Nghẹn ngào chờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch
12h trưa ngày 26/7, hàng nghìn người dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc đã đội nắng tập trung ở khu vực trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch để chờ tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân; có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ngồi trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu để tránh cái nắng nóng, bác Nguyễn Mạnh, quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh không giấu được nỗi buồn trước sự mất mát lớn lao của cả dân tộc khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Đôi mắt của người cựu chiến binh năm nào nghẹn ngào nước mắt khi nhắc đến những công lao, đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nhân dân và đất nước.
5h sáng, bác Mạnh cùng với người thân của mình đi xe máy sang làng Lại Đà để kính viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó sang ngồi chờ ở trước cửa Nghĩa trang Mai Dịch để đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
“Chúng tôi là thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh, thời kỳ khó khăn của đất nước và nhận thấy rằng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng ta đã xây dựng đất nước ta ngày càng đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Sự ra đi của bác khiến bản thân tôi và mọi người dân cảm thấy vô cùng thương tiếc, đau xót”- bác Nguyễn Mạnh xúc động.
Ở cạnh đó, bác Ngô Văn Tầm quê ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội khuôn mặt đượm buồn, đôi mắt hướng nhìn về phía cổng Nghĩa trang Mai Dịch, trầm ngâm. Khi được hỏi, bác Tầm cho biết sáng sớm cùng ngày đã cùng với người bạn thân là bác Nguyễn Thế Long từ nhà lên đứng đợi ở khu vực trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch để chờ đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chiều hôm trước, cả hai bác đã về quê nhà của đồng chí Tổng Bí thư để cùng hòa vào dòng người tưởng chừng như kéo dài đến vô tận, lặng lẽ, thành kính vào viếng đồng chí Tổng Bí thư. Sau khi viếng xong ở thôn Lại Đà, bác Tầm trở về nhà khi trời đã khuy muộn.
“Cả đêm qua tôi gần như chẳng chợp mắt được chút nào bởi những hình ảnh của đồng chí Tổng Bí thư cứ dội về trong tâm trí tôi. Tôi ngồi dậy mở điện thoại xem lại những đoạn video trên mạng về những lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư trong thời gian qua. Lời nào của bác cũng nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng vô cùng thấm thía, là bài học không chỉ đối với các đồng chí cán bộ, lãnh đạo, Đảng viên mà còn có ý nghĩa đối với tất cả người dân chúng ta”- bác Tầm xúc động.
Ngồi cạnh mẹ là chị Cao Thị Thùy quê ở tỉnh Thanh Hóa để tránh cái nắng nóng, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt ửng đỏ, cháu Nguyễn Quỳnh Trâm năm nay mới học lớp 2 nhưng tỏ ra là khá mạnh dạn, hiểu chuyện. Sáng sớm cùng ngày, chị Thùy dẫn hai con là cháu Nguyễn Quỳnh Trâm và Nguyễn Bảo Long (học lớp 5) đến chờ ở trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư. Ở nhà cứ mỗi khi đến chương trình thời sự, chị Thùy lại mở ti vi ra và cả nhà vừa ăn tối vừa xem. Những khi có bản tin về đồng chí Tổng Bí thư, cả nhà lại chăm chú lắng nghe bác phát biểu.
“Mái tóc bạc trắng như mây của bác. Nụ cười hiền hậu, tác phong giản dị, nếp sinh hoạt đơn sơ, những lời nói của bác cứ nhẹ nhàng, như lời dặn dò của một người ông trong gia đình đối với các con, các cháu. Chẳng biết tự bao giờ không những chỉ riêng vợ chồng chúng tôi mà các con tôi cũng vô cùng quý mến đồng chí Tổng Bí thư. Một tình cảm quý mến đến rất tự nhiên, từ chính sự bình dị, tấm lòng cao cả cũng như sự cống hiến của bác đối với đất nước, đối với nhân dân”- chị Thùy bồi hồi tâm sự.
