Người dân chung tay bảo tồn động vật hoang dã
Từ đầu năm đến nay, có hơn 100 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, nguy cấp được người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng thả về môi trường tự nhiên.
Những ngày đầu tháng 11/2022, thông qua nguồn tin báo từ người dân, lực lượng Kiểm lâm (KL) Thừa Thiên-Huế liên tục tiếp nhận, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể ĐVHD quý hiếm. Các cá thể động vật hoang dã quý hiếm này do một phụ nữ ở phường Kim Long, TP Huế và một người đàn ông ở đường Bà Triệu (TP Huế) tự nguyện giao nộp.
Cả 2 cá thể khi tiếp nhận đều trong tình trạng sức khỏe tốt, gồm 1 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung (tên khoa học Cuora bourreti), nặng 1kg và cá thể cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus hermaphroditus), nặng 2,5kg. Hai cá thể động vật này đều là ĐVHD quý hiếm, trong sách đỏ Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Long ở đường Bà Triệu (TP Huế) chia sẻ, một thời gian ông không hề quan tâm đến ĐVHD hay chuyện bảo tồn các loài động vật này. Gần đây, thông qua các phương tiện truyền thông, ông Long ý thức được rằng việc phải bảo tồn sự sống các loài ĐVHD chính là bảo tồn sự sống của muôn loài và con người. Vì thế khi phát hiện 2 cá thể rùa và cầy vòi hương trong vườn nhà, ông Long đã báo với cơ quan chức năng đến giải cứu và thả về môi trường tự nhiên.
Tương tự, ngày 4/11, ông Trần Văn Hùng (trú tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) liên hệ với Hạt KL thị xã Hương Trà tự nguyện giao nộp 2 cá thể khỉ thuộc nhóm IIB, IB, quý hiếm, nguy cấp nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Trước đó, 15 cá thể động vật rừng và 2 quả trứng rùa cũng được bà V.T.H.S (trú tại phường Thuận Lộc, TP Huế) tự nguyện giao nộp cho KL tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hạt KL TP Huế đã tiến hành hoàn thiện hồ sơ để xác lập quyền sở hữu toàn dân, đồng thời phối hợp với Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã để cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên tại VQG Bạch Mã theo đúng quy định của pháp luật…
Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt KL TP Huế cho biết, tính từ đầu năm đến nay, riêng trên địa bàn TP Huế có hơn 50 cá thể động vật rừng được người dân báo tin giải cứu, tự nguyện giao nộp. Đặc biệt có những trường hợp là các em học sinh nhỏ tuổi cũng đã chủ động liên hệ để giao nộp ĐVHD. Điều đó cho thấy, việc quan tâm ngày càng lan tỏa và sự vào cuộc của người dân, cộng đồng trong công tác bảo vệ, bảo tồn ĐVHD. Bên cạnh đó, Công an TP Huế phối hợp với Hạt KL TP Huế và chính quyền một số địa phương tổ chức 12 đợt truy quét, tháo gỡ, tiêu hủy 1 bẫy gắn loa phát thanh, 50 cò giả, 100 que dính keo; kiểm tra 7 điểm mua bán chim trời, chim cảnh trái pháp luật, thu giữ và thả về môi trường tự nhiên 257 cá thể chim các loại như: Mỏ giác, Cò, Sẻ, Chào mào, Quế lâm, Hút mật… Đồng thời, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn trăm cá thể ĐVHD được người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế giao nộp cho lực lượng KL để thả về môi trường tự nhiên. Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF - Việt Nam thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, các quán ăn, nhà hàng là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thịt ĐVHD. Khoảng 50% sản lượng thịt ĐVHD được đưa đến người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát thông qua kênh nhà hàng. Riêng đối với các loài chim hoang dã, đặc biệt các loài chim di cư, tình trạng săn bắt, tiêu thụ vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhằm góp phần bảo tồn, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh, thông qua đường dây nóng bảo vệ ĐVHD do đơn vị thiết lập từ tháng 4/2022 đến nay có nhiều cá thể quý hiếm đã được người dân phát hiện, trình báo đến KL và đã được thả về với môi trường tự nhiên. Tất cả các phản ánh của người dân đều được bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn cho người dân cung cấp thông tin.