Ngăn chặn nạn tận diệt chim trời
Để ngăn chặn tình trạng đặt bẫy, săn bắt các loại chim trời bán cho các nhà hàng, quán nhậu tràn lan trên địa bàn Hà Tĩnh, ngay thời điểm vào mùa chim di cư, lực lượng Công an phối với với Kiểm lâm và các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể ra quân ngăn chặn. Đồng thời, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cánh đồng thôn Song Nam, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân với diện tích rộng gần 100ha, một bên là núi, bên kia là biển nên cứ vào dịp tháng 9, tháng 10 hằng năm, nơi đây lại trở thành địa điểm lý tưởng cho hàng ngàn cá thể chim trời, với đủ các giống loại, từ cò trắng, chim vạc đến chim nhát, chim cói từ khắp nơi tìm về để tránh trú.
Cũng nhờ vậy, hàng trăm người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận đã tất bật chuẩn bị đủ các loại dụng cụ, kể cả chim mồi để đặt bẫy, bắt chim trời đem bán. Trong nhiều năm liên tục, việc này được coi là “nghề tay trái” của nhiều hộ gia đình, bởi cứ mỗi mùa chim di cư, một người dân có thể bắt được hàng trăm con chim các loại, mang về thu nhập hàng chục triệu đồng. Bởi vậy, cánh đồng thôn Song Nam một thời được ví là vùng “tử địa” của các loài chim di cư, khi việc đặt bẫy, săn bắt được diễn ra công khai. Chiến lợi phẩm là hàng trăm cá thể chim trời được bày bán tràn lan trên đường ven biển, đoạn từ xã Xuân Thành (Nghi Xuân) đến xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) mỗi ngày.
Tương tự, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh nơi có bãi đá ven biển tuyệt đẹp, từng là “thiên đường” trú ngụ của nhiều loài chim di cư, trong đó đặc biệt có loài chim quý cu kỳ. Tuy nhiên, từ khi đường ven biển mở ra, Kỳ Xuân trở thành khu du lịch biển, du khách đổ về ngày càng nhiều thì chim cu kỳ đã trở thành đặc sản trên bàn nhậu. Người dân đổ xô đặt bẫy để bán cho nhà hàng với giá tiền triệu mỗi ki-lô-gam, những đàn chim di cư cũng dần biến mất. Theo Đại úy Nguyễn Cao Khoa, Trưởng Công an xã Kỳ Xuân thì từ tháng 4 âm lịch, theo kinh nghiệm xưa là thời điểm bắt đầu loài chim cu kỳ di trú về Kỳ Xuân nhiều nhất. Loại chim quý hiếm này có thời điểm được thu mua lên đến gần cả triệu đồng mỗi con. Trước thực trạng loài chim cu kỳ ở Kỳ Xuân đang bị tận diệt, chính quyền xã, trực tiếp là Công an xã Kỳ Xuân đã tổ chức vận động tuyên truyền, ký cam kết việc không săn bắn, thu mua nhằm bảo tồn giống chim quý của địa phương.
Hằng năm, tại tỉnh Hà Tĩnh, vào dịp tháng 9, tháng 10 là mùa di cư của các loài chim hoang dã, chim di cư, trong đó chủ yếu là cò trắng, chim vạc, chim nhát… Những loài chim này bay về kiếm ăn và đậu trên các cánh đồng, lùm cây ven các vùng đồng ruộng thấp trũng, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... Đây cũng là thời điểm người dân nhiều địa phương tại tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đánh bẫy, giăng bắt chim trời đem bán làm mồi nhậu cho các nhà hàng, quán nhậu và người đi đường. Trước đây, có những thời điểm, tình trạng này rộ lên tại các địa phương, khiến hàng ngàn con chim các loại bị săn bắt, đem bán tại chợ hoặc nhập cho các nhà hàng để làm mồi nhậu. Người dân Hà Tĩnh có nhiều cách để bắt chim trời, nhưng biện pháp chủ yếu được sử dụng hiệu quả và nhiều nhất vẫn là sử dụng chim sống làm chim mồi, hoặc dùng hình nộm như những chú chim thật giăng khắp cánh đồng, kết hợp phát ra âm thanh của các loại chim được ghi lại từ thực tiễn để “bẫy” chim thật. Ngoài ra, tại nhiều vùng như Đức Thọ, Nghi Xuân, người dân còn dùng lưới bắt cá để giăng khắp các cánh đồng, nhiều loại chim bay qua sẽ vướng vào lưới không thoát ra được. Tuy săn bắt bằng các biện pháp thủ công, song tình trạng này ở Hà Tĩnh đã đến mức báo động, khiến nhiều loài chim có nguy cơ tận diệt, khiến chính quyền và các cấp đoàn thể phải chung tay để cùng nhau vào cuộc, ngăn việc tận diệt chim trời.
Theo đó, để hạn chế tình trạng đánh bắt chim trời, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp đồng loạt ra quân để ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh việc yêu cầu các đối tượng chuyên nghề đánh bắt chim trời ký cam kết chấm dứt hoạt động đánh bắt, đặt bẫy tận diệt chim trời; tổ chức tuyên truyền và ký cam kết với tất cả các chủ nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn không thu mua, kinh doanh chim trời thì các lực lượng nói trên đã ra quân kiểm tra, truy quét tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, ngày 6/9 vừa qua, Công an các xã Tùng Ảnh, Tân Dân và thị trấn Đức Thọ đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện trực tiếp xuống các cánh đồng nơi các đối tượng giăng lưới, đặt chim mồi để săn bắt và bẫy chim hoang dã, chim di cư tiến hành thu gom và tiêu hủy hàng ngàn dụng cụ bẫy chim, cò trên đồng ruộng để mùa chim di cư khỏi bị đánh bắt tận diệt. Chỉ riêng tại xã Tân Dân, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 1.050m lưới tàng hình và hàng trăm cây sào tre để giăng lưới bẫy chim, 1 bộ loa máy phát tín hiệu giả tiếng chim; 496 con chim cò giả bằng xốp, 3.000 que nhạ bẫy chim… Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm đếm, lập biên bản và tiêu hủy ngay tại đồng ruộng.
Trước đó, tại huyện Kỳ Anh, Công an xã Kỳ Phú phối hợp với kiểm lâm và Đồn Biên phòng Kỳ Khang ra quân xử lý tình trạng săn bắt chim hoang dã tại “điểm nóng” xã Kỳ Phú. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy và xử lý hàng trăm chiếc bẫy là những giàn bằng tre, gỗ tạm bợ được dựng lên để làm nơi trú ẩn, chuẩn bị cho mùa đánh bắt. Cùng với đó là các hình mẫu cò, vạc làm bằng xốp được bố trí xung quanh, xen lẫn trong đó là chi chít những que tre nhỏ đã được tẩm một loại nhựa có độ dính rất cao được bố trí giữa những lùm cây ở cánh rừng thuộc thôn Phú Thượng. Tại huyện Lộc Hà, số liệu của Hạt Kiểm lâm cho thấy, chỉ sau 2 tuần ra quân, các lực lượng chức năng trên địa bàn toàn huyện đã phát hiện, tiêu hủy 170 cò xốp, 1.330 cây nhạ, thả 26 con chim mồi, phá 10 lùm đơm. Tại huyện Nghi Xuân, đoàn liên ngành cũng đã phá bỏ 10 lùm trú, tiêu hủy 200 mồi giả, 5.000 cây nhạ dùng để bắt chim trời chỉ sau một tháng ra quân.
Cùng với việc ngăn chặn từ nguồn cung, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các nhà hàng, quán nhậu có tàng trữ, kinh doanh chim trời. Mới đây nhất, ngày 6/9, Công an TP Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt quả tang tại nhà hàng Huy Hằng, địa chỉ số 37 đường 26/3, phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh do Nguyễn Thị Hằng (SN 1993), trú xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà làm chủ, đang có hành vi tàng trữ, sơ chế 5kg chim hoang dã. Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số chim cói trên. Đoàn đã tiến hành lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong 2 năm 2020 - 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức được 929 cuộc kiểm tra, truy quét để thả 1.702 con chim mồi còn sống về môi trường tự nhiên; tiêu hủy 24.545 chim mồi giả, 135.884 cây nhạ, 48 máy phát tín hiệu gọi chim, 21.701m lưới, 300kg nhạ; tháo dỡ gần 700 lùm ẩn nấp... Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã tổ chức 32 cuộc kiểm tra, truy quét để thả hàng trăm con chim mồi và tiêu hủy 779 chim giả, 7.382 cây nhạ, 21 loa phát tín hiệu gọi chim, 2.400m lưới, tháo dỡ 25 lùm ẩn nấp.