Nhiều giảng viên, người lao động bức xúc vì Học viện âm nhạc Huế chậm trả lương

12:16 12/09/2024

Trong số những bình luận để lại, có một số giảng viên, nhân viên công tác tại Học viện tỏ ra bức xúc về chuyện lương. Một nữ nhân viên Phòng Đào tạo cho biết, chị "bị ốm nhưng không dám đi viện luôn”. Một giảng viên Khoa Thanh nhạc thì "mong chờ từng ngày mà chẳng thấy hồi âm”…

Những ngày qua, một số giảng viên, cán bộ và nhân viên của Học viện Âm nhạc Huế (viết tắt là Học viện) bức xúc khi đến nay, lương tháng 8 và tháng 9/2024 vẫn chưa được trả khiến cuộc sống sinh hoạt của họ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu năm học phải chi tiêu nhiều khoản cho con cái…

Học viện Âm nhạc Huế nợ lương 2 tháng khiến nhiều giảng viên, người lao động gặp khó khăn.

Cuối giờ chiều 11/9, nữ giảng viên H.Đ.T.Th. (Khoa Giao hưởng Học viện Âm nhạc Huế) chia sẻ trên mạng xã hội: “2 tháng rồi không có lương, biết bao nhiêu điều phải lo…, cơm áo gạo tiền, con học thêm, đầu năm khai giảng… Hai vợ chồng cùng cơ quan, làm nghề giáo đã vất vả mà 2 tháng rồi chưa có lương phải tiếp tục sao đây…”

Những chia sẻ của giảng viên H.Đ.T.Th. khiến rất nhiều người đồng cảm, bởi có nhiều giảng viên, giáo viên hàng tháng chỉ trông chờ vào đồng lương để trang trải, chi tiêu. Nhiều bình luận tỏ ra bất ngờ khi đây là đơn vị sự nghiệp hành chính có thu thuộc trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT&DL). Và, việc chậm trả lương 2 tháng lần đầu xảy ra tại Học viện.

Nhà hát sông Hương trực thuộc Học viện Âm nhạc Huế.

Trong số những bình luận để lại, có một số giảng viên, nhân viên công tác tại Học viện tỏ ra bức xúc về chuyện lương. Một nữ nhân viên Phòng Đào tạo cho biết chị "bị ốm nhưng không dám đi viện luôn”. Còn 1 giảng viên Khoa Thanh nhạc thì “mong chờ từng ngày mà... chẳng thấy hồi âm”.

Trong sáng 12/9, một cán bộ ở Phòng Công tác sinh viên của Học viện bức xúc đăng tải trên Zalo: "Sáng, chiều đến cơ quan phải đúng giờ, điểm danh hàng ngày không sót phát nào, còn chậm lương gần 2 tháng nay lại im lặng không có thông báo, không có lý do cho cán bộ biết. Tiền chậm lương toàn trường gửi ngân hàng chắc đủ nuôi sống vài người… Trách nhiệm này thuộc về Giám đốc, bộ phận Tổ chức cán bộ hay Bộ VH-TT&DL? Là ai, đơn vị nào thì có câu trả lời rõ ràng cho cán bộ giảng viên, người lao động được biết…"

Một tiết mục biểu diễn của giảng viên và sinh viên Học viện Âm nhạc Huế.

Trước việc bức xúc của nhiều giảng viên, người lao động của Học viện bị chậm trả lương, trao đổi qua điện thoại với PV Báo CAND, bà Hà Mai Hương, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: Việc chậm lương 2 tháng là do kế toán trưởng hết nhiệm kỳ cuối tháng 7/2024. Học viện đã hoàn tất hồ sơ đề nghị bổ nhiệm phụ trách kế toán trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trong đầu tháng 8/2024 để xin chủ trương đồng ý. Trong quy trình phải có ý kiến Vụ Tài chính cán bộ và Vụ Kế hoạch tài chính trước khi trình lên Bộ trưởng vậy nên cũng cần có thời gian.

Theo bà Hà Mai Hương, trong cuộc họp giao ban đầu tháng 9, lãnh đạo Học viện Âm nhạc Huế đã thông báo về việc chậm lương để mọi người thông cảm và chia sẻ chờ đợi một vài ngày tới khi có văn bản thỏa thuận của lãnh đạo Bộ. Để giải quyết tình hình trước mắt, trong tuần này, Học viện sẽ cho những cán bộ thực sự khó khăn tạm ứng trước lương tháng 8 trong thời gian chờ đợi…

Được biết, hiện Học viện Âm nhạc Huế hiện có 102 cán bộ, giảng viên và nhân viên đang làm việc tại Học viện Âm nhạc Huế và Nhà hát sông Hương (trực thuộc của Học viện). Trong đó, có khoảng 80 cán bộ, giảng viên, nhân viên, người lao động biên chế sẽ được Bộ VH-TT&DL trả lương; đối với số hợp đồng lao động thì do Học viện trả lương.

Hải Lan

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文