Những người còn sống sót ở Làng Nủ đang ở đâu?

17:44 12/09/2024

Trưa 12/9, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Tại các khoa điều trị, những người dân vô cùng may mắn đã sống sót sau cơn lũ dữ ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai đang được điều trị tích cực. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần…

“Tôi may mắn nhất làng vì còn vợ còn con”

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, hiện đang có 20 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện do thảm hoạ thiên tai, trong đó có nhiều bệnh nhân ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Trong một phòng điều trị ở khoa Ngoại chấn thương, tiếng bé gái Hà Khánh Nhân (SN 2021), khóc thét vì đau đớn và hoảng loạn sau cuộc vật lộn trong dòng nước xiết. Gương mặt bé và khắp cơ thể bị xước xát, mắt sưng húp, đầu băng kín. Ở giường bên cạnh, mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Kim (SN 1997) cũng đang vật vã đau đớn.

Anh Hà Xuân Giang ở thôn Làng Nủ đang chăm sóc con gái 3 tuổi bị thương sau cơn lũ.

Anh Hà Xuân Giang (SN 1992), bố của bé Nhân bàng hoàng kể lại giây phút đối mặt với thuỷ thần: “Khoảng 6h sáng 10/9, cả nhà tôi đang ngủ. Tôi nghe thấy tiếng ù ù từ xa vọng lại liền ra bờ suối xem thế nào. Chuyện có lũ ở suối không phải là chuyện lạ ở bản, tôi cũng đã quen. Nhưng lần này tiếng ù ù mỗi lúc một to, chỉ phút chốc là thấy nước dồn về, tung bọt trắng xoá. Tôi không kịp về nhà nữa, cứ thế chạy về phía trước. Lúc đó tôi đang ở bờ bên kia dòng lũ, nhìn về phía nhà mình thấy tất cả sụp đổ, mất dấu ngôi nhà của chúng tôi. Nghĩ đến vợ con còn ngủ trong nhà, tôi nghĩ vợ con tôi mất hết rồi, không còn ai nữa. Cảm giác tuyệt vọng đến cùng cực”.

Anh Giang leo lên đồi, nhìn xuống, cả làng hơn 20 hộ bị san phẳng bởi nước. Không còn cách nào khác, anh vừa đi hỏi tìm vợ con vừa đưa người bị thương đi cấp cứu. 2 tiếng sau, anh nghe tin vợ con còn sống và đã được đưa ra trạm xá. “Khi thấy vợ con, tôi thấy cuộc sống của tôi vẫn còn ánh sáng. Tôi may mắn nhất làng vì còn vợ còn con”, anh Giang bật khóc. Còn chị Kim cũng nghẹn ngào: “Cách nhau một dòng lũ, tôi nghĩ là chồng tôi đã chết, còn chồng tôi nghĩ là mẹ con tôi không còn. Nhưng điều kì diệu đã xảy ra”.

Theo điều dưỡng Vũ Hồng Giang, điều dưỡng trưởng khoa Ngoại chấn thương thì bệnh nhân Kim bị gãy hở xương cánh tay, chiều 12/9 mổ cấp cứu để làm sạch vết thương, vì các vết thương gãy hở ngâm trong bùn đất trong thời gian dài nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Bé Nhân bị xây xước, nhiều chỗ rách da, đặc biệt là tinh thần hoảng hốt nên khóc suốt.

Chị Nguyễn Thị Kim – vợ anh Giang bị gãy hở xương cánh tay đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

“Tôi làm gì còn nhà mà ở nữa ? Tôi sống với ai nữa bây giờ?”

Thương tâm nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Thinh (SN 1988) khi đã mất tất cả 7 người thân. Sau cơn lũ quét, bố mẹ, vợ và 2 con cùng 2 người em trai của anh Thinh đã ra đi mãi mãi, chỉ còn lại anh Thinh đang nằm điều trị tại bệnh viện. Một người em trai của anh Thinh hiện nay chưa tìm thấy thi thể.

