Nỗ lực giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài (Bài cuối)

08:25 01/04/2023

Cả chục năm qua, "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội dường như vẫn giậm chân tại chỗ khi Thủ đô đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhưng chỉ sau một thời gian, đâu lại vào đấy.

Giải tỏa vi phạm thì dễ nhưng để giữ và duy trì trật tự vẫn là bài toán khó ở Thủ đô, khi người dân phố cổ vẫn còn chen chúc trong những ngôi nhà chật hẹp, chủ yếu "bám" vào vỉa hè kiếm kế sinh nhai; vỉa hè bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán quá lâu… đội dẹp vỉa hè vừa đi, hàng quán lại tái lấn chiếm.

Chống tái lấn chiếm - không đủ lực lượng

Xử phạt xong lại tái lấn chiếm là câu chuyện thường thấy tồn tại nhiều năm ở Hà Nội và nhiều đô thị khác như TP Hồ Chí Minh. Đơn cử như tại tuyến phố Trích Sài và các tuyên phố ven hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội), trước đây, hàng ăn không chỉ chiếm vỉa hè phía trước mặt, thậm chí còn lấn sang vỉa hè bên kia đường - nơi dành cho người đi bộ, đi tập thể dục. "Tôi thường xuyên đi tập thể dục ở ven hồ Tây, vào chập tối, những quán ốc, quán nhậu đều chiếm cả đường đi, họ bày bàn ghế, chiếu ra vỉa hè để cho khách ăn uống", chị Phạm Thị Việt (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho biết.

Vỉa hè phố Trần Huy Liệu (Hà Nội) chật kín xe máy, hàng quán.

Tuyến phố Hoàng Hoa Thám - nơi có "chợ" cây cảnh thì không còn vỉa hè bởi bị lấn chiếm để buôn bán cây cảnh… Phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, hàng quán bày ghế lấn chiếm hết vỉa hè, lòng đường, chỉ dành một lối nhỏ cho người đi bộ. Các tuyến phố này khi có lực lượng đi kiểm tra thì "dẹp" được vài ngày, sau đó lại tái lấn chiếm.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đòi vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng. Song, dù đã thực hiện cả chục năm, nhưng đến nay, việc đòi lại vỉa hè vẫn chưa đạt yêu cầu. Để duy trì được trật tự, theo chuyên gia, cần phải phân loại vỉa hè để có giải pháp thích hợp, chứ không thể đánh đồng chung chung các loại vỉa hè với nhau. Bởi, lịch sử hình thành vỉa hè ở Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh rất phức tạp và có sự riêng biệt. Ví dụ, có nơi vỉa hè rộng 3-4m, nhưng có nơi lại chưa đến 1m. Cần phải tính đến phương tiện giao thông tăng theo các năm, trong khi đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội hiện mới chỉ đạt mức 0,3%, trong khi các đô thị lớn ở nước ngoài thường dành 3% đất cho giao thông tĩnh. Dành vỉa hè cho người đi bộ nhưng cũng phải tính đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhỏ lẻ, kinh tế vỉa hè.

Theo Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Công an TP Hà Nội), sau 1 tháng các lực lượng chức năng của TP Hà Nội ra quân "dẹp" vỉa hè, kết quả đã có chuyển biến tích cực về trật tự công cộng và trật tự đô thị; hè phố, lòng đường phong quang sạch sẽ hơn. Bước đầu được ghi nhận là thành công. Kế hoạch "dẹp" vỉa hè lần này chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (15-28/2) các quận, huyện điều tra cơ bản, vận động, tuyên truyền; giai đoạn 2 (1-31/3) đồng loạt các cấp ra quân tổng kiểm tra xử lý vi phạm; giai đoạn 3 (từ 1/4 đến hết năm) tăng cường chống tái lấn chiếm, tái vi phạm và phân công trách nhiệm cho từng Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị trấn.

"Đây là kế hoạch xuyên suốt từ nay đến cuối năm, không phải trong giai đoạn ngắn. Giai đoạn 3 mới là quan trọng, duy trì được thành quả không phải dễ khi lúc này đang tập trung kiểm tra xử lý, người dân thấy nóng thì chấp hành", Thượng tá Tuấn cho biết.

Theo chúng tôi được biết, để cắm chốt duy trì xuyên suốt từ nay tới cuối năm, Công an các phường không đủ lực lượng, kể cả thêm lực lượng tự quản. Hiện nay, mỗi phường có từ 2-4 người làm công tác tự quản, lương được 2,8 triệu đồng/người/tháng, để duy trì cắm chốt chống tái lấn chiếm là điều không hề đơn giản.

Bài toán khó

Lập lại trật tự vỉa hè đang là bài toán khó với nhiều địa bàn ở Hà Nội. Với đặc thù của quận Hoàn Kiếm là đường hẹp, vỉa hè chật, người dân phố cổ chủ yếu bám sống vào vỉa hè, để lập lại trật tự là bài toán nan giải. Có ý kiến cho rằng, với việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh tràn lan như hiện nay, nên chăng nhà nước cho thuê vỉa hè. "Cuộc sống của chúng tôi đã gắn bó với vỉa hè cả hàng chục năm nay. Nhà nước có thể nghiên cứu thay vì cấm kinh doanh trên vỉa hè thì cho chúng tôi thuê lại vỉa hè. Chúng tôi sẽ đóng phí đầy đủ", bà Nguyễn Thị Lợi, số 18 Tạ Hiện cho biết.

Theo Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc, Đội phó Đội Giao thông - Trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm, đối với vỉa hè phải rộng như các phường ở phía Nam quận Hoàn Kiếm là Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Cửa Nam có thể làm được; hoặc các quận ven đô có thể thực hiện được vì vỉa hè rộng. Còn địa bàn phố cổ do vỉa hè chật, nếu kẻ vạch cho người dân thuê, sẽ xảy ra 2 trường hợp: Người dân dựa vào kẻ vạch cho thuê để lấn chiếm hơn nữa, rất khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ trong công tác xử lý và giải quyết. Thứ hai, nếu cho thuê vỉa hè để cửa hàng kinh doanh, lại phải có chỗ để xe, không còn vỉa hè cho người đi bộ. Vậy nên, cho thuê vỉa hè ở các phường phố cổ không khả thi.

Tại TP Hồ Chí Minh, cũng có ý kiến thu phí vỉa hè. Có người dân đồng tình cho rằng thu phí vỉa hè là giải pháp hợp lý, bởi lấy vỉa hè cho người đi bộ không thể không tính đến việc giải quyết đời sống dân sinh cho một bộ phận người dân. Duy trì trật tự vỉa hè được tái lập nhưng phải song song với việc sử dụng hiệu quả để đảm bảo mỹ quan vừa giải quyết được chuyện đời sống của những người buôn bán gắn với vỉa hè.

Vì sao bài toán lập lại trật tự vỉa hè ở Thủ đô nhiều năm qua không giải quyết được triệt để. Theo các chuyên gia, còn thiếu giải pháp bền vững. Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng Công an phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm) cho biết, các cơ quan trung tâm nằm hầu hết trong phố cổ, không có chỗ đỗ xe. Đơn cử như nhân viên khách sạn Metropol; khách sạn Silk Path Boutique trên phố Hàng Khay; nhiều doanh nghiệp trên phố Bà Triệu và Tràng Tiền phải gửi xe tại địa điểm khác hoặc gửi tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba… Các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn phường Tràng Tiền, mỗi khi có hội họp đều gửi văn bản tới Công an phường, Công an quận để giúp đỡ bố trí chỗ để xe… Do một số bãi trông giữ xe bị cắt giảm, một số bãi điều chỉnh, lượng xe lại quá tải, lưu lượng người đến quận Hoàn Kiếm rất lớn, nhiều cơ quan tổ chức hội nghị… đặt ra áp lực về điểm trông giữ xe rất lớn với chính quyền cơ sở.

"TP cần phải quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh để đáp ứng nhu cầu để xe của người dân, cơ quan, doanh nghiệp và phải có lộ trình thì mới giải quyết được căn cơ lập lại trật tự vỉa hè", Trung tá Hà Quyết Thắng cho biết.

Theo ông Đặng Tiến Nam, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàn Kiếm, hạ tầng giao thông từ lịch sử để lại, có những tuyến phố hè không đảm bảo, có chỗ hè dưới 3m, không sắp xếp trông giữ xe đạp, xe máy; trên 3m quận cho tổ chức trông 1 hàng xe. Quận Hoàn Kiếm đã có nhiều giải pháp giúp người dân có chỗ để phương tiện, nhưng do các tuyến phố quá chật chội so với nhu cầu của nhân dân, vì vậy kiến nghị với TP sớm có điểm quy hoạch đỗ xe tĩnh, ít nhất cần 4 điểm mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Còn theo Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc, đặc thù của Hoàn Kiếm là vỉa hè nhỏ, lòng đường hẹp, dịch vụ du lịch nhiều, khách du lịch đông, lập lại trật tự vỉa hè phải tính đến cả an sinh xã hội. Về lâu dài, muốn thực hiện bền vững lấy lại vỉa hè, phải có giải pháp phù hợp. Hoàn Kiếm đã tính đến việc đưa hàng rong, hộ nghèo bán nước vào một khu trong ngõ rộng, nhưng khách du lịch, người nước ngoài đến phố cổ lại thích ngồi vỉa hè, nên biện pháp này có thu hút được khách du lịch không cũng phải tính đến.

"Đặc thù của Hoàn Kiếm là sử dụng vỉa hè nhiều hơn ở trong nhà, đặc điểm của phố cổ là sử dụng vỉa hè để kinh doanh. Vì vậy, giải pháp giãn dân mới có hiệu quả, khu vực này chỉ dành cho làm kinh tế, không có người ở thì sẽ giảm tải xe đi lại, xe để trước nhà. Như hiện nay, nhà nước tạo điều kiện cho người dân để xe, kinh doanh và có một phần để cho người đi bộ, nhưng ở mức độ nào thì phải có sự thống nhất của chính quyền và tổ dân phố, người dân phải nghiêm túc thực hiện", Thiếu tá Đỗ Ngọc Lộc cho biết.

Để giải quyết trước mắt, theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, đơn vị đang tham mưu cho TP nghiên cứu xử phạt trên hình thức trích xuất camera bằng hình ảnh đối với các phương tiện đỗ xe trên vỉa hè ở các tuyến phố nội đô không được phép dừng đỗ.

Lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố

Ngày 31/3, kết luận hội nghị giao ban quý 1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch; chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự, an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, phải suy nghĩ, bàn cách làm sao cho căn cơ, đảm bảo công bằng, minh bạch; để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường; có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp...

Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay. (C.L.)

Hoàng Ngọc Tùng (Học viện CSND)

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文