Chung tay giúp người từng lầm lỗi tìm đường hoàn lương

Những mảnh đời tối - sáng (Kỳ 1)

05:29 14/11/2024

Từng là những người mang trên mình án tích nên sau khi hoàn thành chấp hành án, trở lại địa phương, những người này rất cần sự động viên, hỗ trợ để vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hề dễ dàng, không ít đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Vì vậy, nhiều năm qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là gia đình, cùng tháo gỡ khó khăn, chung tay chăm lo cho những người từng lầm lỗi và giúp họ tìm được con đường hoàn lương…

Chứng nào tật đó, dễ trở về với “đường xưa lối cũ”

Nguyễn Văn Tứ (SN 1975, ngụ quận 1) là đối tượng từng có 4 tiền án, tiền sự về các tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải”, “Chống người thi hành công vụ”. Thời gian qua, Tứ sinh sống cùng gia đình ở địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh. Với bản tính hung hãn, mới đây (ngày 12/10/2024), Tứ lại có hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” chỉ từ những xích mích bình thường nên tiếp tục bị Công an quận 1 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Được đặc xá là bước mở đầu của những người từng lầm lỗi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Cũng từng có 3 tiền án về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Cướp giật tài sản”, Huỳnh Quốc Hùng (SN 1985) cùng với Trương Ngọc Phong (SN 1983, cùng ngụ quận 8, cũng có 2 tiền sự cai nghiện ma túy, 1 tiền án “Trộm cắp tài sản”) lại tiếp tục gây án Cướp giật tài sản. Thời điểm gây án, cả 2 đối tượng đều dương tính với chất ma túy.

Khoảng 12h ngày 17/10/2024, Hùng điều khiển xe máy chở theo Phong đến khu vực trước nhà số 55 Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Khi nhìn thấy hai người nước ngoài đang đi bộ để băng qua đường, Hùng đã áp sát để Phong giật sợi dây chuyền trên cổ của anh Fahrner Sascha (quốc tịch Đức) vừa cùng bạn đến TP Hồ Chí Minh du lịch. 

Đúng lúc này, Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an quận 1 đang trên đường tuần tra phát hiện sự việc nên lập tức truy đuổi và được sự hỗ trợ từ người dân nên đã nhanh chóng bắt giữ được Hùng, Phong cùng vật chứng…

Trước đó, Nguyễn Anh Đức (SN 1989; thường trú quận Gò Vấp; hiện ở phường Hiệp Thành, quận 12) và một đối tượng có liên quan là Trần Đặng Phương Tín (SN 1997; cư trú quận Gò Vấp) cũng đã bị Công an quận Gò Vấp phối hợp với Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh, Đội CSHS Công an quận 12 xác định và bắt giữ để điều tra về hành vi cướp giật điện thoại di động xảy ra trên địa bàn.

Cả Đức và Tín đều từng có một tiền sự về việc sử dụng trái phép chất ma túy, đã đi cai nghiện bắt buộc 13-15 tháng. Thời điểm gây án, cả hai đối tượng cũng đều dương tính với ma túy…

Điểm qua một vài vụ việc điển hình kể trên cho thấy vấn đề phức tạp của những đối tượng từng có những “thành tích bất hảo” vẫn chứng nào tật đó, gây nhiều hệ lụy cho tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người hoàn lương thành công, trở thành những người giàu có, có ích cho gia đình và xã hội.

Đang là chủ của 6 tiệm phở nổi đình nổi đám ở TP Hồ Chí Minh, đùng một cái anh bị bắt vì trốn truy nã tội danh “Giết người” rồi nhận bản án 18 năm tù giam. Công việc làm ăn kinh doanh hoàn toàn phá sản. Vậy nhưng sau khi được đặc xá, người đàn ông ấy trở về và bắt đầu con đường gây dựng lại mọi thứ. Giờ đây anh đang là chủ của hệ thống với nhiều tiệm phở lớn mang tên Hùng Ngân (tên được ghép giữa tên anh và tên vợ anh) tại nhiều quận như Tân Bình, Gò Vấp, quận 12, quận 7…

Anh tên thật là Phạm Hùng (SN 1972, quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Gia đình nghèo khó nên ngay từ những năm 1986-1987, Hùng đã theo người ta đi làm thuê làm mướn, làm cửu vạn, bốc vác ở nhiều nơi. Thời gian sau thì anh lên Tuyên Quang đi làm mỏ thiếc…

Vào một buổi chiều (năm 1993), anh theo đồng nghiệp xuống núi mua đồ thì xảy ra xích mích với một nhóm thanh niên địa phương. Hai nhóm lao vào ẩu đả và cả hai bên đều bị thương tích, nhưng một thanh niên địa phương đã tử vong. Hoảng sợ, nhóm của anh bỏ trốn, riêng anh dạt vào TP Hồ Chí Minh.