Anh Hoàng Văn Đội là anh rể xuống bệnh viện chăm sóc em. Anh Đội kể rằng, sáng 10/9 nghe tin lũ quét, sạt lở nặng quá, từ bản khác anh liền chạy qua nhà bố mẹ vợ, nhưng thấy không còn một ai mà bủn rủn chân tay. Nhà bố mẹ vợ anh ở đầu bản, nước lũ sộc vào đầu tiên. Lúc đó tất cả mọi người đều ở trong nhà, khi nước ập xuống đã nhấn chìm tất cả. Mãi sau anh mới nghe tin người em vợ là Thinh còn sống sót, nhưng bị nhiều vết thương phần mềm. Anh Đội đã cùng người dân khiêng em mình đi bộ 25km từ trong bản ra đến trung tâm thị trấn để cấp cứu, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Thinh đã mất tất cả 7 người thân sau cơn lũ quét.

Anh Thinh sức yếu, dập nát hết người, không cử động nổi. Hai hàng nước mắt chảy dài, anh thều thào: “Tôi làm gì còn nhà mà ở nữa ? Tôi sống với ai nữa bây giờ?”. Câu hỏi vô vọng ấy, ai nghe cũng xót xa.

Hoàn cảnh của anh Thinh cũng chẳng khác gì trường hợp cậu bé Hoàng Gia Bảo (SN 2017) khi 2 anh em của Bảo chẳng còn mẹ cha. Chúng tôi đến thăm em Bảo tại phòng hậu phẫu khi Bảo vừa trải qua đợt phẫu thuật phần mềm trên đầu. Ngày mai, em lại tiếp tục phải mổ chân.

Chị Hoàng Thị Đàn là bác của Bảo nói trong nước mắt: “Bố của bé Bảo là Hoàng Văn Tuân (SN 1987) là em trai của tôi, mẹ của Bảo là Hoàng Thị Quến (SN 1990). Hai em tôi đã bị dòng lũ nhấn chìm. Nay mới tìm thấy thi thể em trai, còn em dâu chưa thấy. May mắn anh trai của bé Bảo đi học không ở nhà nên thoát chết. Bảo cũng được người làng cứu kịp thời. Bố mẹ mất rồi, không biết hai anh em sống ra sao”.

Cậu bé Hoàng Gia Bảo được bác họ chăm sóc sau khi vừa trải qua cuộc phẫu thuật.

Có mặt tại khoa Hồi sức tích cực, chúng tôi nhận thấy các bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Bác sĩ Hoàng Văn Châu – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết: “Khoa có 6 trường hợp liên quan đến thảm hoạ thiên tai, trong đó có 2 trường hợp nặng nhất đã chuyển đi Bệnh viện Bạch Mai đêm qua. Còn lại có 3 trường hợp ở huyện Simacai và 1 trường hợp ở thị xã Sapa đang điều trị tại đây. Tình trạng bệnh nhân hiện tại các chỉ số tạm ổn định, quá trình điều trị còn nan giải và lâu dài”.

Bác sĩ Hoàng Văn Châu – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai chia sẻ về các bệnh nhân do thiên tai thảm hoạ sau cơn bão Yagi.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Châu, trong số 4 bệnh nhân thì có hai anh em họ là Cư Anh Nguyên (SN 2015) và Cư Thị Tuyết Nguyệt (SN 2018) ở huyện Simacai nhập viện trong tình trạng nặng. Cháu Cư Anh Nguyên bị bất tỉnh, đặt ống nội quản, thở máy, đa chấn thương, trong đó nặng nhất là vỡ thận, sẽ phải điều trị lâu dài. Cháu Cư Thị Tuyết Nguyệt bị đa chấn thương do lũ cuốn va đập ở nhiều nơi, vỡ xương chậu, xương cột sống, tràn khí màng phổi. Các vết thương ngoài da có nguy cơ nhiễm trùng do vết thương bẩn do bùn đất.

“Tất cả các trường hợp bệnh nhân do thiên tai thảm hoạ đã và đang được các bác sĩ quan tâm đặc biệt và tập trung cứu chữa tốt nhất. Trong mấy ngày qua, nhiều y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Lào Cai được phân công xuống các huyện để trực cấp cứu, đưa đón bệnh nhân trong đêm lên bệnh viện tỉnh để hội chẩn và điều trị tích cực”, bác sĩ Châu chia sẻ.

Huyền Châm – Đinh Hiền

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文