Nắng nóng, gia tăng ngộ độc thực phẩm
Thời tiết nắng nóng, thức ăn nhanh dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là thức ăn đường phố, bán rong vỉa hè. Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là bệnh lý thường gặp, phần lớn người dân đều nghĩ đây là bệnh lý đơn giản, không nguy hiểm, nên tự điều trị tại nhà.
Được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) trong tình trạng tụt huyết áp, ý thức lơ mơ, sốt cao và đau bụng, tiêu chảy liên tục, bà N.T.B. đã được nhập Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa để điều trị hồi sức tích cực. Theo người nhà của bà B. cho biết, trước đó, bà đi chăm sóc cháu tại bệnh viện tỉnh, có ăn bánh tẻ do con trai mua cho. Hai tiếng sau, bà bắt đầu đau bụng âm ỉ, quặn cơn, buồn nôn, nôn nhiều kèm tiêu chảy, tụt huyết áp, được đưa vào cấp cứu ngay tại tuyến dưới, sau đó chuyển lên Bệnh viện 108.
BS Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Bệnh lây đường tiêu hoá cho biết, bệnh nhân B vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. May mắn cho bệnh nhân là đến viện kịp thời, nên sau khi được bác sĩ hồi sức và chăm sóc tích cực, người bệnh đã hồi phục. Theo Bệnh viện 108, trong những ngày vừa qua, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm vào cấp cứu, trong đó nhiều ca bệnh nặng và nguy kịch do không đến viện kịp.
Thời tiết nắng nóng, thức ăn nhanh dễ bị hỏng và ôi thiu, đặc biệt là thức ăn đường phố, bán rong vỉa hè. Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là bệnh lý thường gặp, phần lớn người dân đều nghĩ đây là bệnh lý đơn giản, không nguy hiểm, nên tự điều trị tại nhà. Bị nhiễm độc thức ăn sau bữa nhậu thịt chó ngoài quán ăn vỉa hè, 3 giờ sau, anh Phạm Quang Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) đau quặn bụng, buồn nôn và nôn nhiều. “Tôi cố chịu suốt đêm cho tới sáng thì không chịu được nữa, lúc này mệt mỏi, huyết áp tụt, sốt nhẹ, gia đình mới đưa tôi vào viện. May mắn tôi chỉ điều trị kháng sinh, truyền nước, sau 5 ngày thì được xuất viện”, anh Tuấn cho biết. Theo anh, trong bữa nhậu có thịt chó, mắm tôm, rau sống và dưa chuột…
BS Hiệp khuyến cáo, khi có biểu hiện đau bụng, nôn và đi ngoài cần đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời để được điều trị đúng cách. Tránh trường hợp bệnh nhân chủ quan, tự ý dùng thuốc cầm đi ngoài dẫn đến bệnh tiến triển nặng và nguy kịch.
Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang bước vào những đợt nắng nóng đỉnh điểm, tuy nhiên, khi chúng tôi khảo sát thị trường, nhiều hàng quán vỉa hè bày thức ăn chín ngoài trời không che đậy, nhiệt độ tăng cao mà thực phẩm không được bảo quản để lâu ở nhiệt độ bên ngoài, ôi thiu rất dễ xảy ra. Đặc biệt là hàng ăn rong bán nhiều loại bánh từ sáng tới chiều, dễ bị ôi thiu, người ăn vào nguy cơ ngộ độc cao.
Thời gian vừa qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó, vào đầu hè đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể từ ăn cỗ ở đám cưới. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chế biến xong nếu ở nhiệt độ ngoài trời 37-40 độ, vi khuẩn phát triển thuận lợi và phát triển rất mạnh. Thức ăn chín nấu xong chỉ để bên ngoài 2 giờ, lâu hơn thì phải bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh dưới 5 độ. Nếu không bảo quản đúng cách, thời gian kéo dài, trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo, đồ chín để lẫn đồ sống, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn, gây nguy cơ ngộ độc rất cao.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào mùa hè, người dân đi du lịch hay ăn hải sản và gặp phải loại cá chứa độc tố, gây ngộ độc. Điển hình là nam bệnh nhân đi du lịch ở Côn Đảo, 3 tiếng sau khi ăn cá chình đã bị đau bụng, tiêu chảy, chân tay bủn rủn, phải quay ra Hà Nội, nhập viện điều trị tại Trung tâm chống độc. Theo bệnh nhân, 6 người trong bữa cơm đó đều ăn cá chình, nhưng chỉ 3 người nam ăn nhiều cá hơn và ăn cả bộ lòng thì có biểu hiện ngộ độc như trên.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong cá chình có một số loại độc tố, thường gặp là độc tố ciguatera. Triệu chứng ngộ độc ciguatera thường là tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, phần lớn từ 2-6 giờ sau ăn, thường tự khỏi sau 1-4 ngày. Tuy nhiên, nhiều người có triệu chứng loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp; nặng hơn có người còn lo lắng, trầm cảm, mất trí nhớ.
Cách duy nhất để phòng bệnh là không nên ăn quá nhiều cá chình và các loại cá sống ở rặng san hô, đặc biệt tránh ăn nội tạng cá. Người dân khi đi du lịch không ăn những hải sản lạ, đặc biệt người dân ở vùng biển hay nhầm con so với con sam, khi bắt được đã chế biến thành món ăn và bị ngộ độc rất nặng.