Vào vùng đất mới với thân phận kẻ trốn truy nã nhưng chỉ trong vòng mấy năm, anh đã lấy vợ và từ một người đi phụ việc cho một quán phở, được chủ truyền nghề cho, anh trở thành chủ của một hệ thống 6 quán phở trải trên nhiều quận.

Khi đang ăn nên làm ra thì đùng một cái anh bị cơ quan Công an phát hiện ra tung tích và bắt giữ. Hùng bị tòa án Tuyên Quang kết án 18 năm tù giam. Thi hành án ngoài đó một thời gian thì anh được đưa vào Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an, đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tiếp tục thi hành án.

Thiếu anh, hệ thống 6 tiệm phở nhanh chóng bị phá sản. May mắn là vợ anh vẫn giữ được công việc chính bán thịt bò để có đồng ra đồng vào nuôi con. Với tình cảm vợ chồng sâu đậm, vợ anh đã vượt qua cú sốc và mọi khó khăn để lo chu tất cho gia đình, giúp anh toàn tâm toàn ý cải tạo, sớm được đặc xá trở về.

Thi hành án ở Trại giam Thủ Đức, với những chính sách cải tạo hợp lý, sự động viên, giúp đỡ của Hội đồng cán bộ của trại cùng với sự yên tâm từ gia đình vợ con đã giúp cho anh Hùng cải tạo tốt. Sau đó, anh Hùng đã được xem xét giảm án 2 lần và đặc xá tha tù trước thời hạn (vào năm 2011).

Trở về đời thường, với sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, với bản tính dám nghĩ dám làm, chí thú làm ăn và nhất là tự tin với tài nấu phở của mình, vợ chồng anh đã từng bước xây dựng lại hệ thống nhiều quán phở Hùng Ngân ngày nay…

Tương tự, từng là một tay giang hồ khét tiếng, giờ đây anh Lê Thừa Dương Hùng với biệt danh Hùng “sầu” đã bỏ lại sau lưng quá khứ lầm lỗi để trở thành một người có công việc ổn định và giúp đỡ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người khác…

Hùng “sầu” (SN 1973) lớn lên ở làng quê nghèo Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mới 11 tuổi, Hùng đã đi theo một đại ca giang hồ “có số” đất Quảng Trị và dần trở thành cánh tay đắc lực của đại ca đất Quảng. Khoảng 4 năm sau, trong một lần bảo kê cho đàn em tại bến xe khách ở Huế, Hùng “sầu” đánh người gây thương tích nặng, bị đưa đi cải tạo, giáo dục hơn 1 năm. Trở về, Hùng “sầu” tiếp tục lao vào con đường giang hồ với những trận “thư hùng” kinh hoàng để tranh giành lãnh địa bảo kê.

Hùng “sầu” dính vào lao lý lần thứ hai vì đánh trọng thương một Công an viên. Để trốn tránh lệnh truy nã toàn quốc, Hùng “sầu” dạt vào TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Hùng gia nhập một băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương (huyện Hóc Môn) được một thời gian rồi phải trốn truy nã sang Campuchia và trôi dạt sang Lào 6 tháng trước khi về lại Việt Nam và trở thành “đại ca” của nhóm giang hồ tại khu vực An Sương.

Tuy nhiên, đến năm 1997, Hùng “sầu” bị bắt và bị tuyên phạt 3,5 năm tù giam. Những ngày đầu trong trại giam, với bản tính hung hãn, Hùng đã gây ra rất nhiều ẩu đả, hành hung… Nhưng sau đó, nhờ sự động viên, chia sẻ của hội đồng cán bộ, cán bộ quản giáo và Hùng được cho học chữ, có lẽ chính cái sự học và cải tạo hiệu quả trong tù đã khiến Hùng “sầu” mong muốn được hoàn lương.

Được ra tù trước thời hạn 6 tháng, đầu năm 2000, Hùng “sầu” trở về với cuộc sống đời thường. Ước mơ tìm một công việc nuôi sống bản thân đối với anh thời điểm đó vô cùng khó khăn. Một người với lý lịch vào tù ra tội, từng nghiện ma túy, đâm chém, bảo kê khiến nơi nào cũng e dè, từ chối khi Hùng đến xin việc.

Trải qua bao gian nan, năm 2001, anh Hùng xin vào làm tại một xưởng gỗ điêu khắc ở huyện Hóc Môn. Sẵn có khiếu, lại được chỉ dẫn bài bản cộng với quyết tâm cao nên anh tiến bộ rất nhanh. Chỉ sau 3 tháng làm việc, anh được quản lý xưởng giao phụ trách kỹ thuật…

Ước mơ hoàn lương đã hoàn thành và sau 10 năm gây dựng, gã giang hồ có “số má” ngày nào hiện đã là chủ của mấy cơ sở mộc, điêu khắc tại TP Hồ Chí Minh và Lâm Đồng… Trong khoảng thời gian này, anh Hùng đã đào tạo hàng trăm người, trong đó chủ yếu là trẻ cơ nhỡ và những người vừa chấp hành hình phạt tù…

Đơn vị chủ công, nòng cốt trong công tác phối hợp

Theo Đại tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (THAHS&HTTP), Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan THAHS, Công an TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 17/8/2024, tổng số người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) chưa xóa án tích hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố là 9.249 người (7.858 nam, 1.391 nữ).

Trong số người CHXAPT kể trên, có nhiều người đã tìm được việc làm, ổn định được cuộc sống, thực sự trở thành người lương thiện. Nhưng cũng có không ít người, sau niềm vui ngắn ngủi được làm người tự do, họ lại “ngựa quen đường cũ” hay tiếp tục phải đối mặt với bài toán cơm áo gạo tiền, chống chọi với những cạm bẫy, cám dỗ của cuộc sống để không trở lại với “đường xưa lối cũ”…

Theo Báo cáo về công tác tái hòa nhập cộng đồng, trong 9 tháng năm 2024, số người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng phạm tội mới trên địa bàn thành phố là 86 người. Tỷ lệ tái phạm tội 1,84%...

Đại tá Huỳnh Văn Hùng cho biết, lý do là vì đa số người CHXAPT về cư trú trên địa bàn do không có nghề hoặc tay nghề, trình độ văn hóa thấp nên rất khó tìm được việc làm. Một số người tuy có điều kiện để lao động, hòa nhập cộng đồng nhưng do bản tính hung hãn, lười lao động, sống bám vào gia đình, có mối quan hệ xã hội phức tạp nên nguy cơ tái phạm tội và vi phạm pháp luật cao.

Ngoài ra, một số người sau khi CHXAPT không về nơi cư trú hoặc người từ tỉnh, thành phố khác đến TP Hồ Chí Minh cư trú, tìm kiếm việc làm nhưng không xuất trình giấy chứng nhận CHXAPT nhằm mục đích che giấu quá khứ phạm tội nên Công an phường, xã, thị trấn không biết, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Đặc điểm tình hình trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các chính sách liên quan đến người CHXAPT…

Do đó, thời gian qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND thành phố trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức xã hội triển khai thực hiện các nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ liên quan đến vấn đề này (Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, Chỉ thị số 33/CT-TTg, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg...), đồng thời đã thể hiện được vai trò là đơn vị chủ công, nòng cốt trong công tác phối hợp và tổ chức thực hiện tốt những nội dung về giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng.

Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa để hạn chế tối đa tình trạng người CHXAPT tái phạm tội; có biện pháp quản lý, giúp đỡ phù hợp hơn đối với từng người; tiếp tục tổ chức và nhân rộng các mô hình về quản lý, giúp đỡ và cảm hóa người CHXAPT, tái hòa nhập cộng đồng.

Riêng Cơ quan THAHS Công an TP Hồ Chí Minh luôn xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT, người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng giảm tỷ lệ tội phạm, góp phần xây dựng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Phú Lữ

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương Đảng uỷ Cục CSGT đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đã lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục đề ra.

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, ngày 8/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có buổi gặp gỡ sinh viên, giảng viên và lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). 

Sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực với việc tăng nặng xử phạt nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tạo ra được bộ mặt mới về giao thông với việc ý thức của người nâng cao rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược, đi trên vỉa hè… giảm mạnh.

Ra đường với cái đầu “nóng”, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người không cần biết đúng sai, nhẹ thì chửi bới, nặng thì lao vào ẩu đả, hung hăng xuống tay đánh đập dã man người khác. Chỉ một phút côn đồ mà vướng vòng lao lý, để lại vết nhơ cả cuộc đời…

Nhiều tài xế xe máy ở Hà Nội đi vào đường Vành đai 2 trên cao (tuyến đường dành cho ô tô di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h), đã đưa ra nhiều lý do như "không chú ý biển báo", "đi nhầm đường"... để biện minh cho hành vi vi phạm. Với hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tài xế còn bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Sau hai ngày TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm, chiều 8/1, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Bình thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội và đề nghị hình phạt đối với các bị cáo.

Ngày 8/1, Đảng bộ Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh Khánh Hòa tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là đơn vị được Tỉnh ủy và Đảng bộ Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức đại hội điểm, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng này đã thành lập trên 80 công ty nhưng không tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào mà chỉ để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng…

Thứ trưởng Phạm Thế Tùng yêu cầu, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược phát triển lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm mục tiêu đưa lực lượng Kỹ thuật nghiệp vụ tiến thẳng lên hiện đại vào năm 2025…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文