1943, trú thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) đã tự nguyện hiến hơn 424 m2 đất nông nghiệp để mở tuyến đường. Ông Thiệp vốn là một y sỹ quân đội về hưu. “Khi được chính quyền và các đoàn thể thị trấn vận động người dân hiến đất để mở đường giao thôn, vừa thuận tiện cho bà con trong tổ dân cư trong việc đi lại, vừa góp phần phát triển đô thị thì gia đình tôi đã đồng tình hưởng ứng, luôn chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tất cả vì lợi ích chung”, ông Thiệp chia sẻ.

Tại lễ khai giảng năm học mới vừa qua, hơn 200 trẻ em và nhiều cô giáo ở xã miền núi Hồng Kim, huyện A Lưới hân hoan bước vào năm học mới trong ngôi Trường mầm non Sơn Ca vừa được hoàn thiện trên vùng đất có diện tích hơn 6.000m2. Trước đó, trường cũ được xây dựng từ năm 1985 trên vùng đất 1.800m2 đã xuống cấp sau một thời gian đưa vào sử dụng. Ngày mưa gió, việc di chuyển, học tập, vui chơi của trẻ em rất nguy hiểm. Sau đó, dự án nâng cấp mở rộng trường được phê duyệt là điều kiện xây dựng trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Sau nhiều phiên họp, có 12 hộ dân ở thôn A Tia 2 và Đút 1 (xã Hồng Kim) đã tự nguyện hiến đất phục vụ dự án mở rộng Trường Mầm non Sơn Ca. Có hộ hiến một phần đất, có hộ hiến tài sản trên đất, hộ khác thì hiến đất sản xuất…

Bà Kăn Đò là một trong 12 hộ dân hiến đất trồng lúa phục vụ mở rộng trường. Với diện tích đất trồng lúa mà bà hiến tặng, trước đây cho thu hoạch hơn 6 tạ lúa/năm. Điều đáng quý, trước đó, bà Kăn Đò cũng đã hiến đất mở đường vào ruộng. “Gia đình mình là gia đình có công với cách mạng, cả thanh xuân đóng góp, hy sinh không lẽ hẹp hòi thửa đất. Trường trong bản bây chừ đẹp lắm. Trong nhà còn có đứa cháu nội đang học ở đó. Nhìn các cháu mỗi ngày đi học vui vẻ, cười nói rộn ràng, lòng tôi thấy vui”, bà Kăn Đò thổ lộ.

Gần đây, người dân đi qua tuyến đường Khe Bùn, xã Hồng Kim luôn an tâm khi đường rộng thênh thang, nỗi lo tai nạn giao thông đã chấm dứt khiến nhiều người dân phấn khởi. Dự án xây dựng, nâng cấp đường Khe Bùn có gần 50 hộ hiến đất tự nguyện với tổng diện tích gần 3.200m2, trong đó có nhiều hộ hiến một phần diện tích trồng lúa. Gia đình anh Hồ Văn Trai và chị Hồ Thị Thuyền bị ảnh hưởng cả phần hàng rào, mái hiên dài khoảng 15m. Ngay cả gian hàng bán quán của chị Thuyền cũng phải dời sang bên cạnh phục vụ thi công. Chị phải vay ngân hàng 15 triệu đồng để xây dựng quán mới khang trang sạch đẹp. Gia đình anh Trai chị Thuyền là hộ đầu tiên ký vào văn bản hiến đất mở đường.

Nhiều tuyến đường liên thôn ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới được bê tông hoá sau khi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện hiến đất.

Tương tự, tại huyện miền núi Nam Đông, trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư hàng trăm tuyến đường dân sinh, đường vào sản xuất và nhiều công trình công cộng. Để các công trình sớm triển khai, thuận lợi đã không ít người dân trên địa bàn huyện miền núi tham gia hiến đất, tài sản trên đất. Trong đó, có nhiều gia đình mặc dù còn khó khăn nhưng vẫn tình nguyện hiến hàng trăm cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và nhiều tài sản trên đất có giá trị. Bà Nguyễn Thị Thảo (trú thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) chia sẻ, mặc dù gia đình chẳng khá giả gì, nhưng khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương gia đình bà sẵn sàng hiến đất, hiến cây làm công trình công cộng. “Tôi rất mừng vì quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng phát triển”, bà Thảo bộc bạch.

Hay anh Hồ Văn Thọ - một hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông đã 2 lần tình nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất để huyện, xã xây dựng các tuyến đường nông thôn. Điều đáng quý, trong số diện tích đất anh Thọ hiến, có đến một nửa diện tích đang trồng các loại cây cho thu hoạch cao như: cau, chuối, dứa, tre lấy măng…; thế nhưng, anh Thọ cùng các thành viên trong gia đình đã sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình.

Chưa dừng lại ở đó, gia đình anh Thọ còn vận động thêm nhiều hộ khác trong thôn cùng hiến đất, hiến cây trồng để nhanh chóng giải phóng mặt bằng làm đường giao thông liên thôn. Một cán bộ xã Thượng Nhật cho biết, với những đóng góp thiết thực trên, anh Hồ Văn Thọ từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích đóng góp xây dựng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hải Lan

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文