Còn hai cháu Nguyễn Quỳnh Trâm và Nguyễn Bảo Long, khi được hỏi cảm xúc về đồng chí Tổng Bí thư đều nói “chúng cháu thương ông lắm”. Dù trời nắng nóng nhưng cả trưa 3 mẹ con nép mình dưới tán cây trước cổng Nghĩa trang Mai Dịch để chờ đến giờ được thấy di quan của đồng chí Tổng Bí thư xuống đến nơi, tiễn biệt bác lần cuối cùng.
Quê ở tận xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nhưng từ 3h sáng, 3 chị em ruột của cô Trần Thị Lý đi xe máy đến Nhà tang lễ Quốc gia để hòa vào dòng người kính viếng đồng chí Tổng Bí thư. Là những người nông dân, ấn tượng sâu sắc nhất về đồng chí Tổng Bí thư trong cô Trần Thị Lý và những người thân của mình, đó là sự giản dị, liêm khiết và thương dân của đồng chí Tổng Bí thư.
“Chúng tôi là những người dân nên chỉ biết lãnh đạo nào thương yêu dân, chăm lo cho dân thì chúng tôi thương yêu, phụng thờ, thương tiếc. Năm xưa khi bác Võ Nguyên Giáp mất, gia đình chúng tôi cũng từ Hòa Bình lên Hà Nội để được vào kính viếng bác. Nay bác Nguyễn Phú Trọng mất, chúng tôi không thể không lên kính viếng, bởi có như vậy trong lòng chúng tôi mới cảm thấy được bình yên, không day dứt”- cô Trần Thị Lý xúc động.
Ngồi chờ bên đường Hồ Tùng Mậu trong nắng gắt, cựu chiến binh Hoàng Đông Độ (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết bác cùng bạn bè đã đến Nhà tang lễ Quốc gia từ sáng 26/7 để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng do không biết đường nên bác quyết định quay lại cổng Nghĩa trang Mai Dịch chờ tiễn đưa nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm nay 84 tuổi. Tôi thường xuyên xem báo đài và rất ngưỡng mộ cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư. Đối với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo rất bình dị, gần gũi", bác Độ chia sẻ. Bác cho biết, dù nắng nóng, nhưng mọi người đều ngồi rất trật tự chờ tiễn đưa Tổng Bí thư.
"Chúng tôi ngồi đây có nắng nhưng có ô, có mũ để che. Mấy hôm nay các anh Công an, quân đội còn vất vả hơn. Nắng có, mưa lạnh cũng có, đứng làm nhiệm vụ như vậy còn vất vả hơn nhiều", bác Độ nói. Cách đó không xa, bác Nguyễn Thị Ảnh (Sơn Tây, Hà Nội) cùng 3 cháu nội ngoại nghiêm ngắn ngồi chờ tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư từ sớm. Nhà xa, 4 bà cháu chuẩn bị nước, bánh mì và đồ ăn nhẹ, cùng chia sẻ với những người xung quanh.
"Mọi người có gì đều chia sẻ cùng nhau. Ai nấy đều kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người lãnh đạo vì nước, vì dân", bác Ảnh rưng rưng nói. Hòa cùng hàng ngàn người chờ tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hiền Linh (sinh viên Đại học Thương Mại), cầm trên tay cuốn sách "Thép đã tôi thế đấy".
Nhắc lại câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết và từng được Tổng Bí thư nhắc đến: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí", Hiền Linh xúc động nói: "Tổng Bí thư chính là tấm gương của chúng em".
Cho tới hơn 13h, dòng người ở các tuyến đường hướng về khu vực Nghĩa trang Mai Dịch mỗi lúc một đông. Trên vỉa hè, dưới những tán cây xanh trên đường Hồ Tùng Mậu là hàng đoàn người đứng vai kề vai, không ai bảo ai đều lặng lẽ, thành kính, chờ để được tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư.