Liên tiếp trẻ đuối nước ở bể bơi: Đừng đánh mất “thời gian vàng” cứu trẻ
Nắng nóng kéo dài khiến các bể bơi luôn quá tải. Tuy mới bước vào hè, song đã có nhiều vụ trẻ bị đuối nước ở bể bơi và ao hồ quanh nhà. Chỉ trong 6 ngày (từ 30/5– 4/6), Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ.
Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Chỉ một chút sơ sểnh mà nhiều em bé đã suýt phải trả giá bằng tính mạng.
Suýt mất con vì sơ sểnh ở bể bơi
10 ngày sống trong lo lắng, tuyệt vọng trôi qua, giờ thấy con có thể ngồi chơi, nói chuyện, anh N.V.H (Hà Nội) vui mừng khôn xiết. Con trai anh H là cháu C.T (6 tuổi) bị đuối nước tại bể bơi vào ngày 31/5, khi đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương đã trong tình trạng nguy kịch. Việc cháu được cứu sống giống như một kỳ tích.
Theo anh H, chiều 31/5, cháu T được gia đình cho đi bơi ở gần nhà họ hàng ở nội thành Hà Nội. Chỉ vài phút sơ suất, cháu được mọi người xung quanh phát hiện đuối nước và đưa lên bờ trong tình trạng không tỉnh, tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được dốc ngược chạy quanh bể nhưng tình trạng không cải thiện, cháu V mới được đưa đến một bệnh viện cách đó khoảng 5 phút di chuyển. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim phổi cho cháu T, sau 15 phút tim trẻ mới đập trở lại. Cháu được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tiên lượng rất nặng nề. Tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, các bác sĩ áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, phối hợp với liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não cho cháu bé. Sau 4 ngày hôn mê, cháu T dần tỉnh lại. Tới thời điểm hiện tại, cháu đã tỉnh, tự thở, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài vì các di chứng thần kinh vẫn có thể xảy ra.
Cũng đang điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương vì đuối nước, nhưng bé B.M (20 tháng tuổi, Ninh Binh) không may mắn như bé C.T. Sau khi phát hiện đuối nước ở gần nhà, bé M. không được cấp cứu ban đầu mà bị vác ngược chạy vòng quanh. Khi không hiệu quả, trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng thời gian di chuyển đến bệnh viện tỉnh quá dài, trên 30 phút. Vì vậy, dù bé có nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu ở tuyến dưới, song khi áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.
Vào mùa hè, Bệnh viện Nhi Trung ương thường tiếp nhận bệnh nhi bị đuối nước ở bể bơi. Nhiều người lớn cho rằng, trẻ bơi ở bể an toàn hơn ao, hồ nên đôi khi chủ quan, dù ngồi trên bờ nhưng không theo dõi con sát sao. Tại các bể bơi đều có nhân viên trông cứu hộ, song vào ngày hè, bể bơi quá đông người, vì vậy có cháu nhỏ không may đuối nước cũng không phát hiện kịp thời.
Tuyệt đối không bế dốc trẻ khi bị đuối nước
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những năm qua bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi nặng và nguy kịch vì đuối nước. 7 trẻ đuối nước nguy kịch trong 6 ngày vừa qua (từ 30/5– 4/6) được đưa vào cấp cứu tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Điều đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu.
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam cho biết: Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Để cứu sống trẻ trong khoảng “thời gian vàng” này, người cứu đuối đặc biệt chú ý, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay. Với trường hợp của bé C.T, thời gian trẻ bị ngừng tim kéo dài, không được hồi sức tim phổi ngay do sơ cứu sai cách bằng cách dốc ngược chạy. Song, may mắn là nơi trẻ gặp nạn gần kề cơ sở y tế. Bên cạnh việc hồi sức tích cực cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một phần rất lớn quyết định thành công của ca bệnh này đó chính là trẻ đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn hiệu quả ở tuyến trước.
