Nghệ An triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng

07:52 28/06/2024

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha. Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè, đặc biệt với nền nhiệt độ cao, nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày liền dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Đơn vị này cũng đưa ra cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao gồm 15.476 ha rừng trồng thông nhựa ở các huyện Diễn Châu, Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương… Gần đây nhất đã xảy ra vụ cháy rừng tại huyện Thanh Chương và lan sang cả khu vực rừng giáp ranh địa phận huyện Nam Đàn. Theo đó, đám cháy được phát hiện vào khoảng 6h30 ngày 30/4 tại khu vực Khe Ớt, chân núi Đụn (xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương).

Do rừng thông và keo có nhiều thảm thực vật, lá thông khô, cộng với thời tiết nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh, đám cháy nhanh chóng lan sang khu vực rừng hỗn hợp thuộc địa bàn thị trấn Nam Đàn và xã Nam Thái (huyện Nam Đàn). Mãi đến 22h cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt. Theo thống kê, ước tính hơn 9,6 ha rừng bị thiêu rụi.

Trước nguy cơ cháy rừng cao, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì 100% quân số trực 24/24 giờ vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao. Các chủ rừng, UBND cấp xã bố trí lực lượng canh phòng kiểm soát người ra vào rừng tại những khu vực rừng trọng điểm, tại các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng, nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng cao để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lửa rừng.

Tuy nhiên, trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn những khó khăn, bất cập. Như kinh phí để đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng là tổ chức và chính quyền địa phương hàng năm đã được bố trí, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt là công tác xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa, mua sắm dụng cụ, phương tiện...

Mặt khác, khi các vụ cháy rừng xảy ra, việc tiếp nhận và xử lý thông tin cháy rừng còn chậm, do phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ" chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng đám cháy phát triển lớn, khi đó mới điều động lực lượng chữa cháy rừng. Trong quá trình huy động và chỉ huy chữa cháy rừng tại hiện trường một số vụ cháy còn lúng túng, trong công tác chỉ huy, công tác hậu cần, phương tiện, thiết bị chữa cháy còn nhiều bất cập, nhất là các vụ cháy rừng lớn có nhiều lực lượng cùng tham gia chữa cháy.

Công tác điều tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi gây ra cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các vụ cháy rừng chưa xác định được nguyên nhân gây ra cháy. Đối với diện tích rừng do UBND xã, hộ gia đình đang quản lý việc triển khai các nội dung phòng cháy, chữa cháy rừng như: xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa, trang bị dụng cụ, phương tiện, thiết bị chữa cháy, triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, còn mang tính tự phát do thiếu nguồn kinh phí…

chay-rung-2.jpg -0
Lực lượng chức năng Nghệ An nỗ lực trong phòng, chống cháy rừng.

Để chủ động chống cháy rừng, từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương tại Nghệ An và chủ rừng đã tổ chức thu gom, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy hơn 1.999 ha, tu sửa 186km đường băng cản lửa. Làm mới 62km đường băng trên rừng sản xuất giáp ranh rừng tự nhiên, làm mới, tu sửa các chòi canh lửa, bảng báo cấm lửa. Bố trí kinh phí để mua sắm, cấp phát dụng cụ, thiết bị chữa cháy rừng như: máy thổi gió, vỉ dập lửa, cào sắt cho các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và UBND xã.

Đặc biệt là tiến hành lắp đặt 7 hệ thống camera giám sát cháy tại huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu. Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 12 hệ thống camera giám sát cháy, 180 máy thổi gió, 85 máy cắt thực bì; 122 cưa xăng, 1.610 vỉ dập lửa, 2.574 dao phát, 2.844 cào, cuốc, xẻng; 26 máy bơm nước, 250 máy GPS; 17 ống nhòm.

Tại huyện Diễn Châu, một trong những địa bàn có diện tích rừng khá lớn, lãnh đạo huyện cho biết: Địa bàn huyện có trên 2.000 ha rừng thông. Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, huyện đã lập 4 chốt kiểm soát tại cửa rừng, gồm 2 chốt ở xã Diễn Phú, 1 ở chốt xã Diễn Đoài, 1 ở chốt xã Minh Châu. Huyện cũng chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm kết hợp với chủ rừng thu dọn thực bì khô dưới tán rừng thông tại một số vùng trọng điểm dễ cháy.

Dịp này, huyện Diễn Châu còn phối hợp với các đoàn thể, tổ chức tuyên truyền lưu động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã. Ở một số xã, cán bộ thôn, xóm ở huyện Diễn Châu còn đi xe máy, dùng loa phóng thanh luồn lách vào đường làng, ngõ xóm tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tương tự, tại khu vực núi Quyết, phường Trung Đô, thành phố Vinh có 3 chốt kiểm soát người ra, vào rừng, luôn có các lực lượng kiểm lâm và các lực lượng liên quan túc trực để kiểm soát người mang lửa vào rừng.

Tại buổi làm việc vào trung tuần tháng 6 của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa bàn. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy chữa cháy rừng; UBND huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, duy trì quân số trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng các cấp, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa; trực quan sát lửa rừng thông qua hệ thống camera giám sát. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng, cao điểm.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các cấp, ngành liên quan chủ động phối hợp để xử lý kịp thời, dứt điểm các tình huống cháy rừng xảy ra. Nghiêm cấm các hành vi đốt thực bì, đốt lửa khi bắt ong rừng, đình chỉ mọi hoạt động có khả năng dẫn đến xảy ra cháy rừng cao, đồng thời phát động quần chúng nhân dân tích cực tố giác những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng. Làm tốt công tác điều tra, xác minh, truy tìm nguyên nhân và thủ phạm gây ra cháy rừng. Tổ chức diễn tập và rà soát lại các phương án để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương, chủ rừng để bổ sung kịp thời.

Thuỳ Anh

Ngày 18/4, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an đã có buổi kiểm tra về công tác đặc xá năm 2025 của Công an TP Hồ Chí Minh và các Trại giam Thủ Đức, Phú Hòa, An Phước, Xuân Lộc, Xuyên Mộc và Long Hòa. Tham dự buổi kiểm tra có lãnh đạo một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh, Ban Giám thị 6 trại giam…

Lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.

Các đối tượng trong vụ án còn liều lĩnh phát hành hợp quy “khống” cho các thang máy, thiết bị sàn nâng người của các công trình xây dựng chung cư cao tầng phục vụ dân sinh. Việc làm trên của các đối tượng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động, người sử dụng thiết bị máy móc và người dân.

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.