Nhân rộng mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”
Hà Nội là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút đông đảo lực lượng lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Đa phần doanh nghiệp không lo được chỗ ở cho công nhân, buộc họ phải thuê trọ bên ngoài, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt tạo điều kiện cho các loại tội phạm hoạt động gây mất an ninh, trật tự.
Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp với Công an thành phố từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”. Hiện nay, địa bàn thành phố đã hình thành 92 “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” với hơn 20.000 công nhân tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Hiệu quả “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”
Qua khảo sát đánh giá tình hình thực tế, sau hơn 10 năm triển khai và đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Huy Khánh khẳng định, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô, góp phần giúp các địa phương làm tốt việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật.
Liên đoàn Lao động các huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể địa phương duy trì tổ chức các lớp tuyên truyền tại các Tổ tự quản nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức xã hội, kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm và các dịch bệnh nguy hiểm cho hàng nghìn lượt công nhân lao động; tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của công nhân để phối hợp với chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc, hạn chế xảy ra các vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, 5 năm qua, các Tổ tự quản đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt các vụ việc phát sinh ở cơ sở. Các Tổ tự quản tham gia hòa giải, giải quyết tại cơ sở được 155 vụ việc; cung cấp thông tin, góp phần điều tra, làm rõ 35 vụ phạm pháp hình sự… Đáng chú ý, trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, các cấp Công đoàn và chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao việc một số Tổ trưởng “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ công nhân thuê trọ, giúp họ ổn định cuộc sống và đảm bảo an ninh trật tự nơi sinh sống.
Tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), ông Hà Quang Kính - chủ nhà trọ, Tổ trưởng “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” cho biết, hiện khu nhà trọ của ông có 28 phòng trọ với khoảng 40 công nhân lao động thuê trọ. Khu có nội quy riêng với những quy định cụ thể về đăng ký tạm trú tạm vắng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… Hiểu và chia sẻ với những khó khăn của công nhân thuê trọ, ông Kính đã bố trí hai bàn bóng bàn để mọi người có điều kiện giao lưu, giải trí, rèn luyện sức khỏe. Mỗi dịp sinh nhật của người thuê trọ hoặc cuối năm, khu trọ thường tổ chức liên hoan, tạo không khí vui tươi, gắn kết. Người thuê trọ thường xuyên được tuyên truyền về kiến thức pháp luật, cách nhận biết và phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm…
Cũng trên địa bàn huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ nhà trọ, Tổ trưởng “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” tại xã Hải Bối chia sẻ, khu nhà trọ của bà có 35 phòng với gần 100 người thuê trọ. Tổ tự quản thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền, Công đoàn và Công an địa phương để đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút nhiều công nhân thuê trọ tham gia.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Bên cạnh những kết quả đạt được, khảo sát mới đây của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và Công an thành phố cho thấy, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” vẫn còn những tồn tại, bất cập. Một số đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, nắm bắt hoạt động của các Tổ tự quản. Việc thành lập Tổ tự quản ở không ít nơi chưa linh hoạt, chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa kiện toàn được Tổ phó là công nhân lao động. Việc bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của Tổ tự quản còn hạn chế…
Theo phản ánh của các địa phương, tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, có tới 90% công nhân phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Tương tự, tại Khu Công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn), hơn 2.000 công nhân ngoại tỉnh phải thuê nhà trọ ở hai xã Quang Tiến và Mai Đình; trong đó, riêng thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến), số công nhân thuê trọ đông nhất với hơn 1.150 người.
Từ thực tiễn triển khai, đại diện các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” đề xuất được cấp phát miễn phí sách báo, trang bị tủ sách pháp luật để công nhân thuê trọ có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết. Đại diện chính quyền địa phương đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các bên, trong đó có Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tự quản.
Khảo sát tại huyện Đông Anh, lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội bày tỏ mong muốn các chủ nhà trọ, Tổ trưởng “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân thuê trọ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức cho người lao động; nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người lao động để thông tin cho các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết. Đồng thời, các Tổ trưởng phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Huy Khánh đề nghị Liên đoàn Lao động huyện phối hợp với Công an huyện, các phòng, ban ngành, đoàn thể nhân rộng mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; linh hoạt trong việc thành lập Tổ tự quản và đưa hoạt động của Tổ tự quản này đi vào thực chất, hiệu quả, rõ nét; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia, phối hợp cùng với các cấp chính quyền địa phương xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề nghị các đơn vị nơi có tập trung đông công nhân lao động sinh sống trong các khu nhà trọ cần chủ động khẩn trương rà soát, nắm chắc thực trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ tự quản hiện có báo cáo về Công đoàn thành phố trước ngày 30/10/2022. Trên cơ sở đó, các đơn vị đưa ra những giải pháp trong chỉ đạo tổ chức xây dựng, củng cố và tiếp tục nhân rộng mô hình. Quá trình triển khai thực hiện cần bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương, tránh việc dập khuôn, máy móc trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình.
Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị các cấp Công đoàn làm tốt công tác vận động đông đảo công nhân tham gia các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương; tăng cường nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để từ đó tham mưu, phối hợp chăm lo đời sống cho người lao động tốt hơn.