TS.BS Phan Hữu Phúc cho biết, để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại. “Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút thôi nhưng không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng”, BS Phúc nhấn mạnh.
BS cũng cho biết, cấp cứu ban đầu đúng cách sẽ quyết định sống còn của trẻ đuối nước. Nhưng đáng tiếc, vấn đề báo động là hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước, mặc dù ngành y tế các cấp đã truyền thông rộng rãi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Ước tính, mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm. Do vậy, cha mẹ không được chủ quan kể cả khi đi bơi cùng trẻ, bởi tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào với trẻ.
Hướng dẫn sơ cứu ban đầu cho trẻ đuối nước
Theo khuyến cáo của BS Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, bước 1 tiến hành hồi sức tim - phổi cho trẻ bằng cách thổi ngạt: Đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1-2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.
Bước 2, ép tim ngoài lồng ngực ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực (trẻ lớn/người lớn có thể dùng 2 tay). Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3-1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100-120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào lại được. Khi trẻ tỉnh và an toàn, cho trẻ nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Cảnh báo trẻ em tử vong vì đuối nước vào mùa hè
Lâm Đồng là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực ở khu vực Tây Nguyên… Mùa khô kéo dài tới gần 6 tháng trong năm, hầu hết các gia đình đều phải đào hố chứa nước, diện tích từ vài chục tới hàng trăm mét vuông, sâu trung bình từ 3-5m. Bao quanh các hố chứa nước thường được gia chủ lót bạt hoặc nilon chống thấm, xung quanh không có cành lá, cây bụi. Chẳng may rơi xuống những hố chứa nước sâu hoắm này, nếu không biết bơi, nạn nhân không thể bám víu được vào đâu để giành giật lại mạng sống.
Huyện Di Linh hiện có 53 hồ, đập, công trình thủy lợi lớn và hơn 7.000 ao hồ nhỏ trong dân, chưa kể một lượng lớn các hố nhỏ chứa nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp nằm len lỏi ở nương rẫy và khu dân cư. Trong tháng 5 vừa qua, trên địa bàn huyện Di Linh cũng đã xảy ra một trường hợp trẻ nhỏ rơi xuống hố chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp bị tử vong, đó là em K.D (SN 2019, ngụ thôn 14, xã Hòa Bắc). Em D theo cha mẹ vào rẫy cà phê. Do mải mê công việc, cha mẹ em D đã không phát hiện ra con mình bị rơi xuống hố chứa nước, vớt được em D lên bờ thì tất cả đã quá muộn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 em học sinh tử vong. Gần đây nhất là trường hợp em P.T.D.P (SN 2017, ngụ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Sáng 20/5, P cùng anh trai và hai bạn học sinh khác đi ra ao sau nhà chơi, bị trượt chân ngã xuống ao, vớt được lên bờ thì nạn nhân đã tử vong. Toàn tỉnh Lâm Đồng từ đầu năm tới nay đã có 6 trẻ em tử vong do đuối nước, trong đó có tới 4 trẻ bị rơi xuống các hố chứa nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Bên cạnh là sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ trong khi các em đang ở lứa tuổi thích đùa nghịch, khám phá. Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng cũng vừa phát đi khuyến cáo tình trạng trẻ em bị đuối nước vào mùa hè trên địa bàn, lưu ý các bậc phụ huynh nên dạy cho con em biết bơi sớm. Phải đặt biển cảnh báo ở các ao hồ. Hố chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thường có diện tích nhỏ, các gia đình nên có rào chắn cẩn thận, thả xuống các cây tre nứa hoặc vật nổi để không may có người rơi xuống, những vật nổi này là “cứu tinh”.
Một tuần trước thời điểm nghỉ hè, UBND tỉnh đã liên tiếp ra nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống đuối nước có hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn cách sơ cứu người bị đuối nước, tuyên truyền phụ huynh cần tăng cường trông coi, giám sát con em mình, nhất là trong mùa hè. (Khắc Lịch)