Mối nguy với Đồng bằng sông Cửu Long

05:55 26/04/2022

Trong mùa khô năm nay, nước sông Mê Kông dâng cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) do các đập thuỷ điện tại thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước. Nhiều nhà khoa học cảnh báo việc này có thể giúp ĐBSCL đẩy mặn trong mùa khô nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng, nguy cơ làm vùng đồng bằng tan rã.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu về ĐBSCL tăng dần, cao hơn TBNN, dự báo trong tháng 4 cao hơn 15-20%, hai tháng tiếp cao hơn 20-30%. Dòng chảy tăng bất thường do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (Campuchia).

Số liệu của Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam (SIWRR) vào ngày 21/4 cho thấy, dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông tại trạm Kratie là 7,96m, cao hơn TBNN là 1,60m, cao hơn mùa khô năm 2019-2020 là 1,09m, cao hơn mùa khô 2020-2021 là 0,42m. Dung tích Biển Hồ còn lại khoảng 2,02 tỷ m³, cao hơn dung tích TBNN 0,23 tỷ m³.

Việc các đập thủy điện xả nước trong mùa khô với lưu lượng lớn, gây nguy cơ làm rối loạn hệ sinh thái ĐBSCL.

Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông, dự báo mực nước ngày lớn nhất tại trạm Tân Châu trong tháng 4 có khả năng dao động từ 1,2m đến 1,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2021. Tổng lưu lượng trong tháng qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) dao động mức 5.500m³/s. Tổng lượng dòng chảy tháng qua hai trạm này được nhận định sẽ ở mức từ 12,6 đến 14,3 tỷ m³, tương đương TBNN và lớn hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 25%.

Từ đầu tháng 3 đến nay, các đập thuỷ điện tại Trung Quốc tích cực xả nước. Từ ngày 14 đến 21/4, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 706m³/s đến 2.286m³/s. Hiện mực nước tại Cảnh Hồng ở mức 537,39m tương ứng với lưu lượng khoảng 2.286m³/s. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mê Kông còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 41,5%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 27,2 tỷ m³.

Lưu lượng bình quân ở mức cao hơn TBNN, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thuỷ điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mê Kông sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn các tháng 4 và 5 ở ĐBSCL. Mực nước sông Mê Kông trong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do trong mùa lũ từ tháng 8 đến tháng 12/2021, các đập thuỷ điện ở Trung Quốc tích nước rất nhiều.

Thông tin từ dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) thuộc Trung tâm Stimpson và Eyes on Earth cho thấy vào tháng 12/2021, 11 đập trên dòng chính ở Trung Quốc và 34 đập ở chi lưu gần như đầy toàn bộ. Đến mùa khô 2022 thì lượng nước tích vào mùa lũ năm 2021 được các đập xả ra để phát điện, làm cho dòng chảy mùa khô năm nay cao hơn bình thường.

Theo nhiều nhà khoa học, việc xả nước từ thượng nguồn có tác động tích cực trong mùa khô là làm giảm hạn, mặn cho vùng ven biển ĐBSCL nhưng tác động tiêu cực thì rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài và khó thấy hơn. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, đã đưa ra 4 tác động tiêu cực từ việc xả nước trong mùa khô của các đập trên thượng nguồn.

Thứ nhất, việc tích nước trong mùa lũ làm cho dòng chảy lũ bị yếu đi, nó không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về ĐBSCL. Việc thiếu phù sa, thiếu cát sẽ gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL thì không cách nào khắc phục được. Cát sẽ ngày càng khan hiếm và tăng cao, không đáp ứng nhu cầu xây dựng. Trong khi đó, sạt lở làm mất nhà cửa, đe dọa tính mạng của người dân. Về lâu dài, sạt lở làm tan rã đồng bằng, đe dọa chính sự tồn tại của ĐBSCL.

Thứ hai, sự tích nước vào mùa lũ của các đập thuỷ điện làm biến mất mùa lũ, từ đó đất đai bạc màu, mất nguồn thủy sản tự nhiên vào mùa nước nổi.

Thứ ba, thuỷ điện xả nước trong mùa khô từng đợt như vậy làm cho mực nước biến động bất thường, tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái bị rối loạn. “Ví dụ giữa mùa khô nước dâng lên bất thường thì cá tôm tưởng mùa nước đã tới nên nó bơi ngược dòng sinh sản. Đến khi mùa nước thật đến thì chúng không còn sinh sản được nữa”, thạc sĩ Thiện phân tích.

Thứ tư, mặc dù xả nước đẩy hạn, mặn cho ĐBSCL nhưng làm cho người dân đồng bằng không yên. Vì sự xả nước này chập chờn, bất thường, khi thì xả khi thì không. Và đó là tình huống những năm có đủ nước, còn những năm khô hạn cực đoan thì các đập này đóng tích nước, chờ cho đầy nước mới xả nước, họ phát điện theo kiểu gián đoạn sẽ làm cho tình hình ở ĐBSCL nghiêm trọng hơn.

Thạc sĩ Thiện lưu ý: “Nếu chỉ thấy tác dụng làm giảm hạn mặn trong mùa khô năm nay thì người ta dễ lầm tưởng thủy điện có tác dụng tốt cho đồng bằng, trong khi thực tế về dâu dài tác hại rất nghiêm trọng nên cần nhìn thấy bức tranh cho đầy đủ”.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (ĐH Cần Thơ), việc nước sông Mê Kông dâng cao bất thường trong mùa khô do đập thuỷ điện xả nước chỉ có việc đẩy mặn và giải quyết vấn đề nước ngọt trong mùa khô cho ĐBSCL, còn tác hại thì vô cùng lớn.

PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích: “Trong mùa khô khi nước mặn về thì nông dân ven biển chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi tôm. Nếu nước ngọt về sớm thì nông dân nuôi tôm gặp khó. Hoặc tại An Giang, sau khi nông dân thu hoạch vụ lúa hè thu sớm thì những gốc rạ còn lại sẽ phát triển thành nhánh, trổ bông, chín và cho thu hoạch thêm một vụ phụ, gọi là lúa chét. Nông dân nuôi cá trong đồng để ăn loại lúa chét này. Nhưng khi nước về sớm làm gốc rạ chết đi thì không thể nuôi cá được”. Ông Tuấn cũng cảnh báo, nước sông Mê Kông dâng cao bất thường trong mùa khô sẽ làm rối loạn hệ sinh thái, phù sa về đồng bằng sẽ giảm đi và quy luật mùa khô-mùa lũ ở ĐBSCL tồn tại hàng trăm năm nay bị đảo lộn.

Văn Vĩnh

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

Thực hiện Chương trình Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80, chiều 26/12, Bộ Công an tổ chức 6 Tổ thảo luận nhằm đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác Công an năm 2024. Với phương châm "đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, với tinh thần nêu gương, nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, nói hết" mà Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo tại phiên khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bàn giải pháp khắc phục, phát huy thời gian tới.

Với vai trò là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Phó Trưởng ban Dân nguyện, tuy nhiên thay vì “công, chính, liêm, minh” nói lên tiếng nói của các cử tri, ông Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng vị trí, quyền hạn của mình để “bảo kê” cho một số đối tượng kiểu “xã hội đen” cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Sự đan chéo lợi ích nhuốm mùi tiền giữa các đối tượng đã khiến cựu ĐBQH trên bất chấp quy định, bẻ cong luật pháp để trục lợi cá nhân.

Chiều 26/12/2024, tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác Công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thông tin về xử lý vụ việc liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump để cải thiện quan hệ nếu Washington có ý định nghiêm túc thực hiện điều đó và Mỹ phải là người hành động trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 26/12 nhấn mạnh.

Chiều 26/12, thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức, Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cho biết: Liên quan đến vụ án tại Tạp chí Môi trường và Đô thị, ngày 25/12, đơn vị đã khởi tố thêm 9 bị can, đồng thời triệu tập 20 đối tượng để mở rộng điều tra.

Chiều 26/12, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng bắt giữ B.V.L (SN 1994), để điều tra, làm rõ các loại hóa chất dùng để chế tạo pháo nổ trái pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文