Ngày dân số thế giới 11/7: Cảnh báo mức sinh tăng trở lại ở nhiều địa phương còn khó khăn

08:32 11/07/2022

Sinh con thứ 3, con thứ 4 giờ đã không còn hiếm tại nhiều gia đình, ở nhiều vùng miền khác nhau. Theo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) - Bộ Y tế, sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đang có tình trạng mức sinh cao và tăng trở lại ở một số tỉnh, TP, có nơi rất cao trên 2,5 con/phụ nữ. Tình trạng chẩn đoán giới tính thai nhi vẫn diễn ra, khiến chênh lệch mức sức trẻ trai/trẻ gái đang kéo theo nguy cơ thiếu phụ nữ trong tương lai.

Tư tưởng có con trai nối dõi còn rất nặng

Dù kinh tế không khá giả nhưng vì là con trưởng của dòng họ, vợ chồng anh Nguyễn Văn D (Hưng Yên) vẫn quyết định sinh con thứ 4 với hy vọng có mụn con trai. “Nuôi 4 đứa trẻ trong thời buổi này là rất vất vả với vợ chồng tôi, nhưng cả họ chỉ trông mong vào tôi có người nối dõi, nên dù khó khăn, eo hẹp về kinh tế, chúng tôi cũng muốn có thằng cu”, anh D chia sẻ.

Theo vợ anh D, nếu đứa thứ 4 là con gái, có khi chị vẫn phải sinh con thứ 5. Tư tưởng có con trai nối dõi đã “ăn sâu, bén rễ” trong nhiều gia đình, nên việc sinh con thứ 3, thứ 4 hiện không còn hiếm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, hiện tượng mức sinh không đồng đều giữa các vùng, miền và các tỉnh, thành phố, đặc biệt tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao, trên 2,5 con.

Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, có 4/6 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế (trung du miền núi phía Bắc là 2,41 con, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2,31 con, Tây Nguyên 2,41 con, Đồng bằng sông Hồng 2,34 con); 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế (Đồng bằng sông Cửu Long là 1,82 con, Đông Nam Bộ là 1,62 con). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc - Tây Nguyên) và vùng thấp nhất (Đông Nam Bộ) là 0,79 con.

 Có sự khác biệt mức sinh rõ rệt giữa khu vực nông thôn – thành thị; mức sinh tại khu vực nông thôn hiện vẫn còn cao (TFR=2,29 con). Chênh lệch mức sinh giữa nông thôn – thành thị ở mức 0,41 con.

Bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và KHHGĐ (Tổng cục Dân số) cho biết, có đến 33/63 tỉnh/TP, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh/TP mức sinh còn rất cao trên 2,5 con; 21 tỉnh/TP có mức sinh dưới 2,0 con và chỉ có 9 tỉnh/TP có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế (từ 2,0 đến 2,2 con).

Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất (Hà Tĩnh với TFR = 2,97 con) và nơi thấp nhất (TP Hồ Chí Minh với TFR = 1,35 con) là 1,62 con. Theo bà Thư, đáng chú ý, tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như: Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,51con (năm 2019); Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,57 con (năm 2019); Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,74 con (năm 2019); Hải Dương từ 1,95 con (năm 2017) lên 2,48 con (năm 2019)...

Một số tỉnh/TP thuộc vùng mức sinh thay thế có mức sinh biến động tăng cao trên 2,2 con vào năm 2020 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Phước. “Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vấn đề giáo dục... Việt Nam có hơn một nửa số tỉnh có mức sinh cao với quy mô dân số chiếm khoảng 40% dân số cả nước, không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế - xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn”, bà Thư nhấn mạnh.

Nhân viên y tế tuyên truyền các biện pháp tránh thai.

Lo ngại mất cân bằng giới tính

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tại Việt Nam luôn ở mức trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống từ năm 2006 đến nay. Theo nhận định của Tổng cục Dân số, tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) có xu hướng lan rộng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống, năm 2019 giảm còn 111,5; đến năm 2020 tăng lên mức 112,1.

Năm 2020, 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề MCBGTKS, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với TSGTKS 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao nhất (113,6). MCBGTKS xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.

“MCBGTKS sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng dư thừa số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành, gây khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời; việc gia tăng TSGTKS dẫn đến nguy cơ tăng thêm sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ tăng lên”, bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số nhấn mạnh.

Để giải quyết cả hai vấn đề mức sinh cao và MCBGTKS, theo đại diện Tổng cục Dân số, cần phải đẩy mạnh thực hiện 4 giải pháp gồm: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS; xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm việc sử dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. 

Theo Tổng cục Dân số, để đạt được các mục tiêu về mức sinh cho dù là giảm sinh hay duy trì mức sinh, các địa phương cần phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai. Đồng thời tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Ngành dân số cấp cơ sở cần đẩy mạnh vận động các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con hãy dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt.

Trần Hằng